Em bị lao màng bụng, có phải em đang bị tình trạng lao kháng thuốc hay không?
Câu hỏi
Kính chào AloBacsi, Em năm nay 35 tuổi, nặng 55kg đang điều trị lao màng bụng được đến tháng thứ 6 rồi, nhưng trong tháng thứ 5 thì nổi thêm 3 - 4 hạch giữa cổ bên trái xương ức đòn chũm lúc đầu sưng to từ 7mm - 13mm và cũng có uống Alphachoey nhưng cũng không giảm và có xu hướng to lên và cứng lại. Khi em làm sinh thiết hạch thì kết quả là viêm hạch lao nhưng bác sĩ tại nơi điều trị không có điều chỉnh phác đồ điều trị hay có một động thái nào cho em biết diễn tiến tình trạng bệnh của mình như thế nào. Trong 2 tháng đầu điều trị tấn công có kết quả rất tốt theo phác đồ tấn của bệnh viện, từ sau 2 tháng đến nay thuốc uống duy trì là Ethambutol (3V), Isoniazid (1V), Rifampicin 300 (2V). Xin bác sĩ cho biết có phải em đang bị tình trạng lao kháng thuốc hay không? Triệu chứng của hiện tượng lao kháng thuốc là như thế nào? Trong trường hợp này thuốc như vậy có đủ liều hay không? Và cần phải thay đổi thuốc hay thay đổi phác đồ điều trị như thế nào? Mong sớm nhận được trả lời của bác sĩ. Chân thành cám ơn và trân trọng kính chào! (Thành Quyền – quyen…@gmail.com)
Trả lời
Thành Quyền thân mến,
Em bị lao màng bụng, thuộc một trong những trường hợp lao nặng, được chỉ định điều trị theo phác đồ gồm 5 thuốc chống lao thiết yếu là: Isoniazid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamid (Z), Streptomycin (S) và Ethambutol (E).
Thông thường, phác đồ này viết tắt là 2SHRZE/1HRZE/5H3 R3 E3 gồm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn tấn công kéo dài 3 tháng, 2 tháng đầu tiên với cả 5 loại thuốc chống lao thiết yếu (SHRZE) dùng hàng ngày, 1 tháng tiếp theo với 4 loại thuốc (HRZE) dùng hàng ngày.
- Giai đoạn duy trì kéo dài 5 tháng với 3 loại thuốc H, R và E dùng 3 lần một tuần.
Nhưng đối với một số trường hợp đặc biệt, thời gian dùng thuốc có thể kéo dài, tùy thuộc vào tiến triển và mức độ bệnh, các BS chuyên khoa sẽ hội chẩn và quyết định thời gian kéo dài bao lâu.
Trường hợp của em đang điều trị lao màng bụng được đến tháng thứ 6 rồi, nhưng trong tháng thứ 5 thì nổi thêm 3 - 4 hạch giữa cổ bên trái xương ức đòn chũm thì chưa thể kết luận có tình trạng lao kháng thuốc hay không. Muốn biết được điều này, em phải làm xét nghiệm nuôi cấy và làm kháng sinh đồ, mà các phương pháp trên tốn nhiều thời gian (khoảng 6 tuần) .
Do vậy, trong thời gian chờ đợi kết quả nuôi cấy và kết quả kháng sinh đồ hoặc chưa có điều kiện nuôi cấy và làm kháng sinh đồ thì phải dựa vào phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành để điều trị.
Em cứ yên tâm, bởi các BS Chuyên khoa Lao sẽ theo dõi tình trạng bệnh của em và sẽ biết thời điểm nào để chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết nhằm chẩn đoán tình trạng lao kháng thuốc.
Mong rằng lời giải thích trên sẽ giúp em bớt lo lắng.
Thân ái!
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình