Viêm hang vị sung huyết là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày bị viêm, tại đây, các mạch máu giãn nở do ứ máu nhiều.
Viêm
hang vị sung huyết có thể do dùng một số thuốc có tác động xấu vào niêm
mạc dạ dày như corticoid, hoặc thuốc giảm đau (aspirin), hay thuốc giảm
đau không steroid. Đa số viêm sung huyết hang vị là do vi khuẩn
Helicobacter pylori (Hp). Ngoài ra, viêm sung huyết hang vị còn có thể
do dùng rượu, bia quá nhiều, nhất là uống vào lúc đói. Bên cạnh đó còn
có một số yếu tố khác liên quan đến viêm hang vị sung huyết là lạm dụng
các chất kích thích (cà phê, thuốc lá) hoặc gia vị (ớt, hạt tiêu, mù
tạt…) hoặc căng thẳng thần kinh, bị stress liên tục, mất ngủ triền miên…
Biểu
hiện chủ yếu là đau bụng cồn cào ở vùng trên rốn, sát với xương ức
(vùng thượng vị) kèm theo đầy hơi, trướng bụng, ợ hơi, ợ chua, có thể có
cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Đau có thể âm ỉ nhưng đa số đau nhiều, khó
chịu, nhất là về đêm. Đau có thể lan lên ngực, vai, sau lưng, thắt
lưng. Đau xuất hiện hoặc tăng lên khi thay đổi thời tiết, nhất là áp
thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc tràn về. Lúc no đau nhiều hơn lúc đói
do thức ăn và dịch vị nhiều tác động vào niêm mạc hang vị.
Viêm
sung huyết hang vị, nếu không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm hoặc
điều trị không đúng phác đồ có thể dẫn đến loét, thủng và nguy hiểm hơn
là ung thư hang vị. Viêm sung huyết hang vị tuy đau nhiều nhưng ít gây
chảy máu hơn so với viêm, loét hành tá tràng.
Để điều trị có hiệu
quả, trước hết, người bệnh cần được khám bệnh một cách đầy đủ để xác
định nguyên nhân (do dùng thuốc hay do chế độ ăn uống, do chế độ sinh
hoạt hay do vi khuẩn HP…). Trên cơ sở đó sẽ có hướng điều trị tốt nhất.
Cần
dùng thuốc theo đơn của bác sĩ khám bệnh cho mình, uống đúng liều lượng
không tự động thêm hoặc bớt thuốc, không ngưng dùng thuốc khi chưa có ý
kiến của bác sĩ.
Người bệnh nên biết, điều trị viêm sung huyết
hang vị dạ dày cần kiên trì, không nóng vội và không quá lo lắng về bệnh
tật của mình. Bởi vì điều trị viêm sung huyết hang vị không phải trong
ngày một, ngày hai mà phải có thời gian nhất định, nếu người bệnh quá lo
lắng, bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm.
Trong
trường hợp xác định có vi khuẩn Hp, việc dùng kháng sinh để tiêu diệt vi
khuẩn là hết sức cần thiết. Ngoài việc sử dụng kháng sinh (nếu có vi
khuẩn Hp), cần có các loại thuốc băng niêm mạc dạ dày, thuốc chống tiết
dịch vị, thuốc giảm đau và thuốc an thần. Người bệnh cần dùng thuốc một
cách nghiêm túc.
Khi cơn đau xuất hiện, nên ăn một ít bánh mỳ,
bánh ngọt (có khả năng hút dịch vị để tống xuống ruột làm giảm sự kích
thích của chúng) hay uống một ly sữa nhỏ sẽ tạm thời làm giảm cơn đau
hoặc chườm nóng. Người bệnh cần được nghỉ ngơi thoải mái, tránh căng
thẳng, lo âu, buồn phiền, mỗi ngày nên được ngủ ít nhất từ 7 - 8 giờ.
Để
phòng bệnh viêm sung huyết hang vị, cần có chế độ ăn uống hợp lý (không
ăn nhanh, không ăn vội vàng, phải ăn chậm, nhai kỹ, không nên cho canh
vào cơm…). Cần ăn thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, không ăn, uống quá no, sau
khi ăn uống xong không nên lao động, vận động ngay. Hạn chế ăn chua cay
(dấm, ớt, mù tạt, hạt tiêu…). Không uống rượu, bia, nước ngọt có hơi
(gas) khi đói. Tốt nhất là không hút thuốc, không nên uống quá nhiều cà
phê, trà đặc.
Nếu có bệnh, cần dùng thuốc phải tuân theo lời dặn
của bác sĩ, nhất là các loại thuốc có hại cho dạ dày (aspirin,
corticoid…). Nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, đi bộ, giao lưu với bạn
bè, nếu có điều kiện nên tham gia các môn thể thao như bơi, chơi cờ, cầu
lông…
|