Hotline 24/7
08983-08983

Ho khan kéo dài, ngứa họng, nguyên nhân vì sao?

Câu hỏi

Chào BS, Em bị ho khan một tuần rồi không khỏi. Em có dùng các viên thuốc ho thông thường nhưng sau một thời gian em lại ho lại. Ho không nặng nhưng kèm theo ngứa cổ. Em có bị viêm amidan. Sau khi uống thuốc điều trị amidan thì em bị ho tới giờ ạ. Họng lúc nào cũng ngứa, nhất là uống nước lạnh với hít thở ạ. Không biết chứng ho khan của em là do đâu ạ?

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Ho khan kéo dài 1 tuần. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ho khan kéo dài 1 tuần. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ho kéo dài, thường gặp nhất là viêm họng mạn, viêm mũi xoang mạn, trào ngược dạ dày thực quản, hen phế quản, khối u… Nếu ho chỉ mới 1 tuần thì không gọi là ho kéo dài mà vẫn phù hợp với diễn tiến tự nhiên của bệnh.

Ho là một phản xạ của cơ thể nhằm tống xuất vật lạ ra khỏi đường hô hấp, do đó nếu ho không quá nhiều, không gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt thì không nhất thiết phải dùng thuốc giảm ho.

Trường hợp này em đang bị viêm amidan, nếu sử dụng đúng thuốc kháng sinh, kháng viêm thì sau khoảng 1-2 tuần, tình trạng viêm sẽ cải thiện và hết ho. Nếu ho lâu hơn trên 2 tuần, em nên quay lại BV để BS thăm khám và tìm nguyên nhân khác em nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

Cơn ho xảy ra do các tế bào dọc theo đường hô hấp bị kích thích, làm cho phổi đẩy không khí ra ngoài với áp lực và tốc độ cao. Tùy thuộc vào thời gian kéo dài, cơn ho có thể là cấp tính, bán cấp, hoặc mạn tính.

Khi đường hô hấp bị kích thích, phản ứng tự nhiên của cơ thể là sẽ đẩy không khí ra với áp lực mạnh để quét sạch kích thích đó ra khỏi đường hô hấp, đây được gọi là ho. Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây kích ứng phổi, chẳng hạn như:

- Virus: virus gây nên cảm lạnh hoặc cúm là những nguyên nhân phổ biến nhất. Bằng cách ho, bạn sẽ loại bỏ bớt vi rút ra khỏi phổi của mình;
- Dị ứng và hen suyễn: phổi sẽ cố gắng loại bỏ những chất gây kích ứng cơ thể bằng các cơn ho;
- Chất kích thích: chẳng hạn như không khí lạnh, thuốc lá hoặc nước hoa nặng mùi cũng có thể dẫn đến ho;
- Các nguyên nhân khác: như viêm phổi, chứng ngưng thở khi ngủ, trầm cảm hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng có thể gây ra ho.

Thông thường, các cơn ho do nhiễm virut có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cơn ho làm bạn khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, bạn có thể sử dụng một số thuốc ức chế ho. Nếu bạn bị ho đàm thì có thể sử dụng thêm một số thuốc long đàm. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng do vi khuẩn thì có thể sử dụng thêm kháng sinh.

Bạn sẽ có thể kiểm soát tình trạng ho nếu áp dụng các biện pháp sau:

- Hãy nghỉ ngơi đầy đủ. Điều này có thể tăng cường hệ miễn dịch của bạn và nhờ đó chống lại virut hiệu quả hơn;
- Uống nhiều nước;
- Giảm bớt hoặc cố gắng bỏ hút thuốc lá;
- Tránh những nơi ẩm thấp;
- Bạn có thể sử dụng mật ong để làm giảm kích thích ở cổ họng, từ đó giảm ho.

Ho kéo dài luôn là nguyên nhân của một bệnh lý và cần được đi khám bác sĩ chuyên khoa. Trong đợt cảm cúm, ho khan sau đó khoảng một tuần là tình trạng bình thường khi đường hô hấp bắt đầu phục hồi, giai đoạn này nếu ho làm bạn khó chịu thì có thể sử dụng thuốc giảm ho hoặc các loại thuốc ngậm dược thảo. Điều lưu ý là khi ho có thể làm văng những giọt chất tiết nhỏ li ti là làm phát tán vi khuẩn hoặc virus lây bệnh, vì vậy bạn nên đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho để tránh lây bệnh cho người xung quanh.



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X