Trưởng khoa Ngoại Niệu - Ghép thận - Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM
TS.BS Trương Hoàng Minh: Trào ngược bàng quang niệu quản có chữa khỏi được không?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, Cháu là nam năm nay 22 tuổi, cháu bị trào ngược bàng quang niệu quản gây giãn đài bể thận và niệu quản bên trái (niệu quản và thận phải vẫn hoạt động bình thường) do cháu uống nhiều nước ban đêm và nhịn tiểu. Chức năng thận trái cháu vẫn còn nhưng mất nhu động niệu quản và đài bể thận. Nước tiểu vẫn chảy ngược lên thận trái do hỏng van chống trào ngược giữa bàng quang và niệu quản. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi có cách nào để chữa trào ngược nước tiểu lên thận và giúp hồi phục lại nhu động niệu quản và đài bể thận không ạ? Cảm ơn bác sĩ!
Trả lời
Chào bạn,
Qua những triệu chứng mà bạn vừa kể, theo tôi đây là bệnh lý trào ngược bàng quang niệu quản. Bệnh lý này do một bất thường ở vị trí khúc nối giữa niệu quản với bàng quang. Ở vị trí này, bình thường nước tiểu sẽ ở trên thận xuống niệu quản và đổ vào bàng quang nhưng do một bất thường hoặc do tổn thương khúc nối giữa niệu quản với bàng quang làm cho khúc nối này như một cái van trào ngược lại. Khi chúng ta rặn tiểu, nước tiểu chảy ngược lên trên niệu quản và thận rồi lại chảy xuống trở lại.
Lượng nước tiểu bị chảy lên/ xuống làm cho số lần đi tiểu nhiều lên, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu, gây viêm về thượng thận. Hậu quả nặng nề hơn là tổn thương chức năng thận do trào ngược, dẫn đến viêm mô thận kẽ và cầu thận dần bị tiêu hóa đi, làm mất chức năng của thận.
Để chẩn đoán bệnh này cũng rất dễ. Chẳng hạn dựa vào triệu chứng lâm sàng, khi bệnh nhân đi vệ sinh sẽ cảm thấy tức bên thận bị trào ngược.
Hiện nay một trong những phương pháp hữu hiệu, nhiều cơ sở có thể thực hiện được, đó là chụp bàng quang khi rặn tiểu. Phương pháp này được thực hiện bằng tiêm thuốc bằng đường tĩnh mạch và thuốc sẽ được bài tiết qua thận xuống bàng quang, cho đến khi bàng quang căng lên và chờ bệnh nhân rặn tiểu. Khi bệnh nhân rặn tiểu như vậy, bác sĩ sẽ thấy một lượng nước tiểu kèm theo thuốc sẽ chảy ngược lên thận.
Hoặc một cách nữa là chụp bàng quang ngược dòng, tức đặt ống thông vào trong niệu đạo và bơm thuốc vào bàng quang. Khi bệnh nhân mắc tiểu thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân rặn tiểu và chụp lại hình ảnh thuốc chảy ngược lên niệu quản.
Trào ngược niệu quản chia thành 5 mức độ. Ở mức độ nhẹ, người ta có thể theo dõi, đánh giá nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu nhiễm khuẩn đường tiết niệu ít, không tái diễn, mức độ trào ngược nhẹ thì có thể theo dõi. Nhưng nếu ở mức độ nặng, cần phải được can thiệp.
Có rất nhiều phương pháp để điều trị. Nếu như chưa cần can thiệp bằng phẫu thuật, có thể qua tiêm qua nội soi bằng chất teflon vào vị trí van để làm hẹp khúc nối giữa niệu quản và bàng quang lại, chống trào ngược, mang lại hiệu quả cao.
Bệnh này có thể chữa được. Tuy nhiên, trước khi thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ phải tầm soát xem bệnh nhân còn sót nước tiểu hay không, loại trừ các bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu và điều trị cho bệnh ổn định, hoặc đánh giá dung tích bàng quang để có phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu bệnh nhân ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp đơn giản. Nếu ở mức độ nặng, bệnh nhân sẽ được can thiệp bằng các phương pháp ngoại khoa. Vì vậy, bệnh nhân nên đến thăm khám tại các chuyên khoa tiết niệu và có chỉ định phù hợp.
Thân mến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình