Hotline 24/7
08983-08983

Chàm da ở vành tai, chữa thế nào AloBacsi?

Câu hỏi

Cháu bị ngứa vành tai được 1 năm rồi. Đi khám nhiều bệnh viện ở TPHCM thì mỗi nơi chẩn đoán khác nhau như viêm tai ngoài, viêm tai zona, chàm bội nhiễm, viêm da tiết bã, dị ứng chưa xác định,v.v... Năm ngoái thì ngứa rát, gãi một hồi chảy nước xong đóng vảy, cháu bóc ra nó lại ngứa và chảy nước tiếp. Năm nay thì đỡ ngứa hơn, gãi vành tai không còn chảy nước nữa nhưng mỗi lần tập thể dục là tai nóng và đỏ ửng lên. Mong bác sĩ tư vấn giúp ạ.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Ngứa ngáy và nổi mảng sần khi bị chàm da vùng tai

Chào bạn,

Bệnh chàm da ở vùng tai không phải là hiếm gặp. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh chàm hiện nay chưa được rõ. Người bị chàm đa phần là do cơ địa quá nhạy cảm. Số còn lại chưa xác định được dị nguyên gây chàm nhưng lại có vẻ liên quan đến stress tâm lý.

Ở những bệnh nhân này, khi trạng thái tinh thần u uẩn, có biểu hiện lo âu, thiếu ngủ thì dường như bệnh lại tái phát hoặc bị nặng thêm. Chàm tai thường thấy ở vành tai, ở ống tai ngoài và ở phần da chung quanh với hình thái tổn thương đa dạng. Triệu chứng chủ yếu là ngứa ngáy với các mảng sần da không đồng nhất và dễ tái phát.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, da tại chỗ ửng đỏ và xuất hiện nhiều mụn nước. Khi mụn nước vỡ ra để lại tổn thương loét trợt và rỉ dịch. Bề mặt tổn thương sẽ khô dần và tạo vảy. Sau đó, vùng da này sẽ dày lên và thô nhám. Qua một thời gian, tổn thương có thể biến mất và thường không để lại sẹo.

Muốn khỏi bệnh thì phải tìm được nguyên nhân của bệnh, tức là dị ứng nguyên. Bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm có thể gây dị ứng như: hải sản, thịt bò, gà, thực phẩm lên men, sữa chua, nấm, bia, rượu, đồ hộp... Hạn chế tiếp xúc hóa chất (thuốc tẩy, xà phòng...).

Trong quá trình lao động, vận động, tập luyện, mồ hôi ẩm ướt cũng có thể khiến chàm xuất hiện, nên giữ môi trường sống thoáng mát, tóc cắt ngắn, vệ sinh sạch sẽ.

Các biện pháp tập luyện tăng cường sức khoẻ rất tốt cho hệ miễn dịch, giúp cơ thể thích nghi và tự điều chỉnh. Nếu không khỏi, bạn nên quay lại tái khám chuyên khoa Da liễu để bác sĩ kê toa 1 đợt thuốc điều trị, để giảm triệu chứng và phòng ngừa nhiễm trùng bạn nhé!

Thân mến.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X