Hotline 24/7
08983-08983

Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong vận động hiến, tặng mô tạng

Trong khuôn khổ hội thảo truyền thông, vận động hiến tặng mô tạng - Cho đi là còn mãi do Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức ngày 23/12/2024, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài báo cáo cung cấp thông tin truyền thông cụ thể về các giải pháp tăng cường nguồn mô tạng từ người hiến chết não.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam mang đến hội thảo các giải pháp nhằm tăng số lượng tạng hiến từ người cho chét não tại bệnh viện và cộng đồng

Việt Nam có tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não thuộc hàng thấp so với thế giới

Mở đầu vấn đề làm sao để “Tăng cường nguồn mô tạng từ người hiến chết não tại các bệnh viện và cộng đồng để cứu sống bệnh nhân”. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhấn mạnh, ghép tạng là một thành tựu y học vĩ đại, có thể hồi sinh sự sống cho nhiều người.

Mỗi năm, Việt Nam thực hiện hơn 1.000 ca ghép tạng, mặc dù con số này vẫn thấp so với các quốc gia phát triển, nhưng hiện đang cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ghép tạng đã trở thành phương pháp điều trị thường quy tại nhiều quốc gia và cứu sống hàng nghìn người mỗi năm.

Trên thế giới, nhiều quốc gia không yêu cầu thủ tục đăng ký hiến tạng. Ở châu Âu và Mỹ, công dân mặc định đồng ý hiến tạng sau khi chết, trừ khi có yêu cầu khác từ gia đình. Một số quốc gia cho phép người sống đăng ký hiến tạng, và tạng sẽ được lấy sau khi họ qua đời mà không cần sự đồng ý của gia đình. Cũng có quốc gia xem chết não là dấu hiệu của cái chết thực sự và cho phép tử tù hiến tạng.

Tại Việt Nam vừa qua, Bộ Công An đã đề xuất cho phép tù nhân và tử tù đăng ký hiến tạng; hiến tạng từ người đồng nhiễm HIV và phẫu thuật lấy tạng bằng robot...

Về chi phí ghép tạng, một số quốc gia chi trả toàn bộ từ BHYT, trong khi tại Việt Nam, chi phí ghép thận thấp hơn nhiều so với điều trị nội khoa, và ghép tạng giúp kéo dài tuổi thọ cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Hiện có 28 bệnh viện tại Việt Nam có thể thực hiện ghép thận, còn ghép gan và tim chủ yếu thực hiện tại các bệnh viện lớn.

PGS Kim Tiến nhận định, mặc dù việc ghép tạng rất phức tạp, nhưng việc hiến tạng từ người chết não tại các bệnh viện là một vấn đề quan trọng cần giải quyết. Tỷ lệ hiến tạng tại Việt Nam còn thấp, nhưng trong những năm gần đây, tỷ lệ này đã tăng lên gấp 3 lần so với trước đây.

Một số bệnh viện đã thực hiện ca ghép tạng từ người chết não đầu tiên, như Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện E, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Thanh Nhàn…

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam

Theo Phó giáo sư, việc hiến tạng từ người chết não không chỉ giúp cứu sống nhiều bệnh nhân mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán tạng trái phép. Mua bán tạng là hành động vi phạm pháp luật, và cơ quan chức năng đã nhiều lần triệt phá các đường dây này.

Theo quan điểm của Phật giáo, việc hiến tạng mang lại lợi ích cho nhiều người: người hiến tạng có thể tái sinh trong một kiếp sống an lạc, gia đình người hiến tạng cứu sống nhiều người, bệnh viện nâng cao chuyên môn và người nhận tạng được hồi sinh.

Lưu ý rằng, vận động hiến tạng là một quá trình dài, bao gồm việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi và tạo điều kiện cho người dân tự nguyện đăng ký hiến tạng.

Việc này cần sự đồng lòng của các cơ quan chức năng, bệnh viện và gia đình người hiến tạng. Nguồn tạng từ người hiến đã qua đời sẽ được coi là tài sản quốc gia, được sử dụng công bằng và minh bạch, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia là đơn vị chịu trách nhiệm. Bà cũng khẳng định rằng mua bán tạng là hành vi phạm pháp luật.

Giải pháp tăng số lượng tạng hiến từ người chết não

Để tăng lượng tạng hiến, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất 3 giải pháp chính:

  1. Nâng cao nhận thức cộng đồng về hiến tạng,
  2. Thành lập các đơn vị tư vấn tại các bệnh viện, 
  3. Gia tăng số lượng bệnh viện tham gia vào hoạt động hiến tạng.

Các bệnh viện cần có tổ tư vấn, chi hội chuyên trách các thủ tục liên quan như mai táng, truyền thông, điều phối tạng, vận động gia đình đồng ý hiến tạng, và tri ân gia đình người hiến tạng.

Để cải thiện truyền thông về hiến tạng, cần sự hỗ trợ từ các cơ quan báo chí, truyền thông. Sự tham gia của các lãnh đạo quốc gia và người nổi tiếng sẽ tạo thêm uy tín cho chiến dịch này. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia đăng ký hiến tạng tại lễ phát động ở Hà Nội vào ngày 19/5 vừa qua. Một số người nổi tiếng đến nay cũng đã tham gia đăng ký hiến tạng như: hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy, các cầu thủ bóng đá...

Phó giáo sư nhấn mạnh, việc truyền thông phải bao quát toàn bộ quy trình từ nhận thức cộng đồng, đăng ký hiến tạng, đánh giá lâm sàng, vận động gia đình đồng ý hiến tạng, đến các bước hồi sức tạng, lấy tạng, bảo quản tạng và ghép tạng…

Mỗi người hiến tạng có thể cứu sống ít nhất 7 người. Sau khi ghép tạng, bệnh nhân cần được theo dõi, điều trị, và tỷ lệ phục hồi sau ghép tạng tại Việt Nam đang thuộc top cao trên thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách từ nhận thức cộng đồng đến việc đồng ý hiến tạng vẫn còn rất lớn và cần sự nỗ lực lâu dài.

Các chi phí cơ bản cần chi trả cho hiến, lấy, ghép mô, tạng, bao gồm: chi phí phát hiện chết não tiềm năng, chẩn đoán chết não, duy trì tạng, tư vấn gia đình, hồi phục tạng, ghép tạng và theo dõi sau ghép, nhưng đến nay các chi phí phát hiện và đánh giá ban đầu gần như không tốn phí.

Tóm lại, để tăng cường nguồn tạng hiến, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều bên, nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện quy trình hiến tạng, nhằm cứu sống nhiều người bệnh và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mua bán tạng.

Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Trung tâm truyền thông - Tư vấn về hiến mô, tạng và chăm sóc sức khỏe Việt Nam

Hiểu được tầm quan trọng của truyền thông vận động hiến mô tạng, trong khuôn khổ hội thảo, Trung tâm truyền thông - Tư vấn về hiến mô, tạng và chăm sóc sức khỏe Việt Nam được ra mắt.

Trung tâm hoạt động nhằm tổ chức các chương trình truyền thông và giải pháp chăm sóc sức khỏe tới cộng đồng. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trung tâm thành lập nhằm thực hiện nhiệm vụ truyền thông tăng số lượng người đăng ký hiến tạng và đồng ý hiến tạng sau khi qua đời. Đồng thời vận động nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, phát hiện và điều trị bệnh sớm, từ đó mỗi người khỏe hơn, giảm bớt số lượng cần nhận tặng. Bên cạnh đó khi khỏe hơn, những người đăng ký hiến tạng đến khi qua đời vẫn đảm bảo chất lượng tạng hiến.

Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch Hội đồng Thành viên của trung tâm cam kết trở thành cầu nối của những tấm lòng nhân hậu, nghĩa cử cao đẹp đến những người chờ mô tạng, lan tỏa tinh thần nhân ái trong xã hội.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, sáng ngày 30/12/2024, Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam sẽ tổ chức buổi đăng ký hiến mô tạng tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập, Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TPHCM)

Được biết, các sự kiện được tổ chức lần này nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ vàng hiến tặng mô, tạng Việt Nam” tại TPHCM.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X