Hotline 24/7
08983-08983

Hướng dẫn cách cấp cứu người đột quỵ

Câu hỏi

Chào BS, gần đây thông tin nghệ sĩ Chí Tài bị đột quỵ khiến em thấy rất buồn, vì chú là một phần tuổi thơ của em. Và em cũng nhận thấy đột quỵ thực sự quá nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng của một người chỉ trong tích tắc. Em muốn hỏi, nếu chẳng may có người bị đột quỵ thì chúng ta cần xử trí, cấp cứu như thế nào ạ? Em cảm ơn. (Hoàng Đức Nam - TPHCM).

Trả lời

3 dấu hiệu sống còn nhận biết người bị đột quỵ

Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, cần chuyển ngay tới các cơ sở y tế gần nhất sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế.

Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4,5 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao.

Điều quan trọng là nhận diện được các dấu hiệu đột quỵ để đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, can thiệp đột quỵ. Theo TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, một số dấu hiệu nhận biết đột quỵ bạn cần nhớ đó là:

  • Yếu hoặc tê đột ngột ở mặt, tay hoặc chân ở một bên cơ thể.
  • Đột ngột bị nhìn mờ, nhìn lóa hoặc giảm thị lực, nhất là ở một mắt.
  • Không nói được, nói khó hoặc không hiểu lời nói.
  • Đau đầu dữ dội, đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
  • Chóng mặt, lảo đảo hoặc bị ngã đột ngột mà không rõ lý do, nhất là nếu kèm theo các triệu chứng khác.

Nói tóm lại, nếu thấy một người đột ngột CƯỜI MÉO, NÓI NGỌNG, YẾU LIỆT MỘT BÊN TAY CHÂN hãy nghĩ đến đột quỵ. Lúc này, cần gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ. Thời gian cấp cứu đột quỵ được tính bằng giây. Chần chừ mỗi phút, 2 triệu tế bào não sẽ chết mà không có cách nào hồi phục được.

>>> Nhận biết và phòng ngừa đột quỵ ở người bệnh tiểu đường, tăng huyết áp

7 việc NÊN làm khi người thân bị đột quỵ

Khi có người bị đột quỵ, hãy đặt người bệnh trên một mặt phẳng, không nằm lên đệm có độ lún sâu. Nếu có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt sang tư thế nằm nghiêng để tránh các chất nôn gây cản trở đường thở của người bệnh.

1. Việc đầu tiên quan trọng nhất, khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, người nhà cần gọi người trợ giúp và gọi ngay xe cấp cứu (hoặc cho Trung tâm cấp cứu 115) đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn cấp cứu, điều trị đột quỵ.

2. Xác định thời gian khởi phát bệnh đột quỵ.

3. Trong khi chờ xe cấp cứu, cần giữ thông thoáng môi trường xung quanh để người bệnh thở tốt. Đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng, bề mặt đủ độ cứng để giữ thăng bằng, không đặt lên đệm có độ lún sâu và tránh xê dịch để không làm trầm trọng tình trạng xuất huyết não.

4. Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, móc hết đàm nhớt ở miệng người bệnh ra (nếu có).

5. Nếu bệnh nhân còn tỉnh: Hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân.

6. Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường: Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp.

7. Nếu người bệnh bất tỉnh, không còn thở, lập tức thao tác CPR ép tim và thổi ngạt. CPR là phương pháp hồi sức tim - phổi để giúp bơm một lượng máu tới tim và não nhằm kéo dài thời gian sống của nạn nhân trong khi chờ trợ giúp y tế chuyên sâu.

Để thực hiện CPR: Quỳ gối bên nạn nhân đang nằm ngửa, đặt lòng một bàn tay vào chính giữa ngực nạn nhân (ngay phía dưới đoạn xương nối giữa 2 lồng ngực) với các ngón tay song song với xương sườn. Đặt bàn tay còn lại lên trên tay kia, và dùng phần thân trên tạo lực ép thẳng xuống qua 2 bàn tay, với 30 lực ép lên ngực (nhịp độ 2 lực ép/giây).

Tiếp theo là 2 lần thổi ngạt: đẩy nhẹ cổ nạn nhân ngửa ra sau để mở miệng/mũi ra, thổi 2 hơi vào miệng/mũi không kéo dài quá 2 giây, thấy lồng ngực nạn nhân phồng nhẹ là đúng cách. Sau đó tiếp tục 30 lần ép tim và theo chu trình 30 - 2 như vậy.

Người thực hiện thường rất mệt sau 2 - 5 phút làm CPR, vì vậy cần gọi người giúp sức để đảm bảo CPR được duy trì liên tục cho nạn nhân, cho đến khi có sự can thiệp của y tế chuyên sâu hoặc khi nạn nhân thở lại được.

7 việc KHÔNG làm khi sơ cứu người bị đột quỵ

1. Không được tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hay chích nặn máu, uống các loại thuốc, kể cả thực phẩm chức năng vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.

2. Không cho người bệnh ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, người bệnh hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.

3. Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, vì có thể ảnh hưởng lên sự tưới máu trên não và gây chết các tế bào não nhiều hơn.

4. Không dùng thuốc aspirin hay các thuốc chống đông máu, tan máu vì lúc này chưa xác định được người bệnh bị loại đột quỵ não nào, nếu bị xuất huyết não thì dùng các thuốc trên sẽ làm cho người bệnh càng thêm nguy kịch.

5. Không chờ đợi để hy vọng các triệu chứng thoái lui.

6. Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu nếu không có điều kiện hãy di chuyển bệnh nhân bằng cáng, không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, tránh xóc khi di chuyển. Khi di chuyển, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng.

7. Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn.

>>> Thống kê toàn bộ bệnh viện cấp cứu đột quỵ trên cả nước

>>> Mạng lưới cấp cứu Đột quỵ trên địa bàn TPHCM

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X