Hotline 24/7
08983-08983

Giải đáp 20 câu hỏi thường gặp nhất về chẩn đoán, điều trị viêm mũi dị ứng, mày đay ở người lớn và trẻ em

Chiều ngày 14/4/2024, Liên chi hội TMH Tai Mũi Họng và các tỉnh phía Nam với sự đồng hành của văn phòng đại diện Menarini Việt Nam đã tổ chức thành công hội chương trình đào tạo liên tục trực tuyến “Sử dụng kháng histamin mới trong điều trị viêm mũi dị ứng và mày đay ở người lớn và trẻ em” thu hút gần 2.000 đại biểu tham dự trên các nền tảng trực tuyến của liên chi hội cũng như Alobacsi.

Sau phần trình bày của 3 báo cáo viên và sự dẫn dắt thấu đáo từ chủ tọa đoàn GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu, Chủ tịch liên chi hội Liên chi hội Tai Mũi họng TPHCM và các tỉnh phía Nam, rất nhiều câu hỏi của các đại biểu tham dự đã được chủ tọa và các báo cáo viên giải đáp. Dưới đây là một số câu hỏi tiêu biểu:

Câu 1: Trong chẩn đoán viêm mũi dị ứng, có nhất thiết phải làm xét nghiệm hay không, khi nào cần làm và cần làm những xét nghiệm nào?

TS.BS Phạm Lê Duy - Giảng viên bộ môn Sinh lý, sinh lý bệnh miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM, đồng thời công tác tại phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Đã có một đồng thuận quốc tế giữa các chuyên gia Tai Mũi Họng và Miễn dịch dị ứng về việc nên có xét nghiệm để xác định viêm mũi có liên quan đến dị ứng hay không, nguyên nhân gây dị ứng là gì để giúp bệnh nhân tránh tiếp xúc dị nguyên, qua đó kiểm soát tình trạng dị ứng tốt hơn. Ngay khi gặp bệnh nhân lần đầu nếu chúng ta nghĩ có thể mắc viêm mũi dị ứng, cần làm ngay xét nghiệm. Các xét nghiệm đó có thể là test lẩy da hoặc xét nghiệm IgE đặc hiệu trong huyết thanh.

Câu 2: Một số kinh nghiệm về điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em và việc dùng Bilaxten ODT 10 mg trên đối tượng này?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Chủ tịch liên chi hội Tai Mũi họng Nhi TPHCM: Khi sử dụng kháng histamin việc đầu tiên cần xem xét là có đúng chỉ định, có phù hợp với lứa tuổi hay không. Trong điều trị Tai Mũi Họng nhi khoa, các kháng histamin phổ biến như desloratadine, fexofenadine và gần đây có thêm Bilastine thường được sử dụng. Đối với nhi khoa, một trong những vấn đề cần quan tâm là khả năng hợp tác của trẻ khi uống thuốc. Trẻ có thể sợ hoặc từ chối uống nếu viên thuốc quá to hay dạng siro quá đắng dẫn đến hiệu quả không cao như mong muốn. Viên nén Bilaxten 10 mg có điểm thuận lợi hơn khi chỉ định cho trẻ từ 6 tuổi là do phân tán nhanh trong miệng và mùi vị dễ chịu.

Câu 3: Ở những nơi chưa có Bilaxten ODT 10mg, có thể bẻ đôi viên Bilaxten 20 mg để dùng cho bệnh nhân nhi được không?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Khi bẻ đôi viên thuốc Bilaxten 20 mg, không chắc có thể bẻ chính xác làm đôi mỗi nửa 10 mg nên có thể dẫn đến liều lượng không chính xác, và điều này cũng không được nhà sản xuất khuyến cáo. Hơn thế nữa, khi để nửa viên còn lại trong môi trường, có thể dẫn đến việc biến đổi hoạt chất và giảm hiệu quả của thuốc.

Câu 4: Kinh nghiệm về dùng kháng histamin H1 khi tăng liều trong điều trị mày đay ở trẻ em

BS.CK2 Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 2: Với trẻ em dưới 6 tuổi mắc mày đay cấp, đáp ứng với kháng histamin rất tốt. Những trường hợp mày đay mãn tính không đáp ứng với liều chuẩn, đa số được đánh giá sau 2-4 tuần, và đánh giá dựa trên thang điểm UCT về các triệu chứng như ngứa, sẩn phù ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu UCT>16 tức là đã kiểm soát được bệnh, không cần tăng liều, trái lại nếu UCT<12 tức là không kiểm soát được bệnh và cần tăng liều và thường bắt đầu tăng liều 2 lần trước khi tăng liều cao hơn. Sau 2-4 tuần sẽ đánh giá lại, và tới khi UCT>16 điểm mới nghĩ đến việc giảm liều. Thông thường thời gian điều trị trong trường hợp này là từ 3 đến 6 tháng.

Câu 5: Kinh nghiệm dùng corticoid xịt mũi cho trẻ em

TS.BS Phạm Lê Duy: Với các trường hợp viêm mũi dị ứng dai dẳng trung bình và nặng, kèm nghẹt mũi có thể dùng corticoid cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Đa số corticoid xịt mũi trên thị trường dùng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên, một số sản phẩm dùng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên và hiện nay cũng có những dòng dùng được cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Khi dùng cho trẻ em, cần hướng dẫn xịt đúng cách, nếu xịt không đúng thì sẽ giảm tác dụng  của thuốc và có thể gây chảy máu mũi.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Theo ARIA, kháng histamin H1 được sử dụng trong mọi giai đoạn của viêm mũi dị ứng, trong khi có thể bắt đầu sử dụng corticoid khi triệu chứng nặng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc  sống và cần hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc đúng.

Câu 6: Việc sử dụng kháng histamin H1 trong điều trị viêm mũi dị ứng - hen thì có làm tăng nguy cơ đặc quánh đờm, gây khó thở và làm nặng thêm tình trạng bệnh?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Việc này xảy ra khi sử dụng kháng histamin H1 thế hệ 1, kháng histamin H1 thế 2 không có tác dụng kháng cholinergic nên thường không làm tăng nguy cơ đặc quánh đờm. Trên thực tế, vẫn có thể dùng kháng histamin H1 thế hệ 2 cho trẻ viêm mũi dị ứng kèm hen suyễn để kiểm soát các triệu chứng ở mũi.

Câu 7: Kháng histamin H1 thế hệ 2 được chỉ định trong viêm mũi dị ứng, hen dị ứng, viêm tai giữa cấp ứ mủ, viêm mũi xoang dị ứng còn kháng histamin H1 thế hệ 1 thì không được dùng trong các trường hợp trên phải không?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Chúng ta cần lưu ý, kháng histamin H1 hiện nay chỉ được chỉ định trong viêm mũi dị ứng và mày đay, còn những bệnh khác cần những điều trị đặc hiệu khác. Chúng ta vẫn có thể cân nhắc để dùng kháng histamin trên những bệnh nhân này nếu có chỉ định. Trong viêm tai giữa cấp thường có chỉ định dùng kháng sinh, đặc biệt với trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi hoặc lâm sàng có biểu hiện nặng. Nếu dùng marcrolide thì cần thận trọng khi phối hợp với một số kháng histamin thế hệ 2 (ví dụ Fexofanadin) để hạn chế tương tác thuốc.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Sắp tới ngày 22/6/2024, trong phiên toàn thể hội nghị thường niên lần 2 của hội Tai Mũi Họng và các tỉnh phía Nam tổ chức tại TPHCM và cũng được truyền trực tuyến, PGS.TS.BS Lê Công Định sẽ trình bày về các trường hợp viêm mũi dị ứng kèm một số bệnh khác, có thể sử dụng Bilaxten (bilastine 10mg) để điều trị, các bác sĩ có thể tham khảo thêm để có kinh nghiệm điều trị trong các trường hợp này.

