Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Chán nản, mệt mỏi, ít giao tiếp, nghĩ đến cái chết, em phải làm sao?
Câu hỏi
Chào BS, Em năm nay 25 tuổi, từ lâu rồi em cảm thấy cuộc sống này quá chán nản và vô vị, nhưng dạo gần đây, cảm giác đó cứ ngày một tăng dần. Em hoàn toàn không có hứng thú với bất kỳ việc gì, cho dù là những chuyện em thích. Em luôn cảm thấy mệt mỏi, cả người như không có năng lượng để làm gì cả. Em trở nên ít nói hơn, không muốn cười và cũng dần dần không muốn nói chuyện với ai nữa. Đi làm thì cũng trở nên chán nản, ăn cơm thì ngồi một mình, dù mọi người xung quanh nói chuyện. Thỉnh thoảng em bồn chồn và khó ngủ vào ban đêm, lúc đó các khớp xương của em rất mỏi. Dao này em hay nghĩ về cái chết, em rất ít khi nghĩ về chuyện tự tử nhưng cả ngày trong đầu em toàn ước kiểu đang đi thì bị xe tông chết, bị cái gì rơi vào đầu chết. Em cảm thấy mình rất vô dụng và luôn làm ba mẹ phiền lòng. Bạn bè ai cũng tiến bộ chỉ có mình đi thụt lùi. Nhiều khi bạn bè cũ hẹn gặp em cũng không hề muốn đi vì sợ bị hỏi những câu như "dạo này mày thế nào?". Em sợ cảm giác như càng ngày mình càng không bằng tụi nó. Em phải làm sao bây giờ?
Trả lời
Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân, chịu mở lòng và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em.
Em đang có những bất ổn nặng về tâm lý, tâm thần và cần được can thiệp sớm. Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần.
Bệnh tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Tôi nghĩ là em có bệnh lý về tâm thần, mà cụ thể hướng nhiều đến bệnh trầm cảm, bởi vì nếu chỉ đơn thuần là những bức bách trong cuộc sống thì em sẽ có thể tự điều tiết bản thân mình cho phù hợp hơn và có thể cố gắng suy nghĩ tích cực hơn, ngược lại, em lại dễ dàng buông xuôi, tự khiển trách bản thân và có xu hướng muốn tìm đến cái chết, đó chính là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Người có bệnh trầm cảm sẽ không thể giải quyết các vấn đề khó khăn về mặt tình cảm trong cuộc sống. Nếu không nhận biết sớm thì bệnh sẽ càng nặng, càng khó trị và xấu nhất là dẫn đến việc tự tử vì những lý do vốn dĩ không đáng.
Vì thế, tôi khuyên em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để nhận sự hỗ trợ của y khoa, trong đó có việc xác định chẩn đoán bệnh, mức độ bệnh, loại trừ những bệnh lý khác có thể gây ra rối loạn về tâm thần (như bệnh lý nội tiết, thần kinh trung ương...) để từ đó BS sẽ tư vấn tâm lý và kê thuốc sẽ giúp được cho em.
Thân mến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình