Hotline 24/7
08983-08983

Hồng ban cố định nhiễm sắc chữa trị như thế nào?

Câu hỏi

Bác sĩ cho hỏi, Chữa trị hồng ban sắc tố cố định như thế nào vậy? Tôi bị 3 năm nhưng không khỏi.

Trả lời
Hồng ban nhiễm sắc cố định. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Hồng ban cố định nhiễm sắc. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Hồng ban cố định nhiễm sắc là một trong những dạng phản ứng ngoài da do thuốc xảy ra khá phổ biến. Mặc dù cơ chế gây bệnh chính xác còn chưa được biết rõ nhưng đây thường được coi là một phản ứng dị ứng chậm đối với thuốc do có một số bất thường về miễn dịch đã được tìm thấy ở những người bị hồng ban nhiễm sắc cố định. Đặc trưng của tổn thương là xảy ra nhiều lần ở cùng một vị trí khi tiếp xúc lại với cùng một tác nhân gây bệnh. Tổn thương thường gặp nhất là những đám ban đỏ sẫm màu, hình tròn hoặc vòng cung, bờ rõ, sờ hơi gợn trên mặt da.

Về nguyên nhân, hầu hết các loại thuốc (kể cả loại bán cần đơn và không cần đơn) đều có thể gây hồng ban nhiễm sắc cố định, thường gặp nhất là các kháng sinh nhóm sulfamide (như sulfamethoxazole, sulfadiazine), nhóm tetracycline (như tetracycline, doxycycline), metronidazole, allopurinol, dapsone, pseudoephedrine, các thuốc chống viêm giảm đau (như naproxen, tenoxicam...), thuốc tránh thai, thuốc chống nấm (như fluconazole), thuốc chống co giật phenobarbital hoặc dapsone.

Hồng ban cố định nhiễm sắc thường tự khỏi sau khi ngưng sử dụng thuốc gây bệnh một vài tuần và thường không để lại sẹo nhưng có thể để lại các đám tăng sắc tố tồn tại trong vài tuần đến vài tháng. Một số ít trường hợp có thể khỏi không để lại các đám tăng sắc tố, thường gặp trong trường hợp của hồng ban nhiễm sắc cố định do pseudoephedrine. Nếu bệnh nhân ngứa nhiều có thể giảm ngứa bằng các thuốc kháng histamin như chlorpheniramine, cetirzine...

Nếu dai dẳng hơn cần phải điều trị với 1 đợt kháng viêm ngắn hạn, các thuốc này thường gây ra nhiều tác dụng phụ do đó em nên khám chuyên khoa Da liễu để được kê toa an toàn và phù hợp em nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Bệnh phát ban nhiễm sắc (hay hồng ban cố định nhiễm sắc) là một thể lâm sàng của nhiễm độc da dị ứng thuốc rất hay gặp, chiếm khoảng 33% tổng số ca dị ứng thuốc, chỉ đứng thứ 3 sau thể ban đỏ và mề đay. Đây là một trong những thể nhẹ nhất trong phản ứng dị ứng thuốc.

Vị trí tổn thương hay gặp là vùng tiếp giáp giữa da và niêm mạc (môi, cơ quan sinh dục). Ngoài ra còn thấy ở tay, chân, kẽ ngón, vùng da mỏng ở thân mình. Sau khi uống thuốc khoảng vài giờ, bệnh nhân thấy ngứa; nổi ban đỏ ở môi và cơ quan sinh dục (quy đầu, môi lớn, môi bé) hoặc một vài vị trí trên thân thể. Đôi khi xuất hiện mụn nước, phỏng nước trên nền da đỏ đó. Tổn thương hình tròn, bầu dục, kích thước từ 0,5 cm đến vài cm.

Da vùng lân cận hoàn toàn bình thường. Thương tổn sau khi lành để lại vết tăng sắc tố màu thâm đen. Vết đen đó tồn tại vài tháng đến hàng năm. Nhiều bệnh nhân không nghĩ đến dị ứng thuốc nên khi dùng lại thuốc đó, thương tổn lại tái phát như lần đầu chính tại vị trí cũ, và lại tiếp tục thâm đen như một bớt sắc tố.

Căn nguyên chính là do uống một số thuốc như kháng sinh: tetraxyclin, bisepton, amoxylin. Thuốc hạ sốt giảm đau như seda, paracetamol. Thuốc an thần, hỗn hợp thần kinh.

Điều trị bệnh này cũng giống như điều trị eczema cấp, bán cấp. Dùng thuốc kháng histamin, kết hợp bôi thuốc tại chỗ... Vết đen sẽ nhạt dần theo thời gian nếu như loại trừ hoàn toàn căn nguyên.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X