Hotline 24/7
08983-08983

Tay chân tự nhiên run bần bật, tôi bệnh gì vậy BS?

Câu hỏi

Xin chào bác sĩ, Tôi 31 tuổi, sức khỏe bình thường, nhưng hơn 1 năm nay tôi bắt đầu run tay chân và lo lắng (lúc xưa không có run, chỉ khi nào uống cafe thì hơi hồi hộp và run nhẹ thôi), viết chữ cũng không chuẩn như trước, đặc biệt là sau những đêm uống bia nhiều. Tôi rất lo vì thấy triệu chứng này càng nặng. Mỗi lần ngồi thư giãn hít thở sâu thì giảm run, nhưng chỉ cần thay đổi nhẹ tư thế ngón tay là lại run bần bật (chân cũng vậy). Thêm nữa là tôi ngủ không ngon, không sâu, sinh dục cũng yếu đi. Đi khám sức khỏe định kỳ BS nói huyết áp tôi hơi cao, nhịp tim chậm xoang 52, xét nghiệm máu bình thường, chỉ có Triglyceride 1.9g/l, BS bảo kiên mỡ, tập thể dục. Hôm trước tôi đi khám, BS cho thuốc Propanolol (1/2 viên 40mg/ ngày) uống thì giảm nhưng không hết hẳn. BS cũng đề nghị siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm T3,T4, TSH. Nay đã có kết quả nhờ các BS của AloBacsi tư vấn thêm. Tôi có phải xét nghiệm thêm gì nữa không và nên đi khám tiếp ở đâu? * Các kết quả xét nghiệm: 1. Siêu âm tuyến giáp: Eo giáp: 3mm Tuyến giáp bên phải: + Chiều rộng a=20cm + Chiều dài b=50cm + Chiều dày c=19cm + 1/3 giữa có nhân phản âm kém d # 2.5mm, có vôi hóa viền Tuyến giáp bên trái: + Chiều rộng a=18cm + Chiều dài b=45cm + Chiều dày c=18cm + Không tổn thương khu trú Nhu mô tuyến giáp 2 bên: phản âm dày lan tỏa Hạch cổ 2 bên: Không. Kết luận: Phình giáp với nhân thùy phải. 2. Xét nghiệm máu: TÊN XÉT NGHIỆM KẾT QUẢ TRỊ SỐ BÌNH THƯỜNG ĐƠN VỊ TSH 1.25 0.27-4.2 mU/L T3 1.79 1.29-3.14 nmol/L T4 110.94 51.6-154.8 nmol/L Mong sớm nhận được tin trả lời, xin cảm ơn. (Trung Nam - nam...@yahoo.com)

Trả lời
Chào bạn Trung Nam,
Rất cảm ơn bạn đã tin tưởng AloBacsi. Chúng tôi sẽ trình tự trả lời từng phần câu hỏi của bạn như sau.
Run là biểu hiện động tác bất thường không cố ý, là sự phối hợp không nhịp nhàng của một nhóm cơ nhất định và cơ đối trọng. Có nhiều nguyên nhân có thể gặp trong các bệnh: xơ cứng tủy, run ở người già, do tiểu não, gia đình, bệnh Parkinson, cường giáp... Một số trường hợp không rõ nguyên nhân, được xếp vào nhóm .

Run vô căn không kiểm soát được sự rung lắc do sự rối loạn đường truyền giữa não bộ và các dây thần kinh. Bạn còn rất trẻ để nghĩ đến các bệnh lý khác, nên chúng tôi nghĩ có thể bạn bị mắc bệnh run vô căn.

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng run tay hiện chưa được biết rõ, nhưng các nhà khoa học cho rằng do vùng tiểu não hoạt động kém hiệu quả, bệnh có tính chất di truyền (50%), không rõ trong gia đình có ai mắc bệnh giống như bạn chưa.

Hiện tượng run sẽ rõ ràng hơn khi bàn tay hoạt động và trở lại bình thường khi bạn ngủ, đặc biệt hơn là tay của bạn càng run mạnh khi bạn cảm thấy lo âu, căng thẳng vì cố gắng kiểm soát hiện tượng run. Việc điều trị có thể cải thiện được nhờ thuốc chẹn beta (propranolol), cho nên bác sĩ có chỉ định dùng thuốc này cho bạn với hai mục đích điều trị (cao huyết áp và tun tay).

Bạn có một số triệu chứng như ăn không ngon, ngủ không ngon giấc, yếu sinh lý, theo chúng tôi nghĩ là do bạn quá căng thẳng (vừa lo lắng cho bệnh tật và công việc). Vì vậy, nếu bạn được thư giãn, tránh được stress, giảm bớt căng thẳng thì tình trạng trên sẽ được cải thiện.

Qua khám sức khỏe định kỳ bạn có huyết áp hơi cao, mạch chậm xoang, triglyceride cao hơn mức bình thường. Với kết quả này,bạn chưa cần dùng thuốc, trước tiên bạn nên kiêng ăn mặn, kiêng muối, kiêng ngọt, kiêng rượu bia, kiêng béo, tăng cường ăn nhiều rau xanh, củ quả, tập thể dục đều mỗi ngày từ 30-60 phút. Nhưng bạn cũng cần lưu ý đến nhịp tim chậm, nếu có dấu hiệu đau ngực hoặc khó thở thì cần nhập viên ngay, thường xuyên kiểm tra, theo dõi huyết áp.

Do chúng tôi không khám trực tiếp cho bạn nên khó chẩn đoán được chính xác. Vì vậy, bạn nên khám chuyên khoa nội thần kinh để làm thêm một số xét nghiệm: đo điện cơ, test L-dopa, định lượng dopamine…để có chẩn đoán rõ ràng và điều trị sớm.

Kết quả siêu âm tuyến giáp, cả hai thùy T & P đều lớn (lớn cả 3 chiều), eo giáp trong giới hạn bình thường, có nhân giáp nhỏ thùy P (có vôi hóa viền), xét nghiệm máu (TSH và T3 bình thường, T4 tăng) phù hợp với kết quả siêu âm (phình giáp). Với kết quả này, bạn cần điều trị phình giáp cho tuyến giáp nhỏ lại, nếu thận trọng bạn có thế làm thêm FNA (chọc nhân giáp qua siêu âm để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh nhằm loại trừ trường hợp ung thư giáp).

Thân mến!

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X