Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Trong thời kỳ ủ bệnh, nước bọt của chó có virus dại không?
Câu hỏi
Bác sĩ cho em hỏi, em đọc được thông tin là virus dại tồn tại trong cơ thể con vật trước lúc phát bệnh là khi có biểu hiện từ 2-8 tuần, vậy tại sao chỉ theo dõi con vật trong vòng 15 ngày ạ? Nếu con vật cắn mình trước thời gian 15 ngày thì có sao không? Hai là chuột có gây bệnh dại không ạ?
Trả lời
Chào em,
Bệnh dại thường có nguy cơ lây nhiễm cao ở động vật chưa được tiêm phòng, hay đi lang thang ra bên ngoài nhiều và tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc chó/mèo mang mầm bệnh. Virus bệnh lây chủ yếu qua vết cắn, thông qua nước bọt tại vết cắn. Trường hợp vết thương ngoài da tiếp xúc với nước bọt của con vật nhiễm dại (không qua vết cắn) thì nguy cơ nhiễm dại vẫn có, nhưng nguy cơ thấp hơn nhiều và thường thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.
Virus bệnh dại có thể tồn tại trong cơ thể từ 2-8 tuần trước khi có biểu hiện phát bệnh ra ngoài. Tuy nhiên, nếu virus bệnh dại được truyền từ nước bọt qua vết cắn thì thời gian phát bệnh có thể rút ngắn lại còn 10 ngày.
Dấu hiệu bệnh dại ở động vật nhiễm dại thường biểu hiện qua 2 thể bệnh thường thấy đó là thể điên cuồng và thể dại câm và qua 2 giai đoạn chính: thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ phát bệnh.
- Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh có thể thay đổi từ 7 ngày đến nhiều tháng tùy thuộc loài, độc lực của virus và vị trí vết cắn. Đa số bệnh sẽ phát tác trong vòng 21 - 30 ngày sau khi con vật nhiễm virus. Đối với chó thời gian này trung bình là 10 ngày.
- Thời kỳ phát bệnh: Thường được chia làm 2 thể là thể dại điên cuồng và thể dại câm (bại liệt). Trong thực tế, nhiều con chó mắc bệnh dại có thể biểu hiện cả 2 dạng lâm sàng này xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt. Ở thể dại điên cuồng, vật nuôi chết trong khoảng từ 3 - 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên, còn ở thể dại câm tiến triển nhanh hơn thể dại điên cuồng, thông thường chỉ từ 2 - 3 ngày.
Trong thời kỳ ủ bệnh thì trong nước bọt của con chó cũng có thể có virus dại, tuy nhiên, lượng virus này rất thấp so với thời kỳ phát bệnh, khả năng lây bệnh dại cho người là chưa được ghi nhận cho đến hiện tại. Cho nên, hiện nay theo quy định của Bộ Y tế thì sau 15 ngày chó vẫn sống khoẻ mạnh bình thường thì tại thời điểm nó cắn người trước đó 15 ngày, nguy cơ nhiễm dại của người này là không có và không bắt buộc tiêm phòng dại tiếp tục, trừ khi muốn tạo kháng thể bền vững kéo dài hơn.
Thứ hai, chuột vẫn là động vật có khả năng lây truyền bệnh dại. Về khả năng bị nhiễm dại thì theo nguyên lý chung, bệnh dại có thể lây nhiễm qua vết cắn của động vật có vú, mà chuột là một động vật có vú. Tại Việt Nam, chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu (97%), kế đó là mèo (2,7%).
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình