Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Điều trị ngoại tâm thu bằng loại thuốc nào?
Câu hỏi
Em đi siêu âm tim, bác sĩ nói bị hở van tim 2 và 3 lá 1/4, bị ngoại tâm thu nữa ạ. Nhịp tim lúc đập bình thường, có lúc bị đập bỏ nhịp, đánh trống ngực làm em mệt mỏi, hồi hộp. Em có kê thuốc Bisoprolol 2.5 mg, thuốc này uống vào làm em ổn định lại nhịp tim, nhưng khi ngưng thuốc lại bị. Cho em hỏi thuốc này uống trị được bệnh của em không, hay có loại thuốc nào khác không ạ? Mong bác sĩ chỉ em.
Trả lời
Chào em,
Bình thường nhịp tim chúng ta thường vào khoảng từ 60-100 lần/phút. Nhịp tim này do một cấu trúc nhỏ như hạt đậu nằm ở tâm nhĩ phải, gần chỗ đổ vào của tĩnh mạch chủ trên, điều khiển. Cấu trúc này có tên là nút xoang, và nhịp tim bình thường được gọi là nhịp xoang. Ở một số người có sự xuất hiện một hay nhiều ổ phát nhịp bất thường nằm trong tâm nhĩ, phát ra nhịp tim bất thường được gọi là nhịp ngoại tâm thu nhĩ.
Khi chỉ có vài ngoại tâm thu nhĩ lẻ tẻ, bệnh nhân hầu như không cảm thấy gì bất thường. Khi ngoại tâm thu nhĩ người trở nên thường xuyên, bệnh nhân thường có cảm giác tim đập hụt nhịp, hoặc lâu lâu có một nhịp đập mạnh hơn bình thường. Trường hợp ngoại tâm thu nhĩ tạo thành chuỗi nhịp nhanh nhĩ hay cuồng nhĩ, rung nhĩ thì có thể gây choáng váng, ngất, và có nguy cơ đột quỵ do cục máu đông thành lập ở nhĩ đi lên não.
Thuốc Bisoprolol là một trong các thuốc đầu tay trong điều trị ngoại tâm thu mà ít tác dụng phụ nhất. Em uống thuốc này với liều thấp 2.5 mg mà ổn định được nhịp tim là mừng lắm, bởi vì nếu không đáp ứng với thuốc này thì bs đổi qua thuốc khác sẽ nhiều tác dụng phụ hơn.
Trường hợp em muốn hết vĩnh viễn ngoại tâm thu nhĩ và không phải dùng thuốc nữa thì em có thể cân nhắc đến đốt điện sinh lý. Nếu qua khảo sát điện sinh lý tim thấy có 1 ổ tạo nhịp bất thường ở nhĩ gây ngoại tâm thu nhĩ thì tỷ lệ đốt thành công đến 98%, nếu có nhiều ổ hay có ổ nằm ở vị trí nguy hiểm thì tỷ lệ thành công thấp hơn; bên cạnh đó dù đã đốt thành công lần này thì theo thời gian, 1 số bệnh nhân sẽ phát triển 1 ổ loạn nhịp ở vị trí khác (tỷ lệ này không cao).
Một ca khảo sát điện sinh lý kéo dài thường 1- 3 giờ và cần nằm viện 2-3 ngày. Chi phí đốt điện sinh lý thường khá lớn, dao động trong khoảng 50 - 100 triệu đồng, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và chính sách hỗ trợ của từng bệnh viện.
Trường hợp có BHYT đúng tuyến hoặc chuyển tuyến, bệnh nhân được hỗ trợ chỉ khoảng 40 - 60% tổng chi phí mà thôi. Với phương pháp có chi phí lớn như thế này, điều kiện tham gia BHYT phải đạt ít nhất 180 ngày.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình