Hotline 24/7
08983-08983

Đau đầu, buồn nôn sau khi ăn đồ ngọt có phải triệu chứng bệnh?

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi, Mỗi khi em ăn hay uống đồ quá ngọt thì có cảm giác đau đầu và buồn nôn. Đó có phải là triệu chứng bệnh không ạ? Em cảm ơn!

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Buồn nôn sau khi ăn đồ ngọt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Buồn nôn sau khi ăn đồ ngọt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Hiện tượng mệt mỏi, run, xây xẩm, buồn nôn… sau khi ăn ngọt quá nhiều thường không phải do tăng đường huyết. Trái lại, đó là dấu hiệu của hạ đường huyết phản ứng sau ăn. Nguyên nhân hạ đường huyết là do ban đầu đường trong máu tăng cao đột ngột khi tiêu thụ quá nhiều tinh bột, đồ ngọt. Điều này sẽ kích thích tuyến tụy tăng tiết một lượng lớn insulin để "xử lý" lượng đường tăng đột biến này. Quá nhiều insulin lại dẫn đến hạ đường huyết sau ăn.

Nếu bạn đã gặp hiện tượng này nhiều lần thì từ nay nên tránh ăn một lúc quá nhiều tinh bột, đường ngọt trong bữa ăn. Nếu thường xuyên hạ đường huyết sau ăn, bạn nên khám chuyên khoa Nội tiết để tầm soát bệnh lý bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu quá thấp. Cơ thể hấp thụ đường qua các thức ăn có nhiều carbohydrate như gạo, khoai tây, bánh mì, ngũ cốc, sữa, trái cây và đồ ngọt. Đường tích trữ trong gan và mô dưới dạng glucogen và sẽ được phân hóa thành glucose để tạo năng lượng cho cơ thể.

Các triệu chứng của hạ đường huyết do tiểu đường bao gồm run rẩy, chóng mặt, đau đầu; thường đổ mồ hôi và cảm thấy đói; tim đập nhanh và da tái. Những tình trạng trên thường xảy ra vào ban đêm sẽ làm cho người bệnh gặp ác mộng và la hét trong lúc ngủ. Do đường cung cấp năng lượng cho cơ thể nên người bị hạ đường huyết thường cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Trong trường hợp đường huyết giảm đột ngột sẽ gây ngất xỉu hoặc động kinh.

Để lượng đường trong máu trở lại mức cân bằng như bình thường trong một đợt hạ đường huyết, bạn nên nhanh chóng bổ sung đường cho cơ thể bằng:

- Uống thuốc viên nén glucose.
- Uống nước trái cây.
- Cách đơn giản và dễ dàng nhất là ăn kẹo.

Sau đó khoảng 15 đến 20 phút, nếu lượng đường vẫn chưa bình thường trở lại hoặc bạn vẫn không thấy đỡ hơn, bạn nên bổ sung đường thêm một lần nữa.

Nếu bạn bị ngất hoặc động kinh do hạ đường huyết, bạn cần được tiêm glucagon ngay lập tức.

Đối với hạ đường huyết, phòng bệnh thì hơn chữa bệnh. Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:

- Ăn uống điều độ, cân bằng các bữa ăn với lượng carbohydrate mà bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng chấp nhận. Ăn đủ lượng carbohydrate trước khi tập thể dục và ăn nhẹ trong lúc tập thể dục nếu cần thiết.
- Ăn các bữa ăn nhẹ ngay khi lượng đường quá thấp hoặc khi gặp các triệu chứng của bệnh.
- Hướng dẫn những người bạn sống hoặc làm việc chung rằng bạn mắc bệnh tiểu đường và cách tiêm glucagon nếu bạn bất tỉnh.
- Kiểm tra lượng đường huyết dựa trên lịch mà bác sĩ yêu cầu.
- Không phớt lờ những triệu chứng của bệnh hạ đường huyết hoặc trì hoãn việc điều trị bệnh hạ đường huyết vì bệnh có thể dẫn đến hôn mê và tổn thương não.
- Không nản lòng nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và mất thời gian điều chỉnh lượng insulin để được phép tập thể dục.
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X