Câu 8: Trẻ trên 12 tuổi và dưới 20 kg không dùng được Bilaxten 10mg phải không?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Khi khuyến cáo một thuốc dùng ở lứa tuổi và cân nặng nào thường theo một quy định chung và thay đổi tùy quốc gia. Trong thông tin kê toa trẻ từ 6 tuổi và trên 20 kg có thể dùng Bilaxten ODT 10 mg. Với đứa trẻ trên 12 tuổi mà nhỏ hơn 20 kg thì vấn đề chúng ta quan tâm không phải có dùng được kháng histamin H1 hay không mà cần khải đánh giá  sức khỏe tổng quát, đặc biệt là tim mạch để xem liệu có các vấn đề khác nặng nề hơn khiến trẻ nhẹ cân trầm trọng như vậy.

Câu 9: Khi tăng liều kháng histamin nên chia 2 lần/ ngày hay chỉ sử dụng 1 lần/ ngày?

TS.BS Phạm Lê Duy và BS.CK2 Hoàng Quốc Tưởng: Theo các khuyến cáo, việc uống 1 lần hay chia làm 2 lần/ ngày đều được chấp nhận. Tuy nhiên, trên thực hành lâm sàng có những trường hợp uống buổi sáng, buổi chiều vẫn nổi mày đay lai rai vì dù kháng histamin tác dụng 24 giờ nhưng sẽ đạt đỉnh ở một thời điểm nào đó, sau đó sẽ giảm dần nồng độ trong huyết thanh, do đó có thể giảm tới mức dưới ngưỡng ức chế nổi mày đay thì bệnh nhân có thể nổi lại. Do vậy nếu bệnh nhân vẫn chấp nhận được việc nổi một vài nốt mày đay thì vẫn có thể sử dụng 1 lần/ ngày, tuy nhiên nếu bệnh nhân quá ngứa và khó chịu chúng ta có thể chia 2 lần/ ngày, hay nói cách khác trên thực tế lâm sàng cần tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân mà dùng 1 lần hay 2 lần/ ngày. Tuy nhiên nếu phải tăng liều nên 4 lần/ ngày để tránh bệnh nhân ngán thuốc, nên chia làm 2 lần, mỗi lần 2 viên, trái lại, nếu chia ra 4 lần/ ngày thì dễ dẫn đến sự tuân thủ kém cho bệnh nhân.

Câu 10: Trong điều trị viêm mũi dị ứng, có tăng liều kháng histamin H1 từ 2 đến 4 lần như trong điều trị mày đay hay không?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Trong các tài liệu hiện nay, chỉ khuyến cáo tăng liều kháng histamin H1 trong điều trị mày đay. Trái lại,  trong viêm mũi dị ứng, có rất nhiều phương tiện để điều trị, không chỉ kháng histamin H1, ví dụ như kết hợp corticoid dạng xịt, kháng leukotriene hoặc đơn giản kèm theo việc rửa mũi và trong một số trường hợp nặng, có thể phải cân nhắc đến việc dùng các liệu pháp miễn dịch. Do vậy trong điều trị viêm mũi dị ứng, tăng liều 2-4 lần là không cần thiết.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Trong điều trị viêm mũi dị ứng, chỉ trường hợp trung bình hoặc nặng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống thì có thể kết hợp dùng thêm corticoid, và còn nhiều phương tiện khác như thuốc co mạch, kháng leukotriene, corticoid. Tùy theo kinh nghiệm lâm sàng trên các đối tượng bệnh nhân khác nhau sẽ có những cách điều trị khác nhau. Theo khuyến cáo của ARIA cũng nhấn mạnh không cần thiết phải tăng liều kháng histamin.

Câu 11: Mày đay mãn nếu kiểm soát được thì tiêu chuẩn dừng thuốc là thế nào?

BS.CK2 Hoàng Quốc Tưởng: Trên kinh nghiệm lâm sàng, nên dựa trên thang điểm UAS7, nếu UAS7 dưới 7 điểm, xem xét tình trạng việc cải thiện tình trạng ngứa và sẩn phù trong vòng 7 ngày thì có thể cân nhăc ngừng thuốc. Tuy nhiên với em bé mày đay mãn tính, có thể cân nhắc giảm liều từ từ chứ không ngưng thuốc một cách đột ngột.

Câu 12: Dùng kháng histamin H1 nhiều năm có bị lờn thuốc hay không?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Trên lý thuyết không đề cập đến trường hợp lờn thuốc kháng histamin. Tuy nhiên trên thực tế lâm sàng có thể, có hiện tượng “lờn thuốc” do sự quen thụ thể và khi đổi thuốc khác, một thời gian sau quay trở lại thuốc cũ thì lại đáp ứng bình thường. Trong một số trường hợp, nếu điều trị nội khoa không đáp ứng, đôi khi chúng ta phải cân nhắc việc can thiệp ngoại khoa. Tuy vậy, chỉ định phẫu thuật rất ít khi phải đặt ra đối với trẻ em.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Trong trường hợp lờn thuốc chúng ta có thể kết hợp với các thuốc khác hoặc đổi sang thuốc khác một thời gian và sau đó có thể quay về dùng lại thuốc ban đầu thì thấy vẫn hiệu quả.

Câu 13: Trong trường hợp bệnh nhân đã dùng thuốc một khoảng thời gian mà không đáp ứng thuốc, thì điều trị tiếp theo là gì?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Theo quan điểm hiện đại, các phương pháp điều trị ít xâm lấn nhất như điều trị nội khoa, điều trị hỗ trợ được ưu tiên. Tuy nhiên, đôi khi phải cân nhắc chỉ định phẫu thuật trong trường hợp tất cả các biện pháp điều trị nội khoa đều đã được áp dụng nhưng không cải thiện tình trạng bệnh. Tùy theo các triệu chứng mà lựa chọn các loại phẫu thuật khác nhau: nếu nghẹt mũi nhiều sẽ can thiệp ở hốc mũi  để giảm nghẹt, nếu hắt xì, chảy nước mũi nhiều thì sẽ can thiệp để hủy dây thần kinh đằng sau. Khi phẫu thuật cần cân nhắc giữa cái lợi và cái hại để có giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu, với viêm mũi dị ứng, có chỉ định rõ ràng mới được mổ. Có 2 loại phẫu thuật được các guideline công nhận: phẫu thuật làm giảm thể tích cuốn dưới (cắt bán phần/chỉnh hình cuốn dưới) làm cho bệnh nhân đỡ ngạt mũi, hoặc phẫu thuật cắt dây thần kinh vidian.

Câu 14: Có bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn với bệnh viêm mũi dị ứng, đã từng đi khám nội soi, hầu như ngày nào cũng chảy nước mũi, không thể ngủ được máy lạnh, vậy có phương pháp nào chữa dứt điểm tình trạng này hay không?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Điều trị đóng vai trò rất quan trọng nhưng việc tư vấn, giải thích cho bệnh nhân đôi khi còn quan trọng hơn vì điều trị các bệnh lý dị ứng là điều trị kéo dài. Mục tiêu của điều trị  là để kiểm soát và cải thiện triệu chứng, việc điều trị dứt điểm các triệu chứng là rất khó. Theo tiến trình dị ứng, một đứa trẻ trước đây viêm da, hen hoặc viêm mũi dị ứng sau một thời gian có thể  sẽ tự hết do thay đổi môi trường sống, ít tiếp xúc với dị nguyên. Với trường hợp không ngủ được máy lạnh, cần cân nhắc giữa việc không thể ngủ được máy lạnh và không ngủ được do quá nóng. Nếu không ngủ được do quá nóng thì phải chọn máy lạnh, nhưng có thể để nhiệt độ trong khoảng 23-26 độ C để có giấc ngủ ngon. Nhiệt độ phòng quá nóng hoặc  quá lạnh đều có thể làm sổ mũi, nghẹt mũi. Hơn thế nữa, môi trường máy lạnh cần phải được thông thoáng nên cần vệ sinh phòng ngủ và máy lạnh thường xuyên.

TS.BS Phạm Lê Duy: Với trường hợp viêm mũi mãn tính mà có bằng chứng về dị ứng, để kiểm soát tốt hơn triệu chứng nên tránh tiếp xúc với dị nguyên, ví dụ dị ứng với lông mèo thì cần tránh tiếp xúc với mèo, dị ứng với mạt bụi nhà thì cần vệ sinh nhà thường xuyên, hút bụi. Bên cạnh đó liệu pháp giải mẫn cảm Allergy Immunotherapy là một trong những liệu pháp nhắm trúng đích có thể được sử dụng. Ví dụ nếu xét nghiệm ra viêm mũi dị ứng do mạt bụi nhà, nếu chúng ta dùng phương pháp  giải mẫn cảm mà hiệu quả thì sẽ không cần dùng đến thuốc, và hiệu quả có thể kéo dài 3 năm, 5 năm thậm chí suốt đời. Viêm mũi dị ứng hay đi kèm với viêm mũi vận mạch, tức là những bệnh nhân viêm mũi dị ứng với mạt nhà, nhưng khi họ tiếp xúc với không khí quá nóng, quá lạnh thì vẫn có triệu chứng tại mũi. Những yếu tố đó không phải yếu tố dị ứng mà là yếu tố kích phát các triệu chứng mũi. Với những bệnh nhân này cũng cần tư vấn bệnh nhân cẩn thận với các yếu tố khác làm kích phát triệu chứng tại mũi như không khí nóng lạnh, khói nhang, khói thuốc lá, mùi hương quá mạnh do niêm mạc tổn thương trong thời gian dài nên dễ nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích từ môi trường hơn người bình thường.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Với bệnh nhân viêm mũi dị ứng, cần hiểu biết về bệnh của mình và từng bước thay đổi để có thể chung sống hòa bình với bệnh cũng như sử dụng các biện pháp nhằm giảm gánh nặng của bệnh, tránh các yếu tố kích thích từ môi trường. Nếu bệnh nhân viêm mũi dị ứng nặng nên đi khám ở những nơi có nhiều chuyên gia giỏi để được tư vấn kỹ hơn, cho những thuốc hợp lý để giảm triệu chứng của bệnh

Câu 15: Chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng 2 kháng histamin H1 thế hệ mới Bilastine và Fexofenadine

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: 2 thuốc đều có tác dụng tốt và ít tác dụng phụ, tuy nhiên bilastine ít tác dụng không mong muốn hơn so với fexofenadine. Khi lựa chọn một thuốc, cần cân nhắc lứa tuổi được chỉ định, với trẻ từ 3 tháng tuổi có thể cân nhắc dùng fexofenadine trong điều trị mày đay, với trẻ từ 6 tuổi trở lên có thể cân nhắc dùng Bilastine trong điều trị viêm mũi dị ứng, mày đay. Với kháng histamin thế hệ 1 sẽ gây buồn ngủ, trong khi đó, thuốc kháng histamin thế hệ 2 không gây buồn ngủ nhưng một số thuốc có thể sẽ gây mất ngủ hoặc tăng cân (fexofenadine hoặc desloratadine). Bilastine không gây những tác dụng phụ này.

TS.BS Phạm Lê Duy: So sánh đối đầu trong điều trị viêm mũi dị ứng giữa bilastine và fexofenadine, bên cạnh việc bilastine ít tác dụng phụ hơn, nhóm bệnh nhân sử dụng bilastine giảm triệu chứng ở ngày đầu tiên nhanh và nhiều hơn nhóm bệnh nhân sử dụng fexofenadine. Với sử dụng bilastine, cần lưu ý dùng xa bữa ăn để đạt hiệu quả tối ưu.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Nghiên cứu cho thấy Bilaxten (bilastine) hấp thu nhanh hơn, do đó thuốc có tác dụng nhanh hơn. Tuy nhiên fexofenadine có thể dùng cho trẻ nhỏ tuổi hơn.

Câu 16: Trẻ mày đay dưới 6 tháng tuổi, ngứa nhiều nên dùng thuốc gì?

BS.CK2 Hoàng Quốc Tưởng: Trẻ dưới 6 tháng tuổi tần suất mắc mày đay rất thấp do đa phần ít bị nhiễm khuẩn mà mày đay cấp ở trẻ em nguyên nhân chính 80%-90% do nhiễm trùng. Trước 6 tháng thường các bé có kháng thể từ mẹ, nhất là những em bé bú sữa mẹ hoàn toàn nên khả năng phải sử dụng thuốc là ít gặp. Tuy nhiên nếu triệu chứng ảnh hưởng tới bé quá nhiều, thì có thể cân nhắc sử dụng fexofenadine với trẻ từ 3 tháng tuổi, hoặc desloratadine.

Câu 17: Nếu sử dụng quá nhiều kháng histamin thì ảnh hưởng thế nào? Cách sử dụng kháng histamin thế nào cho đúng?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Vai trò của BS là cần giúp bệnh nhân không dùng thuốc hoặc dùng càng ít thuốc càng tốt mà vẫn đạt hiệu quả điều trị thay vì dùng thuốc nhiều. Tuy nhiên trong các tình huống bắt buộc, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Tức là bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc, điều chỉnh liều lượng hay kéo dài thời gian sử dụng. Trong điều trị viêm mũi dị ứng hay mày đay, đôi khi phải dùng 4 tuần, thậm chí 4 tháng liên tục.

BS.CK2 Hoàng Quốc Tưởng: Trước tiên phải xem xét bệnh nhân có chỉ định sử dụng hay không, khi đã có chỉ định sử dụng cần tuân thủ về liều, thời gian để đánh giá đáp ứng của bệnh nhân với thuốc. Nếu không đáp ứng với thuốc phải đi tìm lý do tại sao trước khi nghĩ đến tăng liều hoặc đổi qua loại thuốc khác. Khi đã tìm ra được nguyên nhân thì phải giải quyết nguyên nhân đó thì mới đạt hiệu quả điều trị. Nếu bệnh nhân đã tuân thủ về liều và thời gian nhưng vẫn không đáp ứng, thì có thể cân nhắc tăng liều dựa trên những thang điểm đánh giá, và thời gian đánh giá cũng phải tối thiểu 2 tuần.

TS.BS Phạm Lê Duy: Với mày đay mãn tính thời gian điều trị có thể kéo dài 2 năm hay thậm chí 5 năm, chúng ta phải dùng thuốc ở liều thấp nhất để kiểm soát triệu chứng.

Câu 18: Khi điều trị mày đay, mỗi đợt giảm liều sẽ kéo dài bao lâu, và liều giảm mỗi lần thế nào?

BS.CK2 Hoàng Quốc Tưởng: Với trẻ em để cân nhắc tăng liều, giữ liều hay giảm liều cần đánh giá dựa trên thang điểm UCT, nếu cân nhắc giảm liều với mày đay mãn tính cũng nên đánh giá từ 2-4 tuần vì với thang điểm UCT thường hỏi trong 4 tuần vừa qua triệu chứng mày đay thế nào, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con bạn như thế nào, việc dùng thuốc đã ảnh hưởng đến việc kiểm soát mày đay thế nào. Việc tăng thế nào thì giảm giống như thế, ví dụ đang liều tăng 4 lần sẽ giảm dần xuống 3 lần, rồi 2 lần, rồi 1 lần.

Câu 19: Thời gian sử dụng kháng histamin H1 cho viêm mũi dị ứng kéo dài bao nhiêu ngày?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Các nghiên cứu và thực tế lâm sàng không chỉ ra thời gian dùng tối đa. Tuy nhiên mỗi bác sĩ sẽ đề ra mức tối thiểu để triệu chứng có cải thiện rõ rệt và ổn định trên lâm sàng là thời điểm cân nhắc giảm liều hay ngưng thuốc và khi có triệu chứng thì dùng trở lại. Trên thực tế, việc điều trị mày đay hay viêm mũi dị ứng là điều trị kéo dài, trong các bệnh lý này kháng histamin H1 không phải là điều trị duy nhất mà có thể phối kết hợp nhiều thuốc và phương pháp khác nhau. Bác sĩ điều trị nên hỏi nhiều, khám nhiều, trao đổi và tư vấn nhiều để bệnh nhân hiểu, tuân thủ điều trị.

TS.BS Phạm Lê Duy: Theo các hướng dẫn điều trị không đưa ra thời gian sử dụng tối đa. Với mày đay mãn tính có thể phải sử dụng 3 năm, 5 năm có thể kéo dài 10 năm. Tuy nhiên phải sử dụng để giảm liều tối thiểu vẫn kiểm soát được triệu chứng.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Trong điều trị viêm mũi dị ứng, người ta đưa ra mô hình hình tháp đi từ dưới lên trên: cải thiện môi trường, kháng histamin H1, corticoid xịt mũi, corticoid uống, phẫu thuật, giải mẫn cảm. Càng ở dưới trong mô hình tháp thì càng rẻ tiền nhưng khó thực hiện, càng lên cao càng mắc tiền. Nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị, chúng ra đưa lên 1 bậc thang tiếp theo và nếu đáp ứng có thể giảm một bậc thang. Vấn đề sử dụng kháng histamin bao nhiêu tùy thuộc vào kinh nghiệm  của bác sĩ và tình trạng của từng bệnh nhân.

Câu 20:  Kinh nghiệm sử dụng corticoid dạng xịt với phụ nữ có thai?

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên: Các thuốc thường ghi cân nhắc, thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai. Các nghiên cứu cho thấy corticoid dạng xịt, đặc biệt thế hệ 2 thường chỉ có tác dụng tại chỗ, ít tác dụng toàn thân nên thường không ảnh hưởng lên trên thai nhi. Nếu đã áp dụng các phương pháp không dùng thuốc nhưng không hiệu quả, bác sĩ có thể cân  nhắc chỉ định cho bệnh nhân và theo dõi đáp ứng điều trị để có thể ngừng thuốc trong thời gian sớm nhất.

TS.BS Phạm Lê Duy: Nên dùng biện pháp không dùng thuốc cho phụ nữ có thai. Còn nếu phải sử dụng thì corticoid xịt mũi hay xịt họng thường không ảnh hưởng lên thai nhi gây quái thai, bất thường thai nhi hay ảnh hưởng đến cân nặng của em bé lúc sinh.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Với bệnh nhân có thai, nhất là sau tháng thứ 5 các triệu chứng viêm mũi dị ứng thường nặng hơn do nhau thai tiết ra nhiều progesterone hơn. Do vậy bác sĩ nên giải thích cho bệnh nhân và khuyên bệnh nhân không nên dùng thuốc, hoặc chỉ dùng nước muối sinh lý hay nước muối ưu trương.

Video đầy đủ phần hỏi đáp xem TẠI ĐÂY.

Video toàn bộ buổi đào tạo trực tuyến xem TẠI ĐÂY.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X