Nguyên Trưởng bộ môn Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM - Bệnh viện đại học Y dược TPHCM
Dịch bệnh COVID-19 dưới góc nhìn Đông y
Câu hỏi
Thưa bác sĩ, cơ chế gây bệnh tật nói chung, bệnh nhiễm trùng nói riêng theo quan niệm của y học cổ truyền là như thế nào ạ? Đông y có cái nhìn ra sao về dịch bệnh COVID-19? Xin cảm ơn.
Trả lời
Chào bạn,
Để trả lời câu hỏi của bạn, tôi sẽ đi từng phần như sau:
Vấn đề thứ 1, Bệnh theo YHCT:
Y học cổ truyền cho rằng tình trạng khỏe mạnh là sự cân bằng và điều hòa trong mối quan hệ không chỉ của các cơ quan tạng phủ và các hệ thống khác nhau trong cơ thể mà còn giữa cơ thể và môi trường bên ngoài. Khi mối quan hệ nhiều mặt này bị phá vỡ, bệnh tật sinh ra.
Bệnh là sự mất cân bằng Âm - Dương; Khí - Huyết; chức năng Tạng - Phủ, khi nguyên nhân gây bệnh tác động vào cơ thể làm trạng thái sinh lý của một bộ phận hay hệ thống nào đó bị rối loạn, trở ngại hoặc tổn thương về hình thái, chức năng hoặc trao đổi chất và sự biến đổi này tạm thời không thể tự phục hồi được.
Y học cổ truyền còn cho rằng bệnh là quá trình bệnh lý tổng hợp của tại chỗ và toàn thân, không thể tồn tại bệnh lý tại chỗ đơn thuần và cũng không thể tồn tại bệnh toàn thân mà không có biểu hiện ở một vị trí cụ thể nào đó. Điều này thể hiện quan điểm của y học cổ truyền xem xét bệnh lý chú trọng đến tính chỉnh thể và hệ thống.
Bệnh nhiễm YHCT
Khi chính khí của cơ thể hư nhược hoặc độc lực gây bệnh của tà khí quá mạnh vượt quá khả năng phòng ngự của cơ thể làm cho chính khí hư tương đối so với tà khí thì tà khí xâm nhập vào cơ thể làm rối loạn công năng sinh lý bình thường của cơ thể mà phát sinh bệnh tật.
Tà khí từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể gây bệnh chia thành hai nhóm, bao gồm: lục dâm (phong hàn thử thấp táo hỏa) và lệ khí. Lệ khí có tính truyền nhiễm mạnh, còn được gọi là dịch độc, dịch khí, dị khí, độc khí. Bệnh do lệ khí gây ra gọi là dịch bệnh, ôn bệnh, ôn dịch bệnh.
Virus biến chủng như SARS-CoV-2 là Ôn bệnh
COVID-19
Những diễn tiến và cách biểu hiện bệnh của COVID-19 hiện nay, cũng được YHCT nêu gần tương tự như vậy vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, trong bệnh ngoại cảm (cảm nhiễm các nguyên nhân gây bệnh từ môi trường sống bên ngoài cơ thể). Bệnh ngoại cảm có 2 loại là Thương hàn và Ôn bệnh.
Thương hàn là bệnh cảnh khởi phát có tính hàn, giai đoạn đầu lạnh nhiều, diễn tiến có quy luật theo 6 giai đoạn (Lục kinh), khi vào sâu mới dần hóa hỏa, mới có sốt và làm tổn hao tân dịch, nguyên nhân gây bệnh do Lục dâm (6 thứ khí tự nhiên, nhưng diễn biến trái thường gây bệnh).
Ôn bệnh là tên gọi chung cho các bệnh ngoại cảm có đặc điểm:
- Khởi bệnh bằng sốt cao, bệnh cảnh thiên về nhiệt chứng, và gây tổn hao tân dịch.
