Hotline 24/7
08983-08983

Luôn ám ảnh điều xấu sẽ đến với mình là bị sao vậy bác sĩ?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ chuyện là vầy ạ:

Một hôm cách đây mấy tháng, em thức dậy và thấy trên cằm có vết xước.

Sẽ chẳng là gì nếu em không nghĩ đến việc vết xước đó là vết kim, em sợ người bạn cùng phòng đâm em lúc ngủ, bởi vì em với bạn hôm trước có xích mích.

Em nghĩ kim đó có chứa máu, sợ bệnh nên lên mạng search triệu chứng thì mấy hôm sau thấy có triệu chứng khá giống, thế nên em cứ lo sợ từ đó đến giờ không biết có nên đi xét nghiệm không, bác sĩ cho em lời khuyên với ạ.

Em kiểu ám ảnh điều xấu sẽ luôn đến với mình, ám ảnh có người hại mình, mỗi khi có gì lạ trong người thì search trên mạng và thấy toàn triệu chứng bệnh nặng, em nghĩ mình có hơn 10 bệnh nặng nhẹ trong người. Nhờ BS tư vấn giúp em!

(Anh Kiệt - theligh...@gmail.com)

Trả lời

Luôn ám ảnh điều xấu sẽ đến với mình là bị sao vậy bác sĩ?Tâm lý ám ảnh, sợ hãi ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh

Chào em,

Khả năng mà bạn cùng phòng cố tình dùng kim có máu tạo ra vết thương cho em lúc ngủ là hi hữu lắm, nhiều phần là do em tưởng tượng do rối loạn lo âu thôi. Bây giờ để giải tỏa lo lắng của mình, em cứ đi xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C và HIV cho an tâm trước đã.

Song song đó là em nên xem lại bản thân mình, em đang mắc bệnh rối loạn lo âu rồi đó. Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe dọa của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới.

Tuy nhiên, người bệnh có lo âu bệnh lý hay rối loạn lo âu là khi lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe dọa được cảm thấy, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý.

Rối loạn lo âu là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh lý tâm thần. Em đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”.

Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân – chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay – dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Để chẩn đoán một người có rối loạn lo âu mức độ ra sao, có kèm bệnh gì hay không, cần điều trị thuốc gì thì bs và bệnh nhân phải ngồi lại với nhau.

Bởi vì các bệnh lý tâm thần sẽ có một số triệu chứng chồng lấp với nhau, BS phải dành thời gian khai thác bệnh sử kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào, đồng thời cũng phải loại trừ những bệnh lý tổn thương cơ quan khác gây ra rối loạn tâm thần (như rối loạn nội tiết, bệnh lý ở não…).

Thông tin trên mạng chỉ mang tính tham khảo, chung chung, BS được đào tạo chuyên môn mới có khả năng chẩn đoán đúng bệnh và mức độ của bệnh. Bệnh rối loạn lo âu là bệnh có thể điều trị được.

Vì thế, theo tôi tốt nhất em nên đến khám BS chuyên khoa tâm thần để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu).



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X