Hotline 24/7
08983-08983

Mẹo hay giúp làm giảm tác dụng phụ của hóa trị

Câu hỏi

Chào bác sĩ! Tôi mới đi khám được chẩn đoán ung thư và được bác sĩ chỉ định làm hóa trị, nhưng tôi rất e ngại tác dụng phụ của phương pháp điều trị này. Nhờ bác sĩ mô tả rõ những tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải khi điều trị hóa trị? Có cách nào để giảm những tác dụng phụ không ạ? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo

Phó khoa - Bệnh viện Chợ Rẫy

Chào bạn,

Hoá trị là dùng thuốc tiêu diệt các tế bào ung thư đang sinh sôi nhanh. Do thuốc đi khắp cơ thể nên các tế bào lành đang phát triển cũng bị ít nhiều ảnh hưởng, gây ra các tác dụng phụ.

Những tế bào lành thường bị hóa trị tác động đến như:

+ Nang lông tóc

+ Tế bào tạo máu

+ Niêm mạc miệng, đường tiêu hóa và sinh sản

Loại tác dụng phụ nào, mức độ nghiêm trọng ra sao tuỳ loại thuốc hóa chất và tuỳ cơ địa thể trạng của mỗi người. Có loại tác dụng phụ chỉ xảy ra thoáng qua nhưng cũng có loại gây ảnh hưởng lâu dài.

Một số tác dụng phụ thường gặp: mệt mỏi; rụng tóc; dễ bầm, dễ chảy máu; nhiễm trùng; thiếu máu; nôn, cảm giác buồn nôn; chán ăn; lở miệng táo bón; tiêu chảy; tê tay, chân; cảm giác châm chích; khô sạm da, sạm móng; suy thận; vô sinh.

Nên chia nhỏ bữa ăn và chờ thức ăn nguội

Mỗi người có mức độ phản ứng với tác dụng phụ khác nhau và cũng tuỳ loại thuốc được điều trị. Các loại thuốc thế hệ mới ra đời có thể làm giảm một phần các tác dụng phụ.

Một số mẹo, phương pháp làm giảm tác dụng phụ có thể áp dụng:

Nôn ói: Thường bác sĩ đã kê thuốc chống nôn trong lúc hóa trị và sau khi hóa trị.

Bệnh nhân có thể thay đổi cách ăn uống, chẳng hạn chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì ngày 3 bữa. Uống các loại sinh tố hoa quả trước hoặc sau ăn hơn là uống kèm lúc ăn, có thể uống các loại thức uống có ga, uống trà gừng.

Tránh ngửi mùi thức ăn, mùi thức ăn bốc lên khi còn nóng có thể khiến cảm giác buồn nôn tăng. Thay vào đó chúng ta có thể chờ thức ăn nguội hẵng ăn. Đôi khi 1 số món ăn chúng ta đang rất thích bỗng trở nên không thích, không nên ép mà có thể thử ăn món khác.

Tiêu chảy: uống nhiều nước để bù lượng nước mất; ăn đủ chất

Chán ăn: áp dụng mẹo của chống buồn nôn. 1 số thuốc giúp thèm ăn như Megestrol acetate.

Khô sạm da: dùng kem chống nắng SPF 30, kem dưỡng da tay chân bôi mỗi ngày mặc dù người Việt Nam chưa có thói quen bôi dưỡng da. Điều này giúp giảm thiểu sự khô ráp, sậm màu.

Mệt mỏi: nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhẹ như đi bộ, bàn bạc với người phụ trách phân công việc trong cơ quan để có thể làm các công việc nhẹ nhàng phù hợp hơn.

Một số tác dụng phụ khác ít gặp hơn, nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị: lở miệng, mất ngủ,...

Lưu ý: những tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm chết người mà bệnh nhân cần lưu ý để có thể quay lại bệnh viện ngay hoặc báo với bác sĩ điều trị khi bị như sau trong thời gian hóa trị:

- Sốt cao (>38,5 độ C, đo bằng nhiệt kế. Mỗi bệnh nhân hóa trị nên có sẵn 1 nhiệt kế), sốt lạnh run

- Chảy máu, bầm da không rõ nguyên nhân

- Nổi ban, ngứa ngáy cảm giác dị ứng

- Tiêu chảy hoặc nôn ói kéo dài nhiều ngày không cầm được

- Đi cầu, đi tiểu máu

Thân mến.

(Trích từ GLTT BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo: Hiểu đúng về hóa trị ung thư và tác dụng phụ)

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X