Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị gần 2 năm, triệu chứng đau, căng tức bụng vẫn không khỏi BS ơi?

Câu hỏi

Gửi AloBacsi, Cách đây 1,5 năm tôi cảm thất khó chịu vùng ức khi ăn nên đi khám và nội soi dạ dày, kết quả viêm tá tràng HP (-), uống thuốc không đỡ. Kể từ đó đến nay bụng tôi cứ đau tức, thốn và nặng ngay vùng ức và hạ sườn phải, có lúc căng như trái banh (khi chạy xe máy), gập bụng cảm giác đau, cấn như có một khối (hạ sườn, hạ vị phải). Cho đến nay tôi đã nội soi dạ dày 5 lần, kết quả đều là viêm hang vị mức độ nhẹ hoặc trung bình, HP (-). Bên cạnh đó, cuối năm 2013, tôi thỉnh thoảng đau tức nhẹ bụng dưới bên phải nên tháng 2/2014 tôi đi nội soi đại tràng tại BV 115, kết quả trĩ nội độ 1, đại tràng bình thường. Cho đến lúc này thì tôi vừa đau thượng vị, lẫn hạ vị phải. Cuối năm 2013 tôi cũng đã chụp MRI, kết quả bình thường, nhưng đến tháng 4/2014 theo lời khuyên của BS BV115 tôi tiếp tục chụp CT 64 lát, kết quả bình thường. Hiện giờ trừ lúc nghỉ nghơi (nằm) thì giảm đau, tôi luôn bị những cơn đau căng tức, cấn ở thượng, hạ vị hành dù không phải quá đau nhưng rất khó chịu và không thể làm việc được (tôi làm văn phòng). Bên cạnh đó tôi thường xuyên đi phân nhỏ dẹt và không thành khuôn, tôi đã đi khám nhưng BS nói không sao. Tôi đã đi khám nhiều nơi các BS chẩn đoán tôi bị IBS và viêm dạ dày, tôi uống thuốc hơn 1,5 năm nhưng triệu chứng không hề đỡ dù chỉ 1%. Tôi rất tuyệt vọng và mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần. Kính mong AloBacsi cho tôi một lời khuyên chân thành. Hiện tại tôi còn bị thêm rối loạn men gan, LDL-c: 4,08 mmol/L, sỏi thận 5 mm, và vài polyp túi mật 4-7 mm. Khi nằm và nâng hai chân lên tôi cũng cảm thấy đau nhẹ ở hạ vị phải. (Trường Bảo – TPHCM)

Trả lời
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xin chào anh,

Có lẽ anh là một trường hợp khá điển hình của một bệnh nhân bị hội chứng đại tràng kích thích. Đáng tiếc là thông tin về bệnh của anh không được giải thích chu đáo nên dẫn đến tình trạng hoảng loạn. Chúng tôi xin nêu rõ một số vấn đề sau đây:

1. Anh đã lạm dụng/ hoặc bị lạm dụng quá nhiều kỹ thuật y khoa không cần thiết, đặc biệt là nội soi. Đa số bệnh nhân đều nghĩ theo hai hướng như thế này:

* Nếu đau, chắc chắc có bệnh bên trong, vậy đi soi hay đi CT... thế nào cũng thấy.

* Hoặc nếu nội soi không thấy, CT không thấy gì cả... vậy là bình thường rồi, không có bệnh.

Thật ra những bệnh có thể phát hiện được bằng nội soi hay CT v.v… là nhóm bệnh làm thay đổi cấu trúc cơ thể. Trong một số trường hợp, bệnh chỉ làm thay đổi, rối loạn chức năng cơ quan... nên sẽ không thể hiện ra qua chẩn đoán hình ảnh.

Hội chứng đại tràng kích thích là một ví dụ điển hình. Bệnh nhân có thể táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, đau bụng... ầm ầm nhưng nội soi hay chụp hình lúc nào cũng bình thường, và điều đó không có nghĩa là không có bệnh.  

2. Cần phải nhấn mạnh với anh là có một số bệnh không cần phải trị và không gây tác hại gì đến cơ thể. Sỏi thận nhỏ, polyp túi mật là những vấn đề hết sức phổ biến rất nhiều người bị, chỉ cần theo dõi định kỳ mà không cần phải lo lắng. Rối loạn lipid máu mức độ nhẹ cũng chỉ cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng của mình.

3. Chúng tôi hiểu sự lo lắng của anh là bệnh trị hoài không hết. Về vấn đề này, chúng tôi xin góp ý như sau:

* Có một số bệnh mãn tính bệnh nhân bắt buộc phải chấp nhận và tìm cách thích nghi. Vài ví dụ đơn giản cho anh thấy như tiểu đường, cao huyết áp, suuy mạch vành, hen suyển, viêm phế quản mãn v.v....Nếu anh chấp nhận tình trạng bệnh của mình và tìm cách thích nghi với nó thì anh sẽ thấy dễ chịu hơn thay vì lo loắn như thế, bệnh chỉ nặng hơn.

 *Thích nghi thế nào? Bệnh nhân là người điều trị tốt nhất vì họ biết rất rõ thức ăn nào "hiền", thức ăn nào sẽ "gây chuyện". Bệnh nhân sau nhiều năm uống thuốc cũng sẽ nhận ra thuốc này "hạp", thuốc kia "không hạp". Họ cũng sẽ nhận ra những yếu tố làm bệnh trầm trọng hơn như thức đêm, uống cafe hay uống bia, ăn mắm v.v… Như vậy, chính bệnh nhân sẽ tìm ra những biện pháp để tự điều trị cho mình.

* Mục đích điều trị là gì? Thôi thì tạm thời anh đừng mong khỏi bệnh. Trước mắt, chúng ta tìm cách đạt những đợt lui bệnh dài ngày, tìm cách giảm và ngưng thuốc để dùng thuốc càng ít càng tốt. Trên hết, cố gắng đưa cuộc sống của anh trở lại nhịp bình thường và không cần phải lo nghĩ quá nhiều về bệnh tật.

*Những kỹ thuật y khoa có thể dùng với chỉ định hợp lý. Ví dụ, nội soi kiểm tra mỗi 3-5 năm một lần đề phòng ung thư chứ không phải đi soi 3-5 lần mỗi năm là tìm ra bệnh.

Chúc anh mau khỏe,

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X