Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị Tim mạch Can thiệp Công nghệ cao: Đa dạng nội dung, cập nhật chuyên sâu về các phương pháp điều trị bệnh lý về tim mạch

Trong phiên 2 của Hội nghị tim mạch công nghệ cao do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức đã diễn ra 6 bài báo cáo với nội dung chuyên sâu về các phương pháp ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị và can thiệp các vấn đề về tim mạch.

Trước đó, trong phiên 1 của Hội nghị được diễn ra vào sáng ngày 21/2 với 10 bài báo cáo tiếng anh đến từ các chuyên gia nước ngoài xoay quanh nội dung về cập nhật các phương pháp điều trị bệnh lý tim mạch như: Cập nhật bệnh cơ tim phì đại, Đóng thông liên nhĩ & ống động mạch ở trẻ sinh non tháng, Tăng huyết áp phổi ở trẻ, Các lựa chọn điều trị bệnh van động mạch phổi và những quan tâm… Các chuyên gia đến từ Hiệp hội ghép tim và phổi quốc tế, Bệnh viện Nhi Los Angeles, Bệnh viện Tim mạch Đại học Virginia - Charlottesville, Trường Y khoa Đại học Virginia - Charlottesville... đã mang đến những thông tin mới và cập nhật về sự phát triển liên tục trong điều trị bệnh lý về tim mạch.

Trong phiên 2 diễn ra vào chiều ngày 21/2, các chuyên gia đem đến những bài báo cáo chuyên sâu về ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong điều trị bệnh lý mạch vành, tạo cơ hội để các nhân viên y tế có thể thảo luận, cập nhật các hướng dẫn điều trị, trao đổi kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng với các chuyên gia và đồng nghiệp.

Bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ tim mạch lên đến 34%

Đến với bài báo cáo “Kiểm soát nguy cơ tim mạch trên bệnh nhân đái tháo đường type 2”,  ThS.BS Diệp Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam thông tin: “Như chúng ta đã biết đái tháo đường hiện nay trên thế giới vẫn là một vấn đề hết sức thời sự. Tính đến thời điểm hiện tại dịch tể của đái tháo đường type 2 trên toàn thế giới khoảng trên 400 triệu người, tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, tình trạng đái tháo đường dịch tể cũng ngày một gia tăng”.

ThS.BS Diệp Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam nhận định sử dụng thuốc ức chế SGLT2i giúp phòng ngừa tình trạng do suy tim của bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Nhìn lại khoảng những năm 90, tỷ lệ bệnh đái tháo đường trên toàn Việt Nam chỉ gần 2% nhưng đến thời điểm những năm 2000 đã tăng 7%. Như vậy, nguy cơ về bệnh tim mạch của bệnh nhân đái tháo đường cũng sẽ gia tăng.

Theo một nghiên cứu cắt ngang của bộ y tế đăng trên Tạp chí sức khỏe năm 2020, ngay tại thời điểm chẩn đoán đã có 55% bệnh nhân đái tháo đường xuất hiện biến chứng. Trong đó, biến chứng tim mạch chiếm đến 34%. Năm 2019 Hiệp hội ESC đã đánh giá các yếu tố nguy cơ của tim mạch qua nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nguy cơ trung bình. Các chuyên gia đã nhận định rằng, đối với những bệnh nhân đái tháo đường sẽ không có nguy cơ tim mạch thấp.

Qua đó, Hiệp hội ESC 2023 đã đưa ra khuyến cáo đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2 chưa xuất hiện bệnh lý xơ vữa động mạch hoặc tổn thương cơ quan đích nên ước tính các nguy cơ tim mạch trong 10 năm thông qua công cụ SCORE2 - Diabetes với khuyến cáo class 1 và level B.

Chuyên gia cho biết thêm:“Theo ACC/AHA/HFSA 2022 khuyến cáo các phòng ngừa tiên phát suy tim là bệnh nhân đái tháo đường type 2 có bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ tim mạch cao nên sử dụng SGLT2i, bởi vì nó có lợi ích là phòng ngừa các tình trạng do suy tim của bệnh nhân đái tháo đường type 2”.

Sau bài báo cáo, BS Diệp Thị Thanh Bình kết luận, khi chúng ta sử dụng viên phối hợp có thể mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, nhất là đánh giá được nguy cơ tim mạch cho bệnh nhân và đạt mục tiêu đường huyết sớm. Hai là tiếp cận toàn diện trên bệnh nhân đái tháo đường type 2, đây là một xu thế tất yếu và phối hợp các nhóm thuốc khác nhau với cơ chế bổ sung các tác dụng cho nhau.

Ba là thuốc chế SGLT2i, cụ thể là Empagliflozin trở thành lựa chọn đầu tay cho bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao hoặc bệnh tim mạch - thận. Cuối cùng, viên phối hợp Empagliflozin/Linagliptin là lựa chọn toàn diện giúp kiểm soát đường huyết nhanh và mạnh mẽ với lợi ích bảo vệ tim mạch - thận.

TS.BS Đỗ Nguyên Tín - Bệnh viện Nhi đồng 1 với bài báo cáo “Can thiệp tim mạch nhi tại Việt Nam”.

Trong bài báo cáo “Can thiệp tim mạch nhi tại Việt Nam” TS.BS Đỗ Nguyên Tín - Bệnh viện Nhi đồng 1 đã đem đến cho người tham dự một bức tranh toàn cảnh về tương tai của kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh. Theo đó, hiện nay có những dạng dị tật ở tim bẩm sinh có thể can thiệp như phình tim phải từ đường ra thất phải, van động mạch phổi, nhánh động mạch phổi, van động mạch chủ, hẹp eo và tĩnh mạch phổi.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín nhấn mạnh, tương lai của can thiệp tim bẩm sinh dựa trên việc phải thực hiện can thiệp sớm hơn, cả trong thời kỳ bào thai để có thể điều trị kịp thời cho thai nhi. Đồng thời, người thầy thuốc phải luôn học hỏi những khó khăn trong những ca bệnh khó và thử thách, cần trao dồi và học hỏi những kỹ thuật ứng dụng mới để có thể áp dụng được trong điều trị.

Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI) đang ngày càng phát triển tại Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Hoàng Định - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Trường hợp đặt van động mạch chủ qua da đầu tiên do ông Galileo Galilei thực hiện vào năm 2002 tại Pháp. Trải qua hơn 20 năm, đã có hơn 1.5 triệu trường hợp đặt van động mạch chủ qua da, mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị các bệnh lý hẹp van động mạch chủ”.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Định - Bệnh viện Đại học Y dược cho biết van động mạch chủ qua da được chia thành 2 loại là van nong bằng bóng hoặc van tự bung, khác nhau về cơ chế.

Bác sĩ cho biết, tại châu Á, việc thay van động mạch chủ qua da được thực hiện trễ hơn so với các nước châu Âu. Mặc dù đã có nhiều trung tâm ở các nước phát triển tại  châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… thực hiện và đạt được kết quả rất tốt. Tuy nhiên, ở những nước khác như Việt Nam hoặc một số nước, việc triển khai thay van động mạch chủ qua da vẫn còn nhiều hạn chế.

“Mặc dù tại Việt Nam chưa có số liệu, tuy nhiên trong những năm qua ngành y tế đã thực hiện thay van động mạch chủ và từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực hiện kỹ thuật” - PGS.TS Nguyễn Hoàng Định thông tin.

Trường hợp thay van động mạch chủ qua da đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện vào năm 2014, trễ hơn 12 năm so với ca bệnh đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, nước ta đã có 14 Trung tâm thực hiện phương pháp thay van động mạch qua da. Trong đó có 3 trung tâm thực hiện “solo”, nghĩa là ê-kíp can thiệp có thể tự thực hiện được phương pháp và không cần sự hướng dẫn từ các chuyên gia nước ngoài.

Theo số liệu được cập nhật đến tháng 8/2023, tại Việt Nam đã thực hiện can thiệp thay van động mạch chủ qua ống thông cho 202 trường hợp. Các loại van được sử dụng có thể là van nong bằng bóng hoặc van tự bung, khác nhau về mặt cơ chế. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 4-5 loại van động mạch chủ qua da được SPA công nhận và được chia ra thành 2 cơ chế.

Cuối cùng, chuyên gia nhận định, hiện nay các kỹ thuật TAVI đang rất phát triển, do đó trong việc điều trị sẽ giảm được tình trạng gây tai biến, tỷ lệ tử vong cũng sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, cần phải quan tâm hơn nữa về việc chăm sóc lâu dài, bước điều trị tiếp theo trong 10-20 năm sau nhằm đạt được kết quả và đưa ra phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam rào cản lớn nhất vẫn là chi phí. Chuyên gia cho biết: “Trước đây khi mới xuất hiện, một trường hợp thay van mạch chủ qua da, bệnh nhân phải trả 950 triệu. Hiện nay, các công ty đã giảm mức chi phí xuống còn khoảng 550 - 600 triệu cho một lần thay van động mạch chủ qua ống thông. Trong thời gian sắp tới, một số công ty của Ấn Độ, Thái Lan bắt đầu xin được giấy phép bán ở Việt Nam với chi phí trên dưới 300 triệu. Như vậy, chi phí thực hiện cũng tương đương với một trường hợp điều trị nội mạch bệnh lý động mạch chủ

Ước tính trong thời gian sắp tới, số lượng thay van động mạch chủ qua da sẽ phát triển rất nhiều cùng với các ê-kíp đi chuyển giao kỹ thuật. Vì vậy, đây cũng là một định hướng trước về tương lai mà các y bác sĩ cần suy nghĩ và quan tâm, để có thể đón đầu và chuẩn bị”.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Định cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đội nhóm tim mạch, bởi để có thể thực hiện các ca can thiệp bằng ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Cơ cấu tổ chức con người sẽ tùy theo bệnh viện, nhân sự. Bác sĩ Tim mạch can thiệp có thể chỉ đạo nhóm thực hiện ca bệnh, cũng có thể có sự phối hợp cân bằng giữa phẫu thuật viên và bác sĩ tim mạch can thiệp. “Dù áp dụng cách nào, chúng ta cũng cần phải làm việc chung với nhau để đạt được kết quả tốt nhất cho bệnh nhân” - chuyên gia kết luận.

Tương lai đầy hứa hẹn khi can thiệp động mạch chủ qua ống thông với sự hỗ trợ của robot

Với bài báo cáo “Can thiệp Động mạch vành qua da dưới sự hỗ trợ của Robot Corindus”, PGS.TS Hồ Thượng Dũng - Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ: “Can thiệp động mạch vành qua da là phương pháp can thiệp tái thông những động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Đặc biệt phương pháp can thiệp này đã cứu sống nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp”.

Tại Việt Nam, năm 2020 đã có khoảng 30.000 trường hợp/năm được thực hiện can thiệp bằng phương pháp can thiệp Động mạch vành.

PGS.TS Hồ thượng Dũng - Bệnh viện Thống Nhất báo cáo bài “Can thiệp Động mạch vành qua da dưới sự hỗ trợ của Robot Corindus”.

Các kỹ thuật can thiệp ngày càng cải tiến, nhồi máu cơ tim cấp có choáng tim, tổn thương chia đôi, thân chung động mạch vành trái, tổn thương tắc nghẽn mạn tính… dưới sự hướng dẫn của hình ảnh học là IVUS, OCT và dưới sự hướng dẫn sinh lý học có rotablator, IABP đã được thực hiện triển khai rộng, hỗ trợ cho các bác sĩ can thiệp. Tính an toàn về mặt kỹ thuật và tính hiệu quả gia tăng đối với người bệnh.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là số lượng các bác sĩ can thiệp không đủ đáp ứng, đặc biệt ở các tỉnh nhỏ, các vùng xa… Thứ hai là chất lượng của các bác sĩ can thiệp mạch vành chưa ổn định và đồng nhất. Về sức khỏe của các bác sĩ can thiệp là một vấn đề cần được quan tâm vì nguy cơ mắc bệnh lý về trầm cảm, suy van tĩnh mạch chi dưới, chấn thương cột sống, ung thư...

PGS.TS Hồ Thượng Dũng nhấn mạnh:“Sự khác biệt của can thiệp động mạch vành qua da dưới sự hỗ trợ của robot là bác sĩ tim mạch can thiệp không phải mặc áo chì, không phải vô trùng để đứng bên cạnh bệnh nhân. Các bác sĩ có thể trao đổi và làm việc một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Mang lại tính an toàn tia xạ rất cao với kết quả can thiệp không khác nhau”.

Chuyên gia kết luận can thiệp động mạch chủ qua ống thông với sự hỗ trợ của robot chính là tương lai. Qua đó, giảm được bệnh nghề nghiệp cho phòng thông tim, giảm và tránh được liều tia X, giảm áp lực cột sống, thắt lưng... Có thể can thiệp từ xa, phẫu thuật viên có thể can thiệp không cần đứng trong phòng thông tim (giải quyết được tình trạng thiếu bác sĩ can thiệp). Tạo thêm thuận lợi cho kỹ thuật can thiệp, đi dây dẫn và định vị stent nhờ công nghệ hỗ trợ.

Ngoài ra, Robot có thể tích hợp hệ thống, dụng cụ can thiệp, IVUS, OCT, chẩn đoán hình ảnh khác… Khi can thiệp thông qua robot, người kỹ thuật viên được xem như một “game thủ”, chúng ta có thể thực hiện được rất nhiều trường hợp can thiệp phức tạp và nhẹ nhàng hơn. Thách thức và khó khăn của việc thực hiện can thiệp với sự hỗ trợ của Robot Corindus là chúng ta phải từ bỏ cảm nhận, hoạt động bằng tay chuyển dần sang cảm nhận, hoạt động trên nút xoay và cần điều khiển.

Ngoài ra, phẫu thuật viên cần trải qua quá trình huấn luyện sử dụng và chuyển đổi kỹ thuật, tiếp cận phương tiện dụng cụ. “Quản lý khám bệnh và điều trị đã thông qua kỹ thuật này đã được Bộ y tế công nhận, vấn đề sau này đưa vào thanh toán Bảo hiểm y tế cũng sẽ không quá khó khăn” - PGS.TS Hồ Thượng Dũng nhấn mạnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X