Hotline 24/7
08983-08983

Sút cân khi mắc bệnh tiểu đường, có nên nhập viện điều trị?

Câu hỏi

Thưa BS, Em năm nay 35 tuổi, cân nặng cách đây 1 tháng là 68kg, sau khoảng 2 tháng em thấy mình bị sút cân và hiện giờ là 64kg và có nguy cơ sút nữa. Đi khám BS bảo em bị tiểu đường, đường huyết ngày 20/06/2018 glucose 12,25 và HbA1C là 10,63. Sau khi bị như vậy em có về ăn uống kiêng khem và tập luyện đến ngày 16/07/2018 chỉ số glucose là 6,82. Đi khám BS bảo chưa cần phải uống thuốc, vì uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, hẹn 1 tháng sau đến kiểm tra lại, vì đường huyết giảm khá tốt. BS có thể tư vấn thêm cho em được không ạ? Em có phải nhập viện để điều trị không? Đến hôm nay vẫn cứ bị sút cân, em rất khó chịu ạ! Xin cám ơn BS.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Sút cân là triệu chứng nổi bật khi mắc bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Sút cân là triệu chứng nổi bật khi mắc bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Đái tháo đường ở người trẻ có 2 type: đái tháo đường type 1 và type 2. Đái tháo đường type 1 thường ở người trẻ tuổi (khởi phát trước 20), bắt buộc phải sử dụng insulin trong phác đồ điều trị, nếu không người bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng và gặp nguy hiểm. Đái tháo đường type 2 thường diễn tiến âm thầm hơn, trên những cơ địa béo phì hoặc béo bụng.

Thay đổi lối sống, bao gồm thay đổi chế độ ăn, giảm cân và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là một trong những cách điều trị bệnh, đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn đầu và một số trường hợp có thể đưa mức đường huyết của người bệnh về bình thường.

Do đó bạn nên tiếp tục theo dõi ở chỗ BS chuyên khoa Nội tiết, khi cần sẽ kê toa thuốc kịp thời cho bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Một trong những triệu chứng chính, thường gặp của bệnh tiểu đường là sút cân nhanh, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể xảy ra ngay cả khi người bệnh được điều trị. Nguyên nhân là do việc kiểm soát đường huyết không được hiệu quả.

Bạn nên theo dõi và đi khám sớm nếu tình trạng sụt cân vẫn tiếp diễn, nhằm phát hiện và có hướng điều trị biến chứng tiểu đường sớm. Ngoài ra, bạn cần phải xem lại thói quen ăn uống, không hẳn cứ kiêng kem là tốt. Bởi vì bạn có thể ăn bất kỳ thực phẩm nào mà bạn muốn, tuy nhiên cần biết nên ăn nhiều loại nào và bớt loại nào, cũng như ăn thế nào cho hợp lý.

Cần duy trì chế độ ăn với nhiều loại thực phẩm khác nhau hằng ngày. Nên sử dụng các loại thực phẩm ít gây tăng đường huyết như gạo lức, đậu đỗ, rau xanh. Bên cạnh đó nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu hũ.

Cần hạn chế các thực phẩm gây tăng đường huyết như bánh kẹo, chè, kem, nước ngọt, các loại trái cây ngọt như xoài, sầu riêng, nhãn, vải... Hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa như da, phủ tạng động vật.

Nên ăn 3 bữa chính và 1 đến 2 bữa phụ mỗi ngày. Bữa phụ có thể dùng sữa dành riêng cho người đái tháo đường, lựa chọn các trái cây ít ngọt như bưởi, thanh long, táo...

Bạn nên kiểm tra xem chỉ số khối lượng cơ thể BMI - cân nặng (kg)/chiều cao (mét) bình phương là bao nhiêu. Nếu chỉ số này nằm trong giá trị từ 18 - 23 thì việc kiểm soát cân nặng khá tốt. Nếu chỉ số khối của cơ thể càng cao thì nguy cơ xuất hiện biến chứng càng lớn, tương tự nếu quá gầy thì dễ dẫn đến suy nhược cơ thể.

 Ngoài ra, nên duy trì các hoạt động thể lực để giúp ổn định đường huyết, tăng cường chức năng hệ tim mạch, tạo cảm giác khỏe khoắn, giảm lo lắng, căng thẳng. Có thể lựa chọn các loại hình vận động như đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập dưỡng sinh.

Bệnh đái tháo đường là bệnh hoàn toàn có thể điều trị được, cần khuyên bố bạn nên lạc quan và nên lựa chọn nơi để được khám bệnh, điều trị bệnh bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết.



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X