Đường huyết tăng trên nền bệnh nhân tiểu đường type 2 mắc lao phổi?
Câu hỏi
Tôi hiện tại bị tiểu đường type 2. Hiện tại tôi không sử dung thuốc tiểu đường để điều trị, kiểm soát bằng chế độ ăn và thể dục, trị số thông thường dao động 10-11 mg/dl. Vừa rồi tôi ho nhiều, sụt ký, khan tiếng và phát hiện lao phổi tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. 2 mẫu xét nghiệm đàm AFB+ và AFB ++, Xpert: 109. Trị số máu: men gan hơi cao 1 chút so với chuẩn 61/60. Đường huyết tăng cao đột biến 15.5 mg/dl. Hiện tại tôi đang uống thuốc lao liều tấn công được 15 ngày ̣- 3H, 2E và 2 viên Sillybean 2 lần/ngày, cảm thấy chán ăn, khi mới uống thuốc thì tức tức bên phía bụng phải, tầm 15g-17g tôi cảm thấy hơi sốt nhẹ và rất buồn ngủ. Ban đêm thì lại ngứa. Cho tôi hỏi: - Các triệu chứng này có bình thường khi uống thuốc không, đặc biệt là việc sốt nhẹ về chiều? - Theo các chỉ số xét nghiệṃ Xpert, virus tôi mắc phải có phải là lao kháng thuốc không? - Dù ăn kiêng kỹ lưỡng nhưng chỉ số đường huyết vẫn cao, có phải do lao làm tăng đường huyết phần nào không? Cảm ơn sự tư vấn của bác sĩ.
Trả lời
Mức đường huyết bình thường của bạn nếu đơn vị là mg/dl thì 10-11 là quá thấp, sẽ hôn mê, rối loạn ý thức, do đó bác sĩ nghĩ rằng mức đường của bạn là 10-11 mmol/L. Nếu đường huyết đói bình thường dao động trong khoảng này là quá cao, bắt buộc bạn phải điều trị thuốc uống hoặc thuốc chích.
Trường hợp của bạn, đường huyết kiểm soát kém kéo dài lâu này có thể là nguyên nhân làm suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể dễ mắc phải bệnh lao. Trường hợp sốt trong nhiễm lao có thể kéo dài 2-4 tuần sau khi dùng thuốc, tuy nhiên không loại trừ do kiểm soát đường huyết kém nên còn có nhiễm trùng khác kèm theo.
Các chỉ số xét nghiệm bạn cung cấp không gợi ý lao kháng thuốc, bạn nên chụp lại nguyên bản kết quả Xpert để bác sĩ tư vấn cụ thể hơn.
Tóm lại, việc quan trọng nhất hiện tại bạn cần tới bệnh viện để khám chuyên khoa Nội tiết, bác sĩ sẽ dùng thuốc để giúp điều chỉnh mức đường huyết tối ưu, tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh lao. Các tác dụng phụ và triệu chứng xuất hiện trong quá trình điều trị cũng nên báo cáo với bác sĩ chuyên khoa lao để được hỗ trợ xử trí bạn nhé!
Thân mến.
Lao là bệnh truyền nhiễm, đái tháo đường là bệnh mạn tính không lây nhiễm. Đây là hai loại bệnh khác nhau nhưng lại có liên quan tới nhau: đái tháo đường là một trong những yếu tố thúc đẩy cho bệnh lao tiến triển. Nguyên nhân đái tháo đường mắc lao phổi nói riêng và các bệnh nhiễm khuẩn nói chung là do cơ thể bị suy giảm miễn dịch làm cho sức đề kháng giảm sút, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển. Điều trị lao phổi/đái tháo đường gặp một số khó khăn vì điều trị 2 bệnh song song. Chức năng gan của người bệnh đái tháo đường đã yếu, khi sử dụng các thuốc điều trị lao lại độc với gan. Bản thân các thuốc chữa đái tháo đường cũng độc với gan, do đó không tránh khỏi tai biến do thuốc gây ra. Đối với bệnh nhân lao phổi/đái tháo đường, phải theo dõi thường xuyên chức năng gan. Mục tiêu là kiểm soát đường huyết lúc đói dưới 126mg% và HbA1C dưới 7%. Để đạt được những yêu cầu trên bác sĩ điều trị nên cân nhắc điều trị bằng insulin sớm cho bệnh nhân nhằm đạt được hiệu quả giảm các tác dụng phụ của thuốc và giảm biến chứng của đái tháo đường. Chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường cần phải kiêng khem, ngược lại với lao phổi lại cần phải bồi dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể... Kết quả điều trị thất bại và tái phát cũng cao hơn điều trị lao phổi đơn thuần. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình