Chỉ số xét nghiệm nội tiết của em có sao không BS?
Câu hỏi
Chào BS ạ,
Em vừa đi làm xét nghiệm nội tiết, mong BS xem giúp em các chỉ số như này có sao không ạ?
FSH : 4.83 mIU/mL
LH: 13.39 mIU/mL
Prolactin: 362.0 uIU/mL
E2: 220.0 pmol/L
Progesteron: 1.57 nmol/L
Testosteron: 3.02 nmol/l
Vợ chống em lấy nhau được nửa năm mà chưa có con nên sốt ruột quá. Em cảm ơn ạ.
Trả lời
ThS.BS Trần Anh Tuấn
Phó Giám đốc Y khoa, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn - Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn
Tư vấn xét nghiệm nội tiết. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào bạn,
Để chẩn đoán sức khỏe sinh sản của người phụ nữ cần dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm). Qua các xét nghiệm của bạn cho thấy qua các số liệu tham khảo bình thường như sau: Prolactin ở phụ nữ có giá trị bình thường: <440mIU/L (<25ng/mL), Testosterone ở phụ nữ: 15-70 ng/dL or 0.52-2.4 nmol/L, chỉ số LH/FSH<2.
Trường hợp của bạn có tăng Testosterone, chỉ số LH/FSH=2.77, nếu bạn có kinh thưa thì khả năng bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang, cần theo dõi và điều trị để giúp rụng trứng mới có thai. Bạn cứ khám chuyên khoa Hiếm muộn để được tư vấn và điều trị.
Trước hết bạn nên khám và tiêm ngừa một số bệnh như Sởi-Quai bị-Rubella, thủy đậu, viêm gan B…, uống thuốc có acid folic mỗi ngày từ 400-800 µg trước khi có thai 1-2 tháng đến khi thai được 3 tháng để phòng ngừa dị tật ống thần kinh. Bạn cũng nên tập thể dục để chuẩn bị sức khỏe khi mang thai, giảm cân nếu có dư cân.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
Hội chứng buồng trứng đa nang là bệnh gây ra do tình trạng rối loạn nội tiết và là một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh do không rụng trứng hay rối loạn phóng noãn.
Hội chứng buồng trứng đa nang chiếm tỷ lệ khoảng 6-10% phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Bệnh thường xuất hiện và tuổi dậy thì nhưng cũng có thể xuất hiện vào tuổi từ 20 đến 25.
Những phụ nữ bị buồng trứng đa nang thường là những người có sự gia tăng bất thường về nồng độ Testosterone và LH, những chất này sẽ làm gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn. Buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ (từ 6 - 10 nang < 10mm) do nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng. Nếu bệnh nhân có nhu cầu điều trị hiếm muộn: + Giảm cân đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của phương thức điều trị. + Dùng các loại thuốc kích thích sự phát triển nang noãn. Bên cạnh các phương thức điều trị nội khoa, có thể tiến hành mổ nội soi đốt điểm trên bề mặt buồng trứng.
Nguy cơ lâu dài Hội chứng buồng trứng đa nang về sau có khả năng tăng nguy cơ của một số bệnh: + Bệnh tim mạch + Tiểu đường + Ung thư nội mạc tử cung + Cao huyết áp Tóm lại, buồng trứng đa nang là một hội chứng thường gặp do không rụng trứng. Triệu chứng của hội chứng này thay đổi rất nhiều tùy thuộc từng bệnh nhân.
|