Hotline 24/7
08983-08983

Hơn 1.500 nhân viên y tế tề tựu về hội nghị lão khoa năm 2022 tại Lâm Đồng

Ngày 15/4/2022, những cơn mưa nặng hạt của TP Đà Lạt, Lâm Đồng cũng không ngăn được bước chân của hơn 1.500 nhân viên y tế đến tham dự Hội thảo khoa học thường niên 2022 “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý người cao tuổi” do Liên Chi hội Lão khoa TPHCM tổ chức.

150 bài báo cáo chất lượng đến từ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Liên chi hội Lão khoa TPHCM nhận định, so với những năm trước, hội nghị lão khoa thường niên năm 2022 có quy mô lớn hơn. Chương trình mở cửa tự do, chào đón nhân viên y tế trên toàn quốc đến tham dự, vì vậy ngoài 1.500 đại biểu đăng ký chính thức, hội thảo còn nhận được sự quan tâm của nhiều bác sĩ trong khu vực Lâm Đồng.

“Sở dĩ hội nghị nhận được sự đón nhận lớn là bởi đây là hội thảo offline đầu tiên trong năm nay sau một thời gian dài vì dịch bệnh, hàng loạt hội nghị phải chuyển sang online. Địa điểm tổ chức hội thảo cũng khá thú vị, với khí hậu trong lành của Đà Lạt và dịch COVID-19 được kiểm soát tốt cũng giúp các bác sĩ giảm stress bên cạnh việc cập nhật kiến thức, trau dồi kinh nghiệm”.

Chia sẻ thêm về điểm thú vị của hội nghị năm 2022, Chủ tịch Liên chi hội Lão khoa TPHCM cho biết, năm nay nhiều thạc sĩ cũng đăng ký tham gia báo cáo, song do số lượng quá nhiều và để đảm bảo chất lượng,hầu hết các bài báo cáo đều được biên soạn từ giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ.

Trong 3 ngày diễn ra hội nghị, từ 15/4/ - 17/4, rất nhiều vấn đề mật thiết liên quan đến sức khỏe người cao tuổi được nêu bật với 5 hội trường diễn ra song song,150 bài báo cáo từ vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là hậu COVID-19, đến các vấn đề kinh điển ở người cao tuổi như Tim mạch, Đái tháo đường, Tiền đái tháo đường, COPD, Đột quỵ, Bệnh gout, Cúm mùa, Tâm lý - Tâm thần...

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Liên chi hội Lão khoa TPHCM phát biểu khai mạc hội nghị thường niên 2022PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Liên chi hội Lão khoa TPHCM phát biểu khai mạc hội nghị thường niên 2022

alobacsi PGS.TS.BS Phạm Nguyễn VinhHội nghị với 150 bài báo cáo, trong có có những bài báo cáo khoa học thú vị đến từ các chuyên gia đầu ngành như PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trong lĩnh vực tim mạch...

alobacsi PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Hô hấpPGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Hô hấp

alobacsi Thân Hà Ngọc ThểHội nghị cung cấp đa dạng các vấn đề trên người cao tuổi, từ Hô hấp, Nhiễm, Tim mạch...

... đến bệnh lý đái tháo đường, tiền đái tháo đường...

AloBacsi tham dự và đưa tin về Hội nghị Lão khoa 2022AloBacsi tham dự và đưa tin về Hội nghị Lão khoa 2022

Ngoài ra, trong ngày cuối cùng diễn ra Hội nghị cũng có 4 bài báo cáo bằng tiếng Anh. Đây là "đặc sản" được Liên chi hội Lão khoa TPHCM duy trì từ năm 2017, là sự khích lệ các bác sĩ trẻ trong việc hăng say nghiên cứu, sử dụng tiếng Anh như một phương tiện để nghiên cứu, cập nhật kiến thức của đồng nghiệp các nước mỗi ngày. Kỹ năng này còn giúp các bác sĩ tự tin tham gia, báo cáo tại các hội nghị quốc tế.

Hậu COVID-19, không chỉ định xét nghiệm ồ ạt

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn cuối của COVID-19, song lại đang ở giai đoạn đầu hậu COVID-19” - Đây là thông tin mở đầu trong phần báo cáo “Nhiễm SARS-CoV-2 và hậu COVID-19, nên làm gì?” của PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí. Trong đó nhấn mạnh, người lớn tuổi có yếu tố nguy cơ cao nhất. Nguyên nhân sâu xa là do sự tích tuổi, không liên quan đến đa bệnh, dù khỏe mạnh hay yếu thì đều tăng yếu tố tăng đông và tăng viêm - điểm mấu chốt dẫn đến sự suy yếu và tình trạng nặng nề hơn sau khi mắc COVID-19.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí nhắc lại, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.

Chủ tịch Liên chi hội Lão khoa TPHCM nhấn mạnh, để chẩn đoán hậu COVID-19 điều quan trọng nhất là lắng nghe, khai thác tiền sử, bệnh sử, qua đó xác định triệu chứng và mục tiêu điều trị. Hậu COVID-19, thầy thuốc, bác sĩ lâm sàng đều có thể điều trị được, không nhất thiết phải đẩy lên chuyên khoa.

Ngoài ra, không nên lạm dụng các cận lâm sàng, không chỉ định xét nghiệm ồ ạt để tránh tốn kém cho bệnh nhân, trong đó đo pulse oximeter và orthostatic là đủ để chẩn đoán. “Bởi thực tế, ít khi nào phải cần đến cận lâm sàng để chẩn đoán, việc thăm hỏi, quan sát triệu chứng của bệnh nhân là quan trọng nhất mà người thầy thuốc phải lưu ý” - PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí cho hay.

Trong một số trường hợp nếu cần thiết có thể sử dụng các xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu như công thức máu, chức năng gan, xét nghiệm D-dimer chẩn đoán huyết khối trong máu hoặc CT, MRI.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí, hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về hậu COVID-19. Việc điều trị chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của các chuyên gia và cá thể hóa từng bệnh nhân. Ưu tiên giải quyết, điều trị triệu chứng để cải thiện hoạt động sống, chất lượng sống của bệnh nhân.

Một vấn đề khác được chuyên gia lưu ý, đó là cơ chế xuất hiện huyết khối hậu COVID-19. Mặc dù cơ thể có cơ chế “tiêu sợi huyết tự thân” để giải quyết khuyết khối, song nếu cơ chế này không hoạt động hiệu quả có thể làm tình trạng bệnh nhân nặng lên, thậm chí là gây tắc mạch, nguy hiểm cho người bệnh.

Vì vậy, theo kinh nghiệm của PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí, nếu bệnh nhân có nguy cơ cao huyết khối, điều tiên quyết là xử trí sớm, cân nhắc sử dụng thuốc kháng đông, đừng chờ đến khi hình thành huyết khối mới giải quyết, vì nếu can thiệp muộn, hiệu quả sẽ giảm.

alobacsi hội nghị lão khoa 2022 Lâm đồngHội nghị lão khoa 2022 diễn ra song song tại 5 hội trường

Phương Nguyên - ảnh Viết Hưởng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X