Ảnh minh họa
Chào em,
Giai đoạn tăng chiều cao tối đa là giai đoạn dậy thì, dao động quanh mốc 12-13 tuổi ở nữ và 14-15 tuổi ở nam nhưng có người dậy thì muộn hơn có người dậy thì sớm hơn thì mốc này sẽ khác. Sau 2 năm từ khi xuất hiện đầy đủ các biểu hiện của dậy thì, chiều cao sẽ tăng chậm lại đáng kể và nhiều trường hợp là ngừng tăng.
Các yếu tố chính quyết định chiều cao bao gồm yếu tố di truyền, cân bằng nội tiết, chủng tộc, tập luyện thể lực, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt. Nhìn chung, tất cả mọi người đều sẽ ngừng tăng chiều cao ở mốc tuổi 25.
Do đó, ở độ tuổi 14, nếu em đã có đầy đủ các dấu hiệu của dậy thì (vỡ giọng, có râu, đầy đủ lông ở bộ phận sinh dục...) thì việc tăng chiều cao thêm 9cm trong 10 năm nữa là 1 việc rất khó đạt được, dù cho em có tập luyện tối đa kết hợp chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt đi nữa. Tuy nhiên, nếu em tích cực tập luyện thể lực, kết hợp với chế độ ăn giàu dưỡng chất cùng sinh hoạt khoa học thì có thể đạt đến ngưỡng chiều cao lý tưởng nhất (của cá nhân em).
Nếu chiều cao của mình quá thấp so với cả gia đình ai cũng cao, chỉ có em là không được như vậy thì em nên khám thêm tại chuyên khoa nội tiết xem mình có nguy cơ bị thiếu hụt hormone tăng trưởng hay không. Sau đó bác sĩ nội tiết sẽ hướng dẫn em các cách cụ thể để cải thiện chiều cao.
Một cách tổng quát chung thì để hỗ trợ tăng chiều cao tối ưu, đối với tập luyện thể lực thì em nên ưu tiên các môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội; với dinh dưỡng thì nên uống 1-2 ly sữa tươi hằng ngày để bổ sung đầy đủ canxi và dưỡng chất, việc dùng thêm thuốc canxi hỗ trợ kéo dài liên tục nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để tránh dư thừa; sinh hoạt hằng ngày quan trọng nhất là ngủ sớm trước 10 giờ tối, ngày ngủ đủ 7-8 tiếng, em nhé.