- Diễn biến có quy luật nhất định theo 4 giai đoạn (Vệ, Khí, Dinh, Huyết)
- Bệnh thường diễn tiến nhanh, cấp tính có thể khỏi tự nhiên, nhưng cũng có thể diễn tiến nặng nề, nhiều biến chứng trầm trọng.
- Bệnh có thể phát triễn thành dịch gọi là “Ôn dịch”.
- Nguyên nhân gây bệnh là tà khí lục dâm (như Thương hàn) nhưng thường xảy ra trong thiên tai - chiến tranh địch hoạ, có người chết, có xác động vật chết thối rửa tạo ra tạp vật ô uế xử lý không tốt gọi là Lệ khí.
Cơ chế gây bệnh cho cả 2 loại Thương hàn và Ôn bệnh là do chính khí suy kém, tà khí nhân đó mà xâm nhập gây bệnh. Qua mô tả trên có thể thấy mối tương quan Thương hàn là có thể nhiễm các virus thông thường gây bệnh như sởi, thuỷ đậu, sốt xuất huyết, cúm mùa… còn virus biến chủng như SARS-CoV-2 có thể là Ôn bệnh.
Diễn biến của Ôn bệnh
- Khởi phát ở Vệ phận, biểu hiện phát sốt, sợ lạnh, ho, khát, đau họng
- Vào đến Khí phận, sốt rất cao, khát, ho nhiều, mồ hôi, mình mẩy đau nhức, ngực sườn bứt rức, hồi hộp không yên…
- Vào đến Khí phận, sốt tăng về đêm, khó thở, khó ngủ, tâm phiền bức rức, năng thì mê man nói sảng.
- Vào đến Huyết phận: Sốt cao, mặt đỏ, lòng tay chân nóng hực, vật vã phát cuồng, nhiệt lộng bức huyết gây chảy máu ở miệng - nướu răng - mũi - tiêu tiểu, co giật, mê loạn nói nhảm…
Phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh lý sẽ sử dụng các phương pháp châm cứu, thuốc dược liệu phù hợp như ở Vệ phận thì dùng pháp Tân lương giải biểu, ở khí phận thì dùng pháp Thanh khí tiết nhiệt, ở Dinh phận thì dùng pháp Thanh dinh thấu nhiệt, ở Huyết phận thì dùng pháp Lương huyết tư âm tức phong… Các bài thuốc thường được sử dụng như Ma hạnh Thạch Cam thang, Hoàng liên giải độc thang, Tiểu Sài hồ thang…
Trong đợt COVID-19 hiện nay, Cát Hựu Văn, Viện Y Học Cổ Truyền Trung Quốc, phân tích toàn bộ các đặc điểm của dịch dựa trên những y văn có liên quan từ trước. Trong đó có các bài thuốc đến từ tác phẩm kinh điển “Thương Hàn Tạp Bệnh Luận” của Trương Trọng Cảnh thời Đông Hán (Công Nguyên 150-219). Cuối cùng quyết định đem 4 bài thuốc “Ma Hạnh Thạch Cam Thang”, “Xạ Can Ma Hoàng Thang”, “Tiểu Sài Hồ Thang” và “Ngũ Linh Tán” phối hợp lại với nhau thành một bài thuốc Thanh phế bại độc thang.
Nhóm nghiên cứu Khoa Học Công Nghệ của Cục Quản Lý Y Học Cổ Truyền Quốc Gia công bố kết quả lâm sàng của bài thuốc Thanh Phế Bài Độc Thang. Đồng thời, đơn thuốc và cách sử dụng được công bố cho toàn xã hội. Văn Phòng Ủy Ban Vệ Sinh Sức Khỏe Quốc Gia và Cục Quản Lý Y Học Cổ Truyền Quốc Gia kết hợp phát công văn, đề xuất kết hợp sử dụng bài thuốc Thanh Phế Bài Độc Thang trong điều trị COVID-19.
Thân mến.
(Trích từ livestream PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Đại dịch COVID-19, tiếp cận từ khía cạnh Đông y)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình