Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Hay lo lắng, suy nghĩ nhiều, sợ giao tiếp với người khác... có phải dấu hiệu bệnh tâm lý?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, Mình thường hay dễ lo lắng, hay suy nghĩ nhiều và không thể dừng suy nghĩ được. Việc đó thường xảy ra trong khoảng thời gian khá dài, khả năng tập trung rất kém, dễ bị giật mình, kém kiên nhẫn. Mỗi lần muốn đi đâu đó ra khỏi phòng thì phản ứng đầu tiên là ngoài đường kẹt xe, lười đi lắm. Mình sợ kẹt xe, khi ở bất kỳ đâu một mình mình thường thấy sợ ma, mỗi lần như thế mình lại không dám nhắm mắt lại vì sợ mở mắt ra sẽ thấy thứ gì đó. Khi giao tiếp với người khác mình rất hay bị mất kiểm soát, đôi khi là nói quá nhiều nhưng thường thì là cứ mở miệng nói có cảm giác sợ mình sẽ nói sai gì đó. Và dần dần cảm thấy để nói chuyện với người khác rất khó khăn. Mình hay sợ nghe điện thoại dường như là vì lý do này. Mình muốn hỏi là những dấu hiệu trên có cho thấy mình có bị bệnh gì về tâm lý hay không? Hay chỉ là do tính cách?
Trả lời
Theo thông tin em cung cấp thì quả thật em có một số bất ổn về mặt tâm lý, và bs nghĩ nhiều đến bệnh rối loạn lo âu nơi em.
Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới. Tuy nhiên, người bệnh có lo âu bệnh lý hay rối loạn lo âu là khi lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe dọa được cảm thấy, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý.
Rối loạn lo âu là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh lý tâm thần. Em đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Để chẩn đoán một người có rối loạn lo âu mức độ ra sao, có kèm bệnh gì hay không, cần điều trị thuốc gì thì bác sĩ và bệnh nhân phải ngồi lại với nhau. Bởi vì các bệnh lý tâm thần sẽ có một số triệu chứng chồng lấp với nhau, bác sĩ phải dành thời gian khai nhác bệnh sữ kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào, đồng thời cũng phải loại trừ những bệnh lý tổn thương cơ quan khác gây ra rối loạn tâm thần (như rối loạn nội tiết, bệnh lý ở não…). Thông tin trên mạng chỉ mang tính tham khảo, chung chung, bác sĩ được đào tạo chuyên môn mới có khả năng chẩn đoán đúng bệnh và mức độ của bệnh. Bệnh rối loạn lo âu là bệnh có thể điều trị được.
Vì thế, theo tôi tốt nhất em nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu).
Thân mến.
Lo
âu là một hiện tượng bình thường trong cuộc sống của con người. Tuy
nhiên người mắc bệnh rối loạn lo âu thường có sự lo lắng và nỗi sợ quá
mức về các tình huống hằng ngày. - Tập thể dục hàng ngày; - Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo, đường và thực phẩm chế biến sẵn. Bổ sung các thực phẩm giàu axít béo omega-3 và các vitamin B trong bữa ăn hằng ngày. - Chú trọng giấc ngủ. Đảm bảo ngủ đủ giấc. Nếu không ngủ được, hãy gặp bác sĩ. - Tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm: triệu chứng rối loạn lo âu rất dễ nhầm lẫn với bệnh tâm thần khác, bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. - Chủ động: tham gia hoạt động mà bạn yêu thích, tích cực trong quan hệ xã hội. - Tránh dùng thức uống có cồn, chất kích thích: cồn, chất kích thích làm rối loạn lo âu tệ hơn. Nếu bạn nghiện các chất này, hãy bỏ càng sớm càng tốt. Tư vấn bác sĩ và tìm nhóm hỗ trợ khi cần thiết. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình