Hội chứng ruột kích không gây ung thư nhưng khó điều trị dứt điểm
“Hội chứng ruột kích thích là nhóm bệnh lý tổn thương về mặt cơ năng, không gây ảnh hưởng đến tính mạng và không dẫn đến ung thư, tuy nhiên bệnh khó điều trị dứt điểm” - đây là một trong những nội dung quan trọng mà ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành - Phó Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) chia sẻ trong bài viết này.
1. Nguyên nhân nào làm hội chứng ruột kích thích dễ tái phát?
Những nguyên nhân nào khiến hội chứng ruột kích thích thường hay tái phát, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Cho đến hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây hội chứng ruột kích thích. Mỗi bệnh nhân sẽ có những đặc điểm và yếu tố dẫn đến khởi phát bệnh khác nhau. Vì vậy, hội chứng ruột kích thích sẽ có liệu trình điều trị riêng, không thể áp dụng rập khuôn cho nhiều bệnh nhân, mà đòi hỏi bác sĩ phải cá thể hóa từng trường hợp mới tìm được nguyên nhân.
Điều trị đúng theo từng trường hợp sẽ ít xảy ra tình trạng tái phát. Ngược lại, không xác định chính xác tình trạng mà áp dụng liệu trình điều trị chung sẽ rất khó giảm tần suất tái phát bệnh. Đặc biệt, ngoài vấn đề về trục não ruột, bệnh còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như lối sống, thực phẩm và liên quan đến sức khỏe tâm thần, cũng như sức khỏe của đường ruột. Nếu không kiểm soát tốt các vấn đề này, việc điều trị hội chứng ruột kích thích sẽ là một bài toán nan giải.
2. Hội chứng ruột kích thích có điều trị khỏi hoàn toàn được không?
Vậy, hội chứng ruột kích thích có điều trị khỏi hoàn toàn được không, thưa BS? Vì tình trạng này gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh ạ!
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hội chứng ruột kích thích là nhóm bệnh lý không phải tổn thương về mặt thực thể mà là tổn thương về mặt cơ năng. Bệnh không gây ảnh hưởng đến tính mạng (tử vong) và không dẫn đến những ung thư như: ung thư đường tiêu hóa, ung thư ruột hoặc ung thư đại tràng.
Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích sẽ rất khó điều trị dứt điểm. Nếu không may mắc bệnh, người bệnh cần bình tĩnh và có sự hợp tác tốt với thầy thuốc chuyên khoa. Vì điều trị hội chứng ruột kích thích để tránh tái phát đòi hỏi một quá trình kết hợp giữa tâm lý trị liệu, thuốc và các phương pháp khác. Có như vậy, bệnh mới ít khởi phát và tần suất tái lặp ngắn đi.
3. Cần làm gì để kiểm soát thành công hội chứng ruột kích thích?
Theo BS, để kiểm soát thành công hội chứng ruột kích thích, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc nào ạ? Và thế nào được xem là kiểm soát thành công hội ch ứng này, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Khi bị hội chứng ruột kích thích phải đến gặp thầy thuốc chuyên khoa. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tìm yếu tố khởi phát dẫn đến bệnh. Đồng thời, giải thích cho người bệnh hiểu rõ đây là tổn thương cơ năng, không phải tổn thương thực thể và hoàn toàn không gây ung thư, chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu tái đi tái lại.
Tùy theo tính chất công việc, thể trạng của người bệnh và giới tính hay thói quen sinh hoạt mà mỗi một cá thể sẽ được thầy thuốc hướng dