Khó chịu, buồn nôn sau khi ăn, bị bệnh gì?
Khoảng 2-3 ngày nay sau khi ăn thì bụng trên, phần xương ức của tôi có cảm giác rất khó chịu và nóng, đặc biệt sau khi ăn cay.
Cảm giác thường kéo dài 30 phút đến một giờ, kèm theo đó là cảm giác hơi buồn nôn. Tôi là nam, 23 tuổi. Xin hỏi bác sĩ tôi đang gặp phải vấn đề gì, có phải bệnh trào ngược axit không? Cách điều trị và phòng tránh như thế nào? (Trung)
Chào bạn,
Trào ngược là một bệnh/hội chứng được chẩn đoán chủ yếu qua lời khai của bệnh
nhân. Chỉ một số ít bệnh nhân có bằng chứng y khoa điển hình qua nội soi hay chụp thực quản.
Vì thế, các thông tin khi hỏi bệnh càng điển hình thì khả năng bị trào ngược càng lớn. Nếu các triệu chứng ghi nhận chỉ hạn chế hay không rõ ràng thì độ chính xác của chẩn đoán sẽ giảm đáng kể.
Trong trường hợp của bạn, chúng tôi nhận thấy vị trí và tính chất cơn đau không điển hình cho trào ngược mà rất có thể chỉ là một đợt viêm dạ dày cấp. Trào ngược trong trường hợp này chưa được loại trừ mà chỉ coi là chẩn đoán để phân biệt.
Trên thực tế, các bệnh lý đường tiêu hóa trên thường có biểu hiện bên ngoài
gần giống nhau như đau bụng, ói, ợ, đầy hơi... nên việc phân biệt chính xác 100% qua khai bệnh là
điều không thể làm được.
Tuy vậy, khi tiếp cận để giải quyết vấn đề, thời gian bệnh có ý nghĩa khá quan trọng. Nói một cách đơn giản, nếu bệnh lần đầu và mới, phần nhiều nguyên nhân là nhẹ và thoáng qua (ví dụ do thức ăn, do thuốc, do virus..) và việc điều trị theo kinh nghiệm được chấp nhận rộng rãi. Thông thường bệnh nhân có thể giảm đau bằng các loại thuốc băng niêm mạc - kháng acid như Phosphalugel, Pepsan, Maalox...
Để giảm bớt lượng acid (thường là nguyên nhân gây đau trong đa số trường
hợp), các bác sĩ sẽ cho một loại thuốc làm giảm tiết acid, phổ biến nhất là nhóm ức chế bơm proton
như omeprazol hay lanzoprazol...
Nếu điều trị không có kết quả hoặc diễn tiến kéo dài hoặc tái phát nhanh, bệnh thường có một nguyên nhân sâu xa hơn cần được khảo sát bằng các phương tiện cận lâm sàng.
Tóm lại, bạn có thể uống các loại thuốc trên trong thời gian 3-5 ngày. Các thuốc trên đều được xếp vào nhóm không cần toa bác sĩ nhưng bạn cần chú ý theo hướng dẫn về cách dùng của dược sĩ ở nhà thuốc. Nếu bệnh không giảm sau vài ngày, bạn cần đi khám bác sĩ để được đánh giá chính xác hơn.
Chúc bạn mau khỏe.
Theo TS.BS Võ Xuân Quang - VnExpress
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình