Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để điều trị rối loạn thần kinh thực vật?

Câu hỏi

Em chào bác sĩ, Cách đây hơn 1 năm có stress nặng nề và sau đó bị nhịp tim nhanh, đi cấp cứu thì bác sĩ nói em bị rối loạn nhịp tim, cho chỉ định đi đốt. Em có đi đốt nhưng không được, bác sĩ kết luận nhịp nhanh xoang. Em có điều trị bằng thuốc Concor 2.5 uống nửa viên, đi khám lại thì bác sĩ cho thuốc đến nay được gần 1 năm. Sau lần nhịp nhanh đó tâm lý khá nặng nề và luôn nghĩ mình có bệnh. 3 tháng trở lại đây em thấy bị hẫng nhịp và 2 lần đeo holter điện tim, bác sĩ kết luận em ngoại tâm thu và số nhịp lỡ là 10 nhưng có ngày thì nhiều hơn. Bác sĩ nói nhịp ngoại tâm thu thưa quá, không phải điều trị gì thêm, em cũng được kết luận là rối loạn thần kinh thực vật nên nó gây ra loại nhịp đó. Thi thoảng em lỡ nhịp nên cũng lo, bác sĩ có thể giúp em nên điều trị thế nào và loại nhịp đó có đáng lo không?

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Rối loạn thần kinh thực vật thường bắt từ những lo lắng, stress do áp lực công việc hay tiền sử bị lạm dụng, bạc đãi trong môi trường thiếu thân thiện cởi mở,… không được chữa trị kịp thời. Bệnh nhân có các cơn hoảng loạn, cơn lo âu lan tỏa với các biểu hiện không đặc hiệu như uể oải mệt mỏi, nhức mỏi khớp xương, cơ bắp, bồn chồn, đau quặn bụng, ợ hơi ợ chua, ăn không tiêu, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, buồn nôn…

Trước hết, bạn cần giữ cho tinh thần thoải mái, tránh lo lắng về bệnh tật, vì thực tế đây là những dấu hiệu rất thường gặp trong rối loạn thần kinh thực vật, bệnh không gây nguy hiểm vì không có tổn thương thực thể ở hệ tim mạch (do vậy mà điện tim và siêu âm tim sẽ bình thường hoặc chỉ có nhịp nhanh xoang, ngoại tâm thu nhẹ).

Có thể lựa chọn phương án thư giãn thích hợp như dã ngoại, tập thể dục thể thao, đọc sách, nghe nhạc… vừa tốt cho sức khoẻ tim mạch vừa giúp thư giãn thần kinh. Trong trường hợp sau 2-3 tuần mà triệu chứng không cải thiện, bạn nên tái khám chuyên khoa Tâm thần kinh để được thay đổi phác đồ điều trị bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Hệ thần kinh thực vật là hệ thần kinh tự động có tác dụng điều khiển hoạt động của các cơ quan trong cơ thể một cách chủ động, không phụ thuộc vào sự chỉ huy của não bộ. Chức năng của hệ thần kinh thực vật là điều hòa các quá trình chuyển hóa vật chất, điều hòa hoạt động của cơ quan nội tạng cũng như hệ thần kinh trung ương với sự tham gia của cả hai hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm.

Rối loạn thần kinh thực vật có thể ảnh hưởng một phần nhỏ hay toàn bộ hệ thần kinh thực vật. Một số triệu chứng có thể chỉ ra sự dấu hiệu của bệnh rối loạn thần kinh thực vật bao gồm:

- Hoa mắt hay ngất khi đứng dậy, hay hạ huyết áp tư thế đứng.
- Mất khả năng thay đổi nhịp tim khi tập thể dục, hay không gắng sức được.
- Vã mồ hôi bất thường, có thể thay đổi giữa vã mồ hôi quá nhiều hay vã mồ hôi quá ít.
- Khó tiêu hóa, như ăn mất ngon, tiêu chảy, táo bón, hay nuốt khó.
- Các vấn đề về tiết niệu, như khó bắt đầu đi tiểu, tiểu lắt nhắt, và không làm trống bàng quang hoàn toàn.
- Các vấn đề sinh dục ở nữ, như khô âm đạo hay khó đạt cực khoái.
- Các vấn đề thị lực, như nhìn mờ hay đồng tử mất khả năng phản xạ nhanh với ánh sáng.

Rối loạn thần kinh thực vật tuy không gây tử vong cho người bệnh nhưng việc điều trị khá khó khăn. Theo đó, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và chỉ định phương pháp chữa trị tốt nhất.

- Điều trị nội khoa: dùng các thuốc canxi, sinh tố nhóm B (đặc biệt B6), acid glutamic, an thần…

- Điều trị ngoại khoa: với trường hợp rối loạn thần kinh thực vật mà hiện tượng tăng tiết mồ hôi quá nhiều, đặc biệt ở lòng bàn chân, bàn tay do trạng thái cường chức năng giao cảm, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động… Trường hợp này bác sĩ chuyên khoa thần kinh có thể làm thủ thuật hủy hạch giao cảm ngực.

Ngoài ra, để  đối phó với rối loạn thần kinh thực vật người bệnh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống như quản lý các triệu chứng thực thể bao gồm:

- Trầm cảm có thể xảy ra với rối loạn thần kinh thực vật. Liệu pháp chữa trị với một chuyên gia trị liệu, hay nhà tâm lý học có thể giúp bạn đối phó, giữ tinh thần thoải mái, làm việc và nghỉ ngơi điều độ tránh căng thẳng.

- Người bệnh cần chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao vừa sức, đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

- Lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh, tuyệt đối không sử dụng rượu bia, chất kích thích, và thuốc lá,..

- Người bệnh tốt nhất cần chấp nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ từ gia đình và bạn bè khi cần thiết.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X