Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM
Thuốc Varikosette có điều trị hiệu quả suy van tĩnh mạch chi dưới?
Câu hỏi
Xin chào BS, Mẹ em hiện 55 tuổi, đi khám BS và BV nhiều nơi và được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, đã uống thuốc nhiều và không có dấu hiệu khỏi. Chân vẫn rất đau, nhiều khi đứng trong thang máy muốn khuỵu xuống. Mẹ có tìm trên mạng loại thuốc Varikosette. Em có tìm hiểu thử thì rất loạn giá, và không biết có thần dược như quảng cáo không? Nhờ BS tư vấn giúp ạ.
Trả lời
Suy van tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và hệ tĩnh mạch sâu. Bệnh có liên quan đến sự thoái hoá do lớn tuổi, hoặc thường gặp ở người có tính chất công việc thường phải đứng lâu, ngồi lâu gây ứ trệ tuần hoàn, phụ nữ có thai, béo phì, mang vác nặng, có huyết khối tĩnh mạch chi dưới…
Để ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh cần hạn chế đứng hoặc ngồi bất động trong thời gian dài, tránh tư thế ngồi bắt chéo chân, nên tập thể dục thể thao thường xuyên. Buổi tối khi ngủ nên kê cao chân, chế độ ăn uống cần giảm chất béo, tăng cường chất xơ, uống nhiều nước để tránh tình trạng táo bón. Các thuốc trợ tĩnh mạch và các biện pháp trên chỉ có tác dụng phòng ngừa, hạn chế tiến triển của bệnh chứ không giúp đảo ngược tình trạng bệnh.
Bạn nên đưa mẹ tới khám chuyên khoa Mạch máu để BS kiểm tra xem có huyết khối tĩnh mạch chi dưới hay không, cần thiết sẽ cho chỉ định mang vớ y tế, dùng các thuốc giảm triệu chứng hoặc can thiệp ngoại khoa.
Varikosette có thành phần flavonoid có thể dùng trong điều trị suy van tĩnh mạch chi dưới nhưng tác dụng thật sự không thần kỳ như quảng cáo, khi đi khám bệnh BS sẽ kê toa một số thuốc có tác dụng tương tự để hạn chế bệnh tiến triển bạn nhé!
Trân trọng.
Mời tham khảo thêm:
>> Bị suy giãn tĩnh mạch, nên khám bệnh ở đâu?
>> Suy giãn tĩnh mạch chân, điều trị thế nào?
Một số yếu tố nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chi dưới gây ra do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên đã được xác nhận như: quá trình thoái hóa do tuổi tác; do tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân; các yếu tố nguy cơ như: chế độ làm việc (phải đứng nhiều, làm việc trong môi trường ẩm thấp), béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin... |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình