Hotline 24/7
08983-08983

Những lưu ý khi điều trị lao phổi?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Em bị lao phổi đang trong thời gian điều trị tấn công ở BV. Em có một số thắc mắc, mong bác sĩ tư vấn giúp em ạ. 1. Trong quá trình điều trị em cần kiêng những gì và chú ý những gì (ăn uống, nghỉ ngơi, vận động,...)? 2. Trong quá trình mới bắt đầu điều trị thì có hiện tượng mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt, tay chân có cảm giác hơi tê, vùng sung quanh môi cũng hơi tê, có cảm giác da mặt căng ra. Liệu có vấn đề gì không ạ? 3. Có phải trong quá trình 2 tháng điều trị tấn công chính là thời điểm virut lao mạnh nhất và có nguy cơ lây lan cao không? Làm cách nào để ngăn chặn và hạn chế virut lao lây lan? 4. Em bị cả viên gan b và sỏi thận, 2 bệnh này có ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng gì đến quá trình điều trị không ạ? Mong bác sĩ hồi đáp. Em xin chân thành cám ơn! Hiện tại em đang dùng thuốc turbezid 4viên/ngày và tiêm thuốc Streptomycin và một số thuốc khác mà bác sĩ cho. (Đức Anh – Thanh Hóa)

Trả lời
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chào Đức Anh,

Với các thắc mắc của em trong thư, AloBacsi xin giải đáp như sau:

1. Bệnh lao phổi chỉ xuất hiện khi có đủ hai điều kiện: sức đề kháng của cơ thể giảm sút và bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây là những người bệnh lao mang nhiều vi trùng (trong chuyên môn còn gọi là lao phổi AFB(+))

Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể chúng ta ( chủ yếu qua đường hô hấp) – hiện tượng này gọi là cơ thể bị “nhiễm Lao”. Trong trường hợp sức đề kháng của cơ thể suy giảm, thường gặp trong các trường hợp như: mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, tiểu đường…), dùng thuốc Corticoides kéo dài, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, người già, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai,… thì “nhiễm lao” sẽ trở thành “mắc bệnh” lao .

Với chiều cao 178cm và cân nặng chỉ có 55kg thì em thuộc loại “ nhẹ cân” – không cân đối về dinh dưỡng- thể chất, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tấn công vào cơ thể và phát triển thành bệnh - thực tế là em đã nhiễm và mắc bệnh Lao. Do vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là phải nâng cao thể chất và hạn chế tiếp xúc với nguồn lây. Cụ thể là em cần nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng (tránh dùng rượu bia có hại thêm cho gan, vì các thuốc điều trị lao vốn đã làm ảnh hưởng đến chức năng của gan), đồng thời phát hiện và điều trị sớm các nguyên nhân có thể làm giảm sức đề kháng cơ thể: tiểu đường, nhiễm HIV, các bệnh lý mạn tính dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài…

Song song với việc tầm soát các nguyên nhân trên, em cần hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bằng cách: đeo khẩu trang khi nói chuyện, ho, hắt hơi, khi tiếp xúc với người xung quanh. Động viên những người thân sống chung với em hay những người mà em thường tiếp xúc với họ, nhanh chóng đến các cơ sở Y tế khám khi có triệu chứng nghi lao như: ho kéo dài trên 2 tuần, sốt về chiều, sụt cân, đau ngực…

2. Hiện em đang dùng thuốc turbezid 4viên/ngày và tiêm thuốc Streptomycin, nếu có hiện tượng mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt, tay chân có cảm giác hơi tê, vùng sung quanh môi cũng hơi tê, có cảm giác da mặt căng, là do tác dụng phụ của thuốc, em cần báo cho bác sĩ điều trị để kịp thời xử trí, em nhé.

3. Quá trình 2 tháng điều trị tấn công không phải là “thời điểm virut lao mạnh nhất” như em nghĩ, mà đây chính là giai đoạn người bệnh vẫn còn “nguy cơ lây lan cao" cho những người tiếp xúc với bệnh nhân. Do vậy, để ngăn chặn và hạn chế vi khuẩn lao lây lan trong giai đoạn này, bệnh nhân cần đeo khẩu trang và hạn chế giao tiếp với người xung quanh (như AloBacsi đã đề cập ở trên)

4. Thuốc điều trị lao có tác dụng phụ có thể gây viêm gan, suy thận, và ảnh hưởng đến chức năng một số bộ phận khác trong cơ thể… Biến chứng của viêm gan Siêu vi B và sỏi thận ảnh hưởng đến gan và thận. Vì vậy,  nếu đã mắc 2 bệnh trên, em cần phải theo dõi chức năng gan (men SGOT, SGPT), và chức năng thận (BUN, Creatinin), em nhé.

Mong rằng những giải đáp trên sẽ giúp em hiểu thêm về bệnh của mình.

Chúc việc trị liệu của em có kết quả tốt đẹp!


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X