Nguyên trưởng khoa Khám trẻ em - Bệnh viện Tâm thần -
Mẹ cháu mới 57 tuổi mà đã hay quên, có phải là bệnh Alzheimer?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, Mẹ cháu năm nay 57 tuổi nhưng hiện tại trí nhớ của mẹ cháu rất kém. Trong một cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 15 phút mẹ cháu thường hỏi đi hỏi lại 1 vấn đề đến 3 lần mà cháu vừa mới trả lời xong, hoặc mẹ cháu vừa kể chuyện cho cháu xong thì một lúc sau lại kể lại như kiểu mẹ cháu không nhớ gì nhưng những chuyện về thời thơ ấu của mẹ cháu thì mẹ cháu nhớ rất rõ và kể lại không sót một chi tiết nhưng lại có những chuyện vừa xảy ra khoảng 5 phút trước thì mẹ cháu không nhớ. Mẹ cháu rất hay cáu giận với bố cháu, nói chung là mẹ cháu vui buồn thất thường giống như bị trầm cảm. Cháu không biết đây có phải là hội chứng tiền mãn kinh hay là mẹ cháu bị Alzheimer nữa, cháu rất lo lắng. Mẹ cháu bị suy giảm trí nhớ khoảng 2 năm rồi và mẹ cháu đã hết kinh khoảng 6-7 năm. Cháu không biết là bệnh của mẹ cháu có thuốc gì chữa không và có cần đi khám không thưa BS? Nếu khám thì sẽ khám những gì ạ để biết chính xác bệnh? Cháu muốn nói thêm với BS là gia đình cháu trước đây cũng gặp một số vấn đề khó khăn về tinh thần nên cháu sợ hay do mẹ cháu suy nghĩ lo lắng quá nên giờ đầu óc bị ảnh hưởng. Rất mong BS tư vấn giúp cháu! (Ng. Thi Huyen - dieuhuyen..@gmail.com)
Trả lời
Chào em,
Qua thư em cho biết mẹ em đã có sự suy giảm trí nhớ từ 2 năm nay và hiện tại trí nhớ giảm sút đáng kể, chủ yếu là quên nhanh về những hiện tượng gần, mới xảy ra. Điều này gợi ý đến một tình trạng sa sút tâm thần ở người lớn tuổi.
Ngoài một số nguyên nhân về bệnh mạch máu như tai biến mạch máu não, nhũn não, xuất huyết não…, bệnh nhiễm trùng, hoặc do dùng một số thuốc men lâu dài…, Alzheimer là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất (chiếm khoảng 60%).
Trong đa số trường hợp Alzheimer, các triệu chứng đầu tiên xuất hiện sau 60 tuổi (một số khởi phát sớm). Biểu hiện sớm thường là sút giảm về trí nhớ, ban đầu là quên những sự việc xảy ra gần, càng về sau sẽ quên đến các sự việc đã xảy ra trước đây.
Ngoài sự sút giảm về trí nhớ là biểu hiện xuất hiện sớm và nổi bật nhất, bệnh còn phải có thêm ít nhất một trong số các rối loạn nhận thức như:
- Ngôn ngữ mất dần (khả năng diễn đạt trở nên quanh co, dài dòng, không rõ ràng, khả năng đọc hiểu, viết, lập lai cũng bị ảnh hưởng);
- Mất dùng động tác (không làm được các động tác trong sinh hoạt hằng ngày như nấu cơm, mặc quần áo, không thực hiện được các động tác khéo léo) mặc dù không yếu liệt;
- Sút giảm nghiêm trọng khả năng nhận thức tri giác (thị lực còn tốt nhưng không định danh được cái ghế, cái bàn hay không nhận ra người thân và thậm chí chính bản thân mình khi họ soi gương, còn cảm giác xúc giác bình thường nhưng lại không nhận ra được các vật thông thường khi ta đặt vào tay họ như chìa khóa, đồng xu)
Ngoài ra, những thay đổi về cảm xúc, hành vi dần dần trở nên rõ ràng hơn: lơ đễnh, cảm xúc thất thường, dễ thay đổi, dễ bùng nổ, kích thích, thậm chí gây hấn, chống đối những người xung quanh, đặc biệt là người chăm sóc.
Việc điều trị bệnh Alzheimer hiện nay vẫn còn đang được nghiên cứu, chưa có phương pháp chữa trị khỏi hoàn toàn mà chỉ nhằm giúp làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh. Tiến trình điều trị bao gồm việc phát hiện và điều chỉnh các yếu tố thuận lợi nếu có (như các bệnh mạch vành, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì,…); thuốc men giúp chậm quá trình thoái hóa, suy giảm chức năng nhận thức, điều chỉnh các rối loạn hành vi, cảm xúc; tư vấn cho gia đình hiểu và có kế hoạch chăm sóc bệnh nhân.
Do vậy, việc được thăm khám và chẩn đoán sớm là cần thiết và ích lợi cho bệnh nhân và gia đình. Nếu không được chuẩn đoán và can thiệp sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng dần và bệnh nhân trở nên mất hết năng lực, thậm chí không thể tự chăm sóc được bản thân mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Đồng thời, em cũng cho biết mẹ đã hết kinh khoảng 6-7 năm và trong cuộc sống đã trải qua nhiều stress về tinh thần. Như vậy, mẹ đang trong giai đoạn mãn kinh và có thể gặp các rối loạn về cảm xúc như trầm cảm. Ở người lớn tuổi, rối loạn trầm cảm cũng gây ra các vấn đề về trí nhớ và tập trung chú ý, dễ gây nhầm lẫn với các triệu chứng khởi đầu của bệnh Alzheimer.
Sự suy giảm trí nhớ này có khả năng tái phục hồi nếu tình trạng trầm cảm được điều trị tốt. Tuy nhiên, đôi lúc, các biểu hiện của 2 rối loạn này khá tinh tế, dễ chồng lấp lên nhau nên việc phân biệt không phải dễ dàng.
Do vậy, tốt nhất lúc này em nên đưa mẹ đến khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được đánh giá chính xác hơn bằng các test chuyên biệt để có được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Thân mến!
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình