Hotline 24/7
08983-08983

Nhỏ thuốc dùng cho mắt vào tai có sao không BS?

Câu hỏi

Chào BS, Gần đây em bị ù tai khi nằm xuống và để ý khi ngoáy tai bên phải cảm thấy như có mủ nên em đã lấy thuốc nhỏ mắt để nhỏ thử vào tai. Nhưng thuốc nhỏ mắt của em khi nhỏ vào mắt thường mát và giờ em dùng loại thuốc của Nhật vì em đang sinh sống bên Nhật. Em đọc thành phần hầu như là muối và vitamin B6. Giờ em nhỏ xong cảm thấy tai bên nhỏ hơi nặng. BS cho em hỏi, thuốc nhỏ mắt vào tai có sao không ạ? Có loại thuốc nhỏ mắt nào mà ảnh hưởng nặng đến tai không ạ?

Trả lời
Dùng thuốc nhỏ mắt để nhỏ tai. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Dùng thuốc nhỏ mắt để nhỏ tai. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Như thông tin bạn mô tả thì gần đây tai phải bạn có ù tai khi nằm xuống và khi ngoáy tai cảm thấy có mủ thì tai phải bạn rất có thể đã bị viêm tai giữa tiết dịch.

Dạng tiết dịch được phân theo đại thể thành 3 loại: thanh dịch (lỏng, trong veo như nước), nhầy (dịch nhầy nhớt, keo) và mủ (như dịch mủ).

Thuốc nhỏ mắt nếu thành phần là nước muối và vitamin B6 thì không có hại nhưng cũng không có ích gì cho việc điều trị (trường hợp màng nhĩ không thủng). Những trường hợp màng nhĩ có lỗ thủng thì không nên nhỏ thuốc, nếu không được sự chỉ định của BS chuyên khoa.

Điều trị viêm tai giữa tiết dịch phải được thăm khám tại phòng khám chuyên khoa Tai mũi họng và điều trị đúng thì bệnh sẽ thuyên giảm. Bạn nên đến khám và điều trị với BS chuyên khoa Tai mũi họng, không nên tự ý nhỏ thuốc mắt vào tai.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Viêm tai giữa là tình trạng bị viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm (nằm sau màng nhĩ), và thường có tạo dịch trong hòm nhĩ. Dịch này có thể nhiễm trùng hoặc vô trùng.

Nếu như bị bệnh viêm tai giữa mà không chữa trị kịp thời, thì sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm cấp rất nguy hiểm. Một khi bệnh tái phát nặng, rất dễ xảy ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, xơ hóa màng nhĩ hay giảm thính lực, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm. Nguy hiểm hơn là khi biến chứng xảy ra trong sọ não như viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não,… dễ gây tử vong.

Có rất nhiều cách điều trị viêm tai giữa, trong đó phương pháp điều trị nội khoa là chủ yếu. Theo đó, kháng sinh uống là loại thuốc được lựa chọn hàng đầu. Việc chọn lựa kháng sinh được dựa trên kiến thức về vi khuẩn thường gặp trong viêm tai giữa. Tốt nhất là dựa trên kết quả kháng sinh đồ cấy mủ tai.

Thời gian điều trị tối thiểu là tám ngày. Nếu như màng nhĩ không thủng có thể dùng thuốc nhỏ tai, không nên bơm rửa. Nếu màng nhĩ bị thủng có thể nhỏ tai trong 3 - 4 ngày đầu (dùng loại không độc cho tai) để ngăn chặn sự hình thành các bửng mủ khiến bít dẫn lưu, sau đó rửa sạch bằng nước muối sinh lý hay nước oxy già. Ngoài ra còn có thể thông vòi, bơm thuốc vòi nhĩ.

Một số trường hợp viêm tai giữa nhưng điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả phải chích rạch màng nhĩ - đặt ống thông nhĩ Diabolo, hay nạo viêm amidan. Nạo viêm amidan được thực hiện nếu như viêm tai giữa có kèm theo các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên do tắc nghẽn bởi viêm amidan phì đại. Nếu bệnh nhân có triệu chứng của đe dọa biến chứng và việc điều trị nội khoa tối ưu không mang lại kết quả khả quan, thì có thể cần đến các phẫu thuật hòm nhĩ và khoét xương chũm.


BS.CK2 Ngô Đức Minh Huy
Phó Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Nhân dân 115

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X