Bác sĩ nha khoa - Đang du học University of Colorado School of Dental Medicine
Hàm dưới bị móm nhẹ có gây chấn thương khớp cắn?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, Hàm răng của cháu bị khớp cắn ngược nhưng ở mức độ nhẹ, hàm dưới chỉ hơi chìa ra so với hàm trên và gây móm nhẹ khi nhìn mặt nghiêng. Tuy nhiên răng cháu không được đều mà khấp khểnh, đặc biệt là hàm trên. Cháu đã đi khám và được biết hiện tại một số răng đã bị mòn cổ do răng khấp khểnh và chải răng không đúng cách. Hàm dưới bị móm nhưng mức độ nhẹ, có thể có nguy cơ bị sang chấn khớp cắn. Vậy BS cho cháu hỏi sang chấn khớp cắn là gì, bị khớp cắn ngược mức độ nhẹ như cháu có nguy cơ bị sang chấn khớp cắn không và nguy cơ lâu dài cho răng miệng là gì? (Vũ Tâm - tamvu…@gmail.com)
Trả lời
Bạn Tâm thân mến,
Sang chấn khớp cắn là một sang chấn (chấn thương) xảy ra đối với khớp cắn khi khớp cắn không hài hòa về mặt chức năng, dẫn đến một số vấn đề khác đối với răng và khớp thái dương hàm.
Các bất hài hòa này có thể là do mất răng lâu ngày không làm răng giả gây nên sự dịch chuyển nhẹ của các răng còn lại, khiến khớp cắn không còn hài hòa như lúc đầu, hoặc có thể xảy ra do miếng trám bị cộm, do chấn thương té ngã, do cắn trúng vật cứng khiến răng bị tổn thương... Nói chung là bất cứ một sự không hai hòa nào ở răng đều gây ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ khớp cắn và sau đó là khớp thái dương hàm.
Trong trường hợp của bạn, hơi móm không phải là nguyên nhân chính vì định nghĩa của sự hài hòa không đồng nghĩa với sự hoàn hảo. Chỉ cần khớp cắn đó không có các điểm chạm sớm (những điểm cộm nhẹ), không cản trở ăn nhai, không gây vấn đề về thẩm mỹ, không có các hoạt động cận chức năng như nghiến răng... và còn 1 số tiêu chuẩn khác là được xem hài hòa.
Có nghĩa là trong trường hợp của bạn, có thể hàm răng của bạn có vài điểm chạm sớm, dễ gây chấn thương. Những điểm này rất nhẹ, có khi chỉ là 1 chấm nhỏ bạn có thể không nhận thấy nhưng bằng vài cách, bác sĩ có thể phát hiện các điểm này. Nếu cứ để lâu dài, khớp cắn sẽ ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm, khiến khớp này biến đổi theo chiều hướng xấu vì chúng có liên hệ mật thiết với nhau.
Có vài biểu hiện quen thuộc thường thấy ở mọi người như là tiếng lụp cụp ở khớp khi há ngậm, ngáp lớn bị trật khớp, há ngập bị lệch... Có nhiều người bị nặng, khi vô tình há lớn hay ngáp lớn hay bị trật khớp nên không dám há lớn nữa. Vì vậy bạn nên đi điều trị sớm để tránh các vấn đề nặng nề xảy ra sau này.
Nếu là do điểm chạm sớm, chỉ cần mài chỉnh các điểm này một chút là được hoặc do các nguyên nhân khác như tật nghiến răng, cắn chặt răng... thì bác sĩ sẽ có những cách khác nhau để khắc phục điều này.
Tóm lại, bạn nên đi khám kỹ lại một lần nữa xem khớp cắn của mình có vấn đề gì không. Những nơi mà bạn có thể yên tâm đến khám về vấn đề này là bệnh viện Răng Hàm Mặt hoặc khoa Răng Hàm Mặt của trường đại học. Vì ít có bác sĩ chuyên về bệnh lý khớp thái dương hàm nên bạn nên cố gắng đến những nơi này khám, đỡ tốn thời gian và đỡ tốn tiền.
Thân chào bạn,
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình