Hotline 24/7
08983-08983

Những phương pháp giúp cai nghiện rượu hiệu quả?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Có cách nào để không phải nghiện rượu bia không ạ? Chồng em 1 tuần nhậu gần hết tuần, mà không nhậu là thèm, 1 ngày hút 1 gói thuốc. Mong bác sĩ chỉ giúp em có cách nào để cai không ạ? Em xin cảm ơn.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Nghiện rượu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nghiện rượu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Nghiện rượu mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe và tinh thần và cả cuộc sống, công việc của người bị nghiện rượu, đồng thời ảnh hưởng lên người thân xung quanh người bị nghiện rượu.

Để giúp người bị nghiện rượu cai rượu thì đầu tiên cần có sự ủng hộ, trợ giúp, khuyên nhủ của những người thân trong gia đình.

Không ai bị nghiện mà nhận mình nghiện cả, vì nếu nhận mình bị nghiện thì đồng nghĩa với việc họ sẽ phải cai nghiện. Một mình em chắc chắn không đủ sức lay động được chồng em đâu, em cần sự giúp sức của bố mẹ 2 bên, anh chị em, cô dì chú bác cùng nhau khuyên chồng em về tác hại của rượu bia, yêu cầu những người bạn nhậu của chồng em không rủ rê chồng em đi nhậu nữa, cho chồng em đi khám tổng quát để kiểm tra tổng thể, xem ảnh hưởng của rượu lên cơ thể đến đâu rồi, đặc biệt là gan mật và bệnh lý thần kinh do rượu.

Khi thấy mình bắt đầu có bệnh do rượu, có thể giúp người nghiện rượu thêm quyết tâm. Hiện nay, thuốc cai rượu trên thị trường có nhóm disulfiram (Abperal, Abstinyl, Espéral, Antabuse…), naltrexon (trong cai nghiện ma túy), Boniancol là được dùng rộng rãi nhất. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe cho chồng em rồi mới chọn lựa loại thuốc và liều dùng thích hợp, an toàn cho chồng em. Chuyên khoa cần khám là chuyên khoa Tiêu hóa, em nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Nghiện rượu bia là một căn bệnh phức tạp liên quan đến việc sử dụng các chất có cồn liên tục trong thời gian dài. Nếu ngưng uống đột ngột, người nghiện sẽ có những triệu chứng khó chịu trong cơ thể. Tâm lý lẫn thể chất của những người nghiện rượu luôn phụ thuộc vào chất có cồn. Do đó, họ cứ tiếp tục uống rượu bia bất chấp các tổn hại về thể chất, tâm lý và những xáo trộn trong cuộc sống gây ra bởi chứng nghiện này.

Bác sĩ thường chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh lý của bệnh nhân để biết được những hành vi gây ra các vấn đề trong công việc, xã hội và tâm lí của bệnh nhân. Các xét nghiệm máu cũng có thể cho biết chất có cồn có ảnh hưởng đến máu, thận, gan và sức khỏe hay không.

Việc điều trị ban đầu rất khác nhau và tùy thuộc vào mức độ nghiện cũng như mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của rượu đến cơ thể bạn.

Trong quá trình điều trị ngắn hạn, cần cung cấp kiến thức về sự nguy hiểm của việc chè chén và ngộ độc rượu bia, để người nghiện nhận thức được mối nguy hại của việc nghiện rượu. Phương pháp điều trị nghiện rượu có thể bao gồm cai rượu, dùng các loại thuốc, sử dụng dịch vụ tư vấn và nhóm hỗ trợ.

Đầu tiên, để điều trị thành công, người bệnh cần phải biết rằng mình đang có bệnh. Một số người vẫn đinh ninh rằng nghiện rượu là sở thích chứ không phải bệnh. Lối nghĩ sai lệch này khiến người bệnh không muốn cai nghiện và không hợp tác trong quá trình điều trị.

Liệu pháp thường được  dùng để chữa nghiện rượu là áp dụng liệu trình phục hồi của tổ chức Alcohol Anonymous (AA) với các bước gồm: kiềm chế, giáo dục, thanh lọc (cai rượu) và điều trị theo nhóm.

Sự hỗ trợ về nhà ở, việc làm, quan hệ xã hội, các biện pháp làm giảm ham muốn uống rượu cũng rất quan trọng đối với khả năng thành công của liệu trình điều trị.

Việc cai rượu có thể gây ra những triệu chứng khó chịu, như đổ mồ hôi và nhầm lẫn. Do đó, bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc chứa benzodiazepine giúp an thần và kiềm chế cơn nghiện.

Cai rượu vô cùng khó. Đa số nam giới thường tái nghiện sau khi điều trị. Dù vậy, họ phải nhìn nhận việc tái nghiện tức là vẫn còn bệnh và phải nỗ lực để khắc chế nó.

Những điều sau có thể giúp bạn kiểm soát bệnh nghiện rượu của mình. Bạn hãy:

- Thông báo cho bác sĩ biết chính xác về lượng rượu bia bạn đang sử dụng;
- Nhận sự hỗ trợ từ các nhóm hỗ trợ, tư vấn viên, bạn bè và người thân;
- Bạn nên hiểu rằng thái độ của bạn đối với việc điều trị sẽ tạo nên sự khác biệt trong việc kiểm soát sự tái phát của cơn nghiện;
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng gây ra do rượu bia bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, ợ nóng, đau thắt ngực và có máu khi đi tiêu;
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm;
- Không nói dối khi bác sĩ hỏi về tình trạng rượu bia của bạn. Ngay cả khi bác sĩ không hỏi, bạn cũng cần tự giác nói với bác sĩ về vấn đề của mình. Dù quá trình cai rượu bia có gặp nhiều khó khăn, đừng bỏ cuộc và hãy tiếp tục nỗ lực để điều trị nó. Tuyệt đối không uống rượu bia khi lái xe.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X