Hotline 24/7
08983-08983

Hướng dẫn điều trị đái tháo đường type 2 cho người cao tuổi năm 2022 có những điểm mới nào cần lưu ý?

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, nguy cơ khởi phát đái tháo đường đều có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào. Tuy nhiên, bắt đầu từ 50 tuổi trở lên, tỷ lệ đái tháo đường gia tăng ở cả nam và nữ. Đặc biệt, trong nhóm tuổi từ 60 tuổi đến 79 trở lên, tỷ lệ đái tháo đường cao nhất.

Chuyên gia nhấn mạnh, việc điều trị đái tháo đường cho người cao tuổi là vấn đề quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe và đặc biệt là các bệnh lý mạn tính. Các nghiên cứu đã chứng minh có mỗi tương quan giữa đái tháo đường và tuổi tác. Chính vì vậy, điều trị đái tháo đường trên người lớn tuổi cần cân nhắc về đặc điểm lâm sàng.

“Người cao tuổi thường đối diện với sự suy giảm chức năng của các cơ quan, điều này dẫn đến vấn đề cốt lõi là sự suy giảm chức năng tế bào beta tụy, cũng như việc điều hòa hormone các trong cơ thể.

Bên cạnh đó, người lớn tuổi thường có tỷ lệ béo phì cao. Do đó, tất cả các tình trạng đề kháng insullin, tình trạng viêm mãn tính, suy giảm chức năng tế bào beta tụy cũng như điều hòa hormone incretin để đáp ứng ổn định đường huyết sẽ có sự tương tác với tuổi.

Như vậy, giảm tiết insullin và tính đề kháng insullin ngày một tăng, đưa đến tình trạng tăng đường huyết mãn tính và tổn thương các mạch máu lớn-nhỏ” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào cho biết.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào - Phó chủ tịch Hội Nội tiết - Ðái tháo đường Việt Nam, Phó Giám đốc chuyên môn Bv Tim Tâm Đức, phụ trách Nội tiết - Chuyển hóa - Dinh dưỡng là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này tại Việt Nam với nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị

1. Cần tầm soát hội chứng lão khoa, sàng lọc chức năng nhận thức thần kinh ở người lớn tuổi mắc đái tháo đường

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, Hướng dẫn chăm sóc y khoa tiêu chuẩn năm 2022 của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ mang lại 8 điểm mới, trong đó có 6 điểm mới quan trọng. Đặc biệt, trong đó có sự thay đổi trong việc chăm sóc cho các đối tượng đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.

Riêng đối với guideline trong điều trị người cao tuổi có nhiều điểm đặc biệt được nhấn mạnh. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào cho rằng, nếu trước kia khi gặp bệnh nhân đái tháo đường, thầy thuốc chỉ quan tâm đến hồ sơ xét nghiệm sinh hóa, chỉ số đường huyết, chức năng gan-thận, tuy nhiên trong hướng dẫn mới cho thấy, cần chú ý cả vấn đề tâm lý, chức năng (khả năng tự quản lý) và các lĩnh vực ở người lớn tuổi để cung cấp khuôn khổ xác định mục tiêu và phương pháp điều trị để quản lý đái tháo đường.

Bên cạnh đó, khi điều trị bệnh đái tháo đường trên người lớn tuổi cũng cần tầm soát hội chứng lão khoa (tức là đa bệnh lý, suy giảm nhận thức, trầm cảm, tiểu không kiểm soát, té ngã, đau dai dẳng và ốm yếu). Đồng thời phải sàng lọc chức năng nhận thức thần kinh để phát hiện sớm suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ nhẹ, nên thực hiện cho người lớn từ 65 tuổi trở lên ở lần khám đầu tiên, hàng năm và khi thích hợp. Đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến việc tự quản lý bệnh đái tháo đường và làm giảm chất lượng cuộc sống.

“Một vấn đề khác được nhắc đến nhiều trong hướng dẫn mới, đó là người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ hạ đường huyết cao hơn người trẻ tuổi. Vì vậy, cần xác định chắc chắn và xử trí tình trạng hạ đường huyết khi thăm khám định kỳ. Đối với người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường type 1 nên theo dõi đường huyết liên tục để giảm tình trạng hạ đường huyết” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào nói.

2. Cần lưu ý hạ đường huyết khi ngủ ở người lớn tuổi mắc đái tháo đường

Về mục tiêu điều trị đái tháo đường ở người lớn tuổi, Hướng dẫn chăm sóc y khoa tiêu chuẩn năm 2022 của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ cũng có nhiều điểm thay đổi. Trong đó, mục tiêu đường huyết đối với một số người lớn tuổi có thể được nới lỏng một cách hợp lý, chỉ cần không hạ đường huyết và không tăng đường huyết quá mức.

Cụ thể, với người lớn tuổi khỏe mạnh với ít bệnh mạn tính cùng tồn tại và chức năng nhận thức, tình trạng chức năng còn tốt nên có mục tiêu đường huyết thấp hơn (chẳng hạn như HbA1C dưới 7,0 - 7,5% [53-58 mmol/ mol]). Trong khi những người lớn tuổi mắc nhiều bệnh mạn tính, suy giảm nhận thức hoặc phụ thuộc chức năng nên có các mục tiêu đường huyết ít nghiêm ngặt hơn (chẳng hạn như HbA1C dưới 8,0 % [64 mmol/mol]).

“Quan trọng nhất là phải xem xét mức đường huyết đêm trước khi đi ngủ là 80-100 mg/dL. Nhóm trung bình mức đường huyết trước khi đi ngủ là từ 100-180 mg/dL. Ở nhóm người rất yếu, đường huyết trước khi đi ngủ là từ 110-200 mg/dL. Chúng tôi nhấn mạnh vấn đề này, bởi bệnh nhân thường bị hạ đường huyết khi ngủ rất nhiều” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào cho biết.

Chính vì nguy cơ hạ đường huyết cao, do đó PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào nhấn mạnh, đối với việc điều trị thuốc, nên ưu tiên lựa chọn các nhóm thuốc có nguy cơ hạ đường huyết thấp. Lưu ý, các phác đồ điều trị ở người lớn tuổi nên đơn giản hóa, đặc biệt là với phác đồ insullin, bởi vì thực tế việc điều điều trị quá mức đối với bệnh đái tháo đường thường gặp ở người lớn tuổi.

Ngoài ra, việc tầm soát các biến chứng đái tháo đường nên được cá nhân hóa ở người lớn tuổi. Cần đặc biệt chú ý đến các biến chứng có thể dẫn đến suy giảm chức năng. Đồng thời, việc điều trị tăng huyết áp, các yếu tố nguy cơ tim mạch nên được cá nhân hóa mục tiêu ở người lớn tuổi, xem xét khung thời gian có lợi và dựa vào kỳ vọng sống của bệnh nhân.

Cuối cùng là cân nhắc chi phí chăm sóc và các quy tắc chi trả bảo hiểm khi xây dựng kế hoạch điều trị để giảm rủi ro chi phí cho bệnh nhân, bởi họ không có thu nhập hoặc kinh tế phụ thuộc vào người thân.

3. Người lớn tuổi vẫn có thể hoạt động aerobic, tập tạ và tập kháng lực

Bên cạnh những thay đổi mục tiêu trong giải pháp điều trị, chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý về quản lý lối sống. Trong đó, quan trọng nhất là dinh dưỡng tối ưu và lượng protein được khuyến khích cho người lớn tuổi. Tiếp theo là nên khuyến khích tập thể dục thường xuyên, bao gồm cả hoạt động aerobic, tập tạ và/ hoặc tập kháng lực, ở tất cả những người lớn tuổi có thể tham gia các hoạt động này một cách an toàn.

“Xưa nay nghe nói người già tập tạ là chúng ta can ngay lập tức, nhưng nếu như an toàn thì có thể áp dụng. Đối với người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường type 2, thừa cân/ béo phì và có khả năng tập thể dục an toàn, một can thiệp lối sống chuyên sâu tập trung vào thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, giảm cân vừa phải (ví dụ 5-7%) mang đến các lợi ích trong nâng cao chất lượng cuộc sống, chức năng vận động, hoạt động thể chất, kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch và chuyển hóa” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào nói.

Cuối cùng, chuyên gia nhấn mạnh lại, trong điều trị đái tháo đường ở người lớn tuổi, giới hạn đường huyết 8,5% đã bị xóa bỏ đối với những người có nhiều tình trạng đồng phát cùng tồn tại. Điểm quan trọng cần nhớ, những người dùng metformin dài hạn nên theo dõi tình trạng thiếu vitamin B12.

Trên đây là những thông tin được PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào - Bệnh viện Tim Tâm Đức đưa ra trong bài báo cáo “Điều trị đái tháo đường type 2 cho người cao tuổi: Những điểm mới trong mục tiêu và giải pháp” tại hội nghị khoa học thường niên năm 2022 của Liên chi hội Lão khoa TPHCM.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X