Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Tê bàn tay khi lái xe máy, do đâu?
Câu hỏi
Bác sĩ ơi. Em hay bị tê tay, lúc đầu thì ít nhưng càng lúc càng nhiều, mỗi lần lái xe máy càng bị tê nhiều hơn. Tay em tê và đau lắm, em mong bác sĩ giúp em như vậy là bị gì và cách khắc phục ạ?
Trả lời
Chào bạn,
Triệu chứng tê bàn tay tăng dần khi chạy xe máy ở người nữ thường gặp nhất là do hội chứng ống cổ tay. Hội chứng ống cổ tay là Bệnh thường thấy ở người lao động dùng nhiều tới động tác lắc của cổ tay. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là tê tay. Tê ở gan bàn tay, cùng với ngón trỏ và ngón giữa. Thường nhất là người bệnh chỉ thấy tê ngón trỏ và ngón giữa. Khi quá gấp hoặc quá ưỡn cổ tay, thì các triệu chứng tê tay có thể tăng lên. Sau một thời gian không được chữa trị, dần dần có rối loạn vận động, biểu hiện bằng yếu và teo khối cơ ô mô cái. Nguyên nhân của bệnh là do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay.
Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay là phải có đo điện cơ 2 tay vì triệu chứng tê bàn tay cũng có thể do những bệnh lý khác gây nên, như bệnh lý về thần kinh ngoại biên, bệnh lý mạch máu nhỏ, thần kinh cột sống cổ…
Về cách điều trị hội chứng ống cổ tay thì có 3 cách: nội khoa, vật lý trị liệu và phẫu thuật.
Cách điều trị nội khoa là sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc bổ dưỡng cho dây thần kinh, và thuốc bổ dưỡng cho hệ thống xương sụn. Nếu bệnh không đỡ, bác sĩ sẽ chích thuốc corticoide vào trong ống cổ tay. Điều trị nội khoa thường cần thời gian dài, không tốt cho người có bệnh về dạ dày. Bệnh có thể khỏi từ vài tháng đến nhiều năm, tùy từng người, càng phát hiện sớm để trị bệnh, thì càng khỏi lâu.
Cách điều trị vật lý trị liệu là sử dụng sóng siêu âm để giảm phản ứng viêm ở gân cơ trong ống cổ tay, châm cứu, bấm huyệt…
Cách điều trị phẫu thuật áp dụng cho hội chứng ống cổ tay mức độ nặng, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở cổ tay để giải phóng dây thần kinh ra khỏi ống cổ tay. Đây là một phẫu thuật thường làm, thường chỉ cần gây tê tại chỗ, bệnh nhân thậm chí không cần nằm viện. Đa số sau mổ khỏi vĩnh viễn nhưng phải giữ gìn, nếu không vẫn có thể tái phát.
Như vậy, bạn cần khám chuyên khoa cơ xương khớp trước nếu nghi ngờ mình mắc hội chứng ống cổ tay, sau khi xác định chẩn đoán và mức độ, bác sĩ mới có thể tư vấn hướng điều trị thích hợp cho bạn được.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình