Hotline 24/7
08983-08983

Huyết tương trắng đục như sữa, mỡ máu tăng vọt gấp 10 lần do tự ý dùng thuốc trị tiểu đường

Sau khi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, một nam nhân viên văn phòng nhận được kết luận bị béo phì độ 2, đái tháo đường type 2 kiểm soát kém, Triglyceride máu cực cao và tăng huyết áp. Được biết bệnh nhân luôn chủ quan, tự ý mua thuốc tiểu đường về dùng, đồng thời không có thói quen tập luyện thể thao.

Anh L.M.T (nam, 30 tuổi, sống tại TPHCM) cho biết, đặc thù công việc nhân viên văn phòng khiến anh T không có thói quen tập luyện thể thao. Anh từng được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp cách đây 1 năm nhưng lại tự mua thuốc điều trị.

Trong một tháng gần đây, anh thường xuyên cảm thấy buồn ngủ, ngủ nhiều, uể oải, hay quên và phản xạ chậm, tuy nhiên không có dấu hiệu yếu liệt tay chân hay tiểu đêm. Dù vậy, anh không lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình và vẫn duy trì uống thuốc tiểu đường tự mua.

Vào tháng 8/2024, anh đến khám tại Ngọc Minh để kiểm tra sức khỏe định kỳ theo yêu cầu của công ty. Cân nặng của anh T là 99kg với chiều cao 1m73 (chỉ số khối cơ thể 33,1) - xếp loại béo phì.

Kết quả xét nghiệm trước khi điều trị (Ảnh: Phòng khám cung cấp)

Kết quả xét nghiệm ghi nhận đường huyết 270 mg/dL, HbA1c 11.5%, nước tiểu có chứa đường. Đặc biệt, chỉ số triglyceride (mỡ máu) rất cao, lên đến 24.19 mmol/l, gấp 10 lần trị số bình thường (2140 mg/dL), huyết thanh đục như sữa.

Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết tại Ngọc Minh kết luận bệnh nhân bị béo phì độ 2, đái tháo đường type 2 kiểm soát kém, triglyceride máu cực cao và tăng huyết áp. Ngay lập tức, các bác sĩ đã xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống phù hợp cho người mắc tiểu đường và triglyceride máu cao, nhằm tránh nguy cơ hạ đường huyết khi sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết trong quá trình làm việc và lái xe. Đồng thời, bệnh nhân cũng được hướng dẫn sử dụng thuốc để kiểm soát nồng độ triglyceride, giúp ngăn ngừa các biến chứng do triglyceride tăng cao. Bên cạnh đó, đơn vị Nội tiết - Béo phì còn hướng dẫn bệnh nhân một chế độ tập luyện thích hợp để giảm cân, giúp giảm nguy cơ biến chứng về khớp, tim mạch cho những người mắc tiểu đường kèm béo phì.

Kết quả xét nghiệm sau khi điều trị (Ảnh: Phòng khám cung cấp)

Kết quả tái khám sau 1 tuần điều trị đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực đầu tiên: bệnh nhân hết buồn ngủ, hết uể oải, tinh thần tỉnh táo, tập trung làm việc tốt. Triglyceride máu chỉ còn 5.39 mmol/l (477 mg/dl), giảm đáng kể so với mức trước khi điều trị. Bệnh nhân được hẹn lịch tái khám vào 1 tháng sau.

BS.CK1 Trương Phước Tân - Chuyên khoa Nội tiết - Tiểu đường, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, khoảng 80% những người bị bệnh đái tháo đường có hàm lượng triglyceride cao. Đây là một trong số những thành phần của hội chứng chuyển hóa, như  tăng đường huyết, huyết áp cao, HDL - cholesterol thấp..., thủ phạm gây tăng bệnh tim, đột quỵ và nhiều chứng bệnh mạn tính khác.

Chuyên gia khuyến cáo, khám định kỳ là cần thiết để kiểm soát bệnh. Bệnh nhân đái tháo đường và tăng triglycerid máu cần khám định kỳ ít nhất 1-2 tháng/lần để theo dõi sát sao các chỉ số quan trọng như đường huyết, mức triglycerid, huyết áp và chức năng gan, thận.

Đồng thời, khám định kỳ giúp phát hiện sớm các biến chứng tiềm ẩn như bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, hoặc tổn thương mạch máu, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời và còn giúp quản lý hiệu quả tình trạng đái tháo đường, tăng triglycerid máu, bảo vệ sức khỏe lâu dài của bệnh nhân.

Triglyceride là gì?

Triglyceride là các phân tử chất béo tạo nên phần lớn các chất béo trong cơ thể. Cùng với cholesterol, triglyceride là những chất béo lưu thông trong máu. Thuật ngữ y học gọi đây là căn bệnh triglyceride cao (hypertriglyceridemia), còn gọi là mỡ máu cao.

Nếu xét nghiệm máu lúc đói, triglyceride bình thường là dưới 150mg/dL. Mức triglyceride từ 150 - 199mg/dL được xem là giới hạn cao, mức cao là từ 200 - 499mg/dL và trên 500mg/dL được xem là cực cao.

Các nguyên nhân tăng Triglyceride

Theo BS.CK1 Trương Phước Tân - Chuyên khoa Nội tiết - Tiểu đường, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, có rất nhiều nguyên nhân làm cho Triglyceride tăng cao, trong đó có các nguyên nhân phổ biến dưới đây:

- Không kiểm soát được đái tháo đường type 2, ăn nhiều calo hơn khả năng tiêu hao của cơ thể, tiêu thụ nhiều carbohydrate.

- Béo phì: không phải là điều kiện “tiên quyết” làm tăng triglyceride, nhưng nó lại có sự tương quan nguy hiểm và làm tăng Triglyceride máu. Sự tương quan nguy hiểm ở đây chính là chu vi vòng bụng và mức tăng triglyceride, điều này còn nguy hiểm hơn cả chỉ số khối lượng chung của cơ thể (BMI).

- Đề kháng insulin dẫn đến tình trạng bệnh tiểu đường không kiểm soát được. Nếu bệnh đái tháo đường không được kiểm soát có thể làm tăng triglyceride.

- Di truyền: Theo nhiều nghiên cứu, nồng độ cholesterol HDL thấp (mỡ máu tốt) và triglyceride cao là những yếu tố mang tính di truyền và là thủ phạm làm tăng bệnh đái tháo đường type 2. Nếu một thành viên trong các gia đình có hiện tượng xanthoma hoặc mỡ vàng dưới da thì những người còn lại cũng có nguy cơ mắc bệnh triglyceride cao.

- Suy giáp: Nếu triglyceride và cholesterol cao, rất có thể đây là dấu hiệu báo cho biết hormone tuyến giáp thấp.

- Thuốc chữa bệnh: Một số loại thuốc chữa bệnh, thuốc tránh thai, estrogen, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, corticoid, retinoid, thuốc ức chế protease, và tamoxifen... đều có thể làm tăng triglyceride.

- Thực phẩm: Các loại đường, ngũ cốc chế biến kỹ, rượu, và nhóm thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là những chất béo bão hòa và chất béo trans-fat (mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần).

Các biến chứng của tăng triglycerid máu

- Viêm tụy cấp: Triglycerid tăng quá cao có thể gây viêm tụy cấp. Triglycerid cao chiếm tới 10% trong các nguyên nhân gây viêm tụy, đặc biệt khi triglycerid tăng cao trên 10mmol/L (880mg/dL). Nhiều trường hợp xảy ra viêm tụy ngay cả khi triglycerid chỉ 5 - 10mmol/l (440 - 880mg/dL).

- Bệnh tim mạch bao gồm bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Lượng triglycerid cao trong máu có thể thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch (tích tụ mảng bám trong động mạch), làm giảm lưu thông máu và tăng nguy cơ bị các biến cố tim mạch.

- Gan nhiễm mỡ là một tình trạng trong đó mỡ tích tụ trong tế bào gan. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc thậm chí ung thư gan.

- Đề kháng insulin đái tháo đường type 2.

- Hội chứng chuyển hóa.

Tăng triglycerid là một trong những dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa, một nhóm các yếu tố nguy cơ bao gồm béo phì, tăng huyết áp, đường huyết cao và mức cholesterol bất thường. Hội chứng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có đội ngũ chuyên gia bao gồm phó giáo sư, tiến sĩ và các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết với nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị đái tháo đường và rối loạn lipid máu. Với phương pháp chẩn đoán hiện đại và phác đồ điều trị tối ưu, đơn vị cam kết mang đến cho bạn sự chăm sóc toàn diện nhất, giúp kiểm soát bệnh tật hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X