Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Uống thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ không đỡ, nên làm gì?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, cháu chụp MRI và được kết luận: Thoái hóa đa tầng các đốt sống - đĩa đệm cột sống cổ. Phình kèm thoát vị đĩa đệm C3 - C4, C4 - C5, C5 - C6 gây hẹp ống sống có chèn ép rễ thần kinh trong lỗ tiếp hợp hai bên, tiếp xúc tủy cổ ngang mức C5 - C6 nhưng chưa bị chèn vào tủy. Cháu đã điều trị bằng thuốc 5 tháng nay bằng phương pháp bảo tồn theo đơn thuốc của bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nhưng tình trạng nhức và đau cổ, vai, gáy không giảm. Lúc đầu cháu có triệu chứng đau cổ, lan dần xuống tay trái, tê các đầu ngón tay, lái xe một lúc thì tay trái cháu tê cứng lại. Cháu đi khám thì kết luận Hội chứng ống cổ tay, uống thuốc rồi tiêm nhưng vẫn không khỏi. Cháu tiếp tục đi khám thì hội chứng ống cổ tay không còn, chụp Xquang, siêu âm, điện cơ đều không tìm ra bệnh. Đến khi chụp cộng hưởng mới biết bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Xin bác sĩ cho cháu một lời khuyên.
Trả lời
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Kim Thúy thân mến,
Điều đầu tiên là 1 người có thể vừa bị hội chứng ống cổ tay vừa bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Việc đo điện cơ sẽ giúp chẩn đoán hay loại trừ hội chứng ống cổ tay. Lần em đi khám đầu tiên, chưa đo điện cơ mà chẩn đoán hội chứng ống cổ tay và chích cả thuốc là hơi vội. Mặt khác, hội chứng ống cổ tay không gây ra triệu chứng đau tê từ cổ lan xuống tay. Dù sao thì bây giờ cũng đã xác định là em không bị hội chứng ống cổ tay mà bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Đối với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ với mức độ của em, thì điều trị bảo tồn là ưu tiên hơn phẫu thuật. Nhưng điều trị bảo tồn mà chỉ uống thuốc thì không đủ, việc uống thuốc chỉ giảm triệu chứng nhất thời mà thôi, quan trọng là tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng (đông y, tây y đều có). Cho nên, bên cạnh việc uống thuốc, em nên đến các phòng tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng hay Bệnh viện Y học Cổ truyền, Viện Y học Dân tộc để phối hợp điều trị, đồng thời phải thay đổi chế độ sinh hoạt - công việc cho phù hợp:
- Chú ý thay đổi tư thế trong quá trình làm việc, không giữ mãi một tư thế trong nhiều giờ liền. Ngồi làm việc đúng tư thế để tránh các bệnh cột sống.
- Vận động đúng cách, khi vác vật nặng không vặn cột sống.
- Thường xuyên tập thể dục rèn luyện để cột sống vững chắc, cơ thể dẻo dai, bơi cũng được mà yoga là tốt nhất.
- Ăn uống khoa học, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin D, omega 3… giúp nâng cao độ chắc khỏe của đĩa đệm cũng như xương khớp.
- Duy trì cân nặng bình thường, tránh để tăng cân quá mức.
Trân trọng.
Mời tham khảo thêm:
>>Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, phẫu thuật bằng phương pháp nào?
>>Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức vùng cổ, vai, gáy kèm theo đó là mất cảm giác bàn tay, cổ tay…
- Lão hóa: Tuổi càng cao thì khả năng tổng hợp sợi collagen và mucopolysaccharide của đĩa đệm càng giảm gây ra thoát vị đĩa đệm nhanh hơn, một phần do tế bào mâm sụn ở đĩa đệm cũng mất đi khả năng tự sinh sản và tái tạo. Lúc này, chỉ cần một tác động đủ lớn, đĩa đệm cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp buộc cột sống phải vận động quá giới hạn sinh lý, làm việc trong tư thế gò bó, rung xóc, vận động cổ nhiều… như lái xe, công nhân, nông dân khiến đĩa đệm dễ bị tổn thương.
- Sai tư thế: Nhiều người bị thoát vị đĩa đệm do thường xuyên ngồi gập cổ, nâng vật nặng bằng cổ vai, ngủ gối quá cao hoặc quá thấp, nghe điện thoại bằng vai và tai…
- Chấn thương: Thoát vị cổ thể xảy ra bởi những chấn thương mạnh như tai nạn, trượt ngã, bị đánh, chơi thể thao quá sức…
- Nguyên nhân khác: Chế độ ăn uống không khoa học, di truyền… cũng là những nguyên nhân phổ biến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình