Em hay quên nên rất khó học thuộc bài, AloBacsi giúp em với!
Câu hỏi
(AloBacsi) - Em nhanh quên những việc vừa mới xảy ra, em khổ sở vì không biết mình mắc vấn đề gì về khả năng ghi nhớ nữa BS ơi.
Trả lời
Thưa bác sĩ,
Em là nữ, năm nay 18 tuổi. Quê em ở Nam Định, hiện tại thì em đang ở Sài Gòn. Em là sinh viên năm thứ nhất và là một đứa rất ít nói.
Em mắc chứng hay quên từ hồi còn bé. Em không thể nhớ nổi những kỉ niệm hồi còn bé, những kỉ niệm với bạn bè đã từng chung học. Em cũng nhanh quên những việc vừa mới xảy ra, những thứ mới đọc, những thứ mới xem khoảng 1 tháng trước. Để đối phó với những lần học thuộc em phải đọc đi đọc lại nhưng cũng chỉ thuộc trong 1 lúc ngắn rồi quên.
Trí nhớ là khả năng ghi nhận, lưu trữ và sau đó tái hiện thông tin và những trải nghiệm đã qua trong bộ não con người. Đây cũng là 3 giai đoạn chính trong tiến trình hình thành trí nhớ (có thể có thêm giai đoạn củng cố sau giai đoạn ghi nhận).
Đầu tiên, các thông tin được ghi nhận qua các giác quan, đặc biệt là thính giác và thị giác để tạo nên trí nhớ ngắn hạn (nhận biết sự việc đang xảy ra). Đây là bước quan trọng để tạo nên trí nhớ dài hạn (trong suốt cuộc đời). Để có một sự ghi nhận tốt, cần có sự chú ý, liên tưởng, kết hợp với các sự việc, hình ảnh khác trước đây, kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh, liên hệ về ngữ nghĩa, thời gian, không gian.
Đặc biệt, các sự kiện có cảm xúc đi kèm được ghi nhớ tốt hơn. Sau đó, các thông tin được củng cố qua việc lặp đi lặp lại, ứng dụng nhiều lần và được chọn lọc để lưu trữ. Việc gợi nhớ sẽ dễ dàng hơn nếu có yếu tố gợi ý (tình huống, hình ảnh tương tự, mốc thời gian, không gian…). Ngoài ra, trí nhớ còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động lên thể chất (rối loạn giấc ngủ; ăn uống thiếu chất, bệnh tật, thuốc men,…) và tinh thần (stress cấp hoặc kéo dài, lo âu, trầm cảm,…).
Các rối loạn trí nhớ có thể là vấn đề sinh lý (giảm trí nhớ theo tuổi) hay là phản ứng của cơ thể với stress… nhưng có thể gặp trong nhiều bệnh lý do tổn thương hệ thần kinh (Alzheimer, Huntington, do nghiện rượu…) hay tổn thương cấu trúc não bộ (chấn thương đầu, đột quỵ…), có thể diễn tiến dần dần hoặc xảy ra đột ngột.
Qua thư cho thấy vấn đề trí nhớ của em đã xuất hiện từ khi còn nhỏ cho đến nay có thể là do trí nhớ ngắn hạn không được hình thành tốt và dẫn đến trí nhớ dài hạn kém. Nếu tình trạng này ngày càng gia tăng và gây ảnh hưởng đáng kể lên sinh hoạt, đời sống của em thì em nên đi khám chuyên khoa tâm thần kinh để được kiểm tra.
Trước mắt, em có thể thực hiện một số biện pháp để cải thiện trí nhớ như tăng cường sự tập trung chú ý (đảm bảo ăn ngủ điều độ, chỉ tập trung làm từng việc mỗi lúc, nghe nhạc, học ngoại ngữ, chơi thể thao…), dùng sổ tay, lịch để ghi nhớ, lập kế hoạch, tập tưởng tượng công việc cần nhớ thành hình ảnh, sơ đồ trong đầu, sắp đặt việc cần làm, đồ dùng cần lấy… ở nơi dễ thấy, dễ nhắc nhớ; rèn luyện trí nhớ bằng cách ghi nhật kí, chơi đố vui, ô chữ, so sánh, liên tưởng, gắn kết sự việc cần nhớ với ý nghĩa, lặp đi lặp lại và ứng dụng vào thực tế….
Ngoài ra, cần có một đời sống tinh thần thoải mái, vui vẻ, nhiệt tình, cởi mở, hòa đồng trong các mối quan hệ, giao lưu, tiếp thu và cảm nhận nhiều điều hay, cái đẹp. Tính tình ít nói, rụt rè, thu rút cũng là một trong những rào cản cho việc cải thiện trí nhớ của em.
Chúc em đạt nhiều tiến bộ và tự tin trong cuộc sống.
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình