Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân hen suyễn, COPD lên cơn khó thở, xử trí như thế nào?

Câu hỏi

Kính chào bác sĩ! Bệnh nhân hen suyễn, COPD gặp tình trạng khó thở ở mức độ nào là nguy cấp, cách xử trí ra sao, thưa bác sĩ? Có cần dùng tới máy trợ thở không? Hay nên mua thêm máy trợ thở để sẵn trong nhà ạ? Mong được bác sĩ tư vấn.

Trả lời

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan

BS chuyên khoa Hô hấp, BV ĐHYD TP.HCM - Bệnh viện đại học Y dược TPHCM

lên cơn hen suyễn

Khi lên cơn hen suyễn cần sử dụng bình xịt định liều

Chào bạn,

Đây là vấn đề lớn. Với hen suyễn, COPD thường bác sĩ sẽ cung cấp cho bệnh nhân bảng yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng khó thở, lên cơn, nặng ngực để họ phòng tránh. Đối với 2 bệnh lý này, không phải uống thuốc là trị hết được mà nó chỉ đóng vai trò 50%, còn lại 50% là phòng tránh.

Hen suyễn thì phức tạp hơn, nhiều khi không xác định được bệnh nhân dị ứng với những dị nguyên trong không khí hay mạt nhà, thức ăn thì bác sĩ sẽ tiến hành làm test như đưa dị nguyên vào trong da kiểm tra phản ứng hoặc lấy máu để thử các IgE đặc hiệu nhằm xác định yếu tố gây dị ứng ở bệnh nhân.

Tôi muốn nhấn mạnh, xúc động là một yếu tố nguy cơ để lên cơn. Vì vậy trong thời điểm này, mặc dù là cần cảnh giác nhưng phải hết sức bình tĩnh. Hiện, trong công văn mới của Bộ Y tế đã cho phép bệnh nhân có thể nhận 2 tháng thuốc để không phải tới bệnh viện thường xuyên. Và những người lớn tuổi có thể được khám tại nhà, hoặc có thể nhờ người thân nhận thuốc tại nhà.

Vì vậy đối với hen suyễn và COPD, việc đầu tiên là chúng ta cần có thuốc đầy đủ ở nhà. Thứ hai nếu bị kích phát (do hít nhầm, ăn nhầm hoặc tức giận) và lên cơn thì cần sử dụng bình xịt định liều, xịt 1 nhát, 2 nhát. 20 phút sau, nếu chưa cắt cơn thì xịt thêm 2 nhát nữa.

Đối với trẻ em, hoặc với người lớn tuổi không ngậm chặt bình xịt, người thân có thể sử dụng buồng đệm, như vậy là đủ. Sau 6 nhát mà không hết thì cần đưa đi cấp cứu.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, bình xịt định liều cộng với buồng đệm tương đương với máy phun khí dung. Đó là lý do tôi luôn khuyên bệnh nhân của mình không nên bỏ tiền triệu để mua máy khí dung, vì nhiều yếu tố:

- Thứ nhất, nó mắc tiền.

- Thứ hai, máy khí dung rất cồng kềnh, ít nhất từ 0,5kg trở lên nên sẽ không thuận tiện khi phải di chuyển.

- Thứ ba, nó chạy bằng điện và lỡ chẳng may mất điện thì rất đáng lo ngại.

- Thứ tư, thời gian phun rất lâu, 15-20 phút mới hết một liều thuốc, trong khi đó chỉ cần xịt 1 nhát, 2 nhát thì đã đưa thuốc vào phổi.

- Thứ năm rất quan trọng, thường những nồng độ thuốc đưa vào máy phun khí dung là mạnh, nặng hơn các nhát thuốc, vì vậy có thể làm trì hoãn việc bệnh nhân đi cấp cứu, đó là điều rất nguy hiểm.

- Cuối cùng, tôi cũng không rõ bệnh nhân có giữ vệ sinh cho máy phun khí dung đúng cách hay không.

Vì vậy, chúng ta cần dùng thuốc đầy đủ, biết các yếu tố nguy cơ đối với mình để tránh, đi đâu cũng mang theo thuốc cắt cơn, sau 6 nhát cắt cơn trong vòng 1 giờ mà không hết thì cần đưa đi cấp cứu.

Về vấn đề mua máy trợ thở ở nhà là không cần thiết. Ở Việt Nam hiện nay bác sĩ chỉ cho dùng máy thở áp lực dương liên tục CPAP đối với những bệnh nhân bị ngưng thở do tắc nghẽn lúc ngủ mà thôi.

Những máy này sẽ phóng những luồng khí vào với một thể tích, áp lực khí nhất định. Vì vậy muốn dùng máy thở bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh việc dùng máy trợ thở cho bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ thì chiếc máy này cũng được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 khi họ bị suy hô hấp. Để xác định bệnh nhân suy hô hấp hay không thì phải lấy máu động mạch và thử áp lực oxy ở trong đó, nếu dưới 60 mmHg thì mới cần máy trợ thở.

Việc sử dụng máy trợ thở cũng rất phức tạp, bác sĩ phải xác định thể tích, áp lực đúng và đủ để không tổn hại tới phổi, không cản trở tuần hoàn.

Chính vì vậy, người bệnh không nên lo lắng quá mức về việc phải mua máy phun khí dung hay mua máy trợ thở đặt ở nhà.

Chỉ có một dụng cụ được phép dưới sự chỉ định của bác sĩ là oxy, nhưng chỉ với những bệnh nhân quá nặng. Nhân viên y tế phải đo khí máu động mạch 2 lần dưới 60 mmHg hoặc dưới 55 mmHg thì mới có chỉ định dùng oxy tại nhà. Vì việc sử dụng oxy tại nhà cũng nguy hiểm, nó là chất gây nổ. Mua bình oxy cũng giống như "trữ" một quả bom trong nhà. Vì vậy có những máy tạo oxy, trích oxy từ không khí thì sẽ an toàn hơn.

Nói chung, bệnh nhân hen và bệnh nhân COPD dù ở trong thời buổi COVID-19 như thế này thì hết sức cảnh giác nhưng cũng cần bình tĩnh, dùng thuốc như bác sĩ đã cho, đi đâu cũng mang thuốc cắt cơn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, không đưa tay lên mắt-mũi-miệng, ăn uống tốt là đủ rồi. Không cần phải mua sắm những máy móc như tôi đã đề cập.

Thân mến.

(Trích từ Livestream PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Người bệnh hô hấp, hen, COPD cần bảo vệ mình trước đại dịch COVID-19)

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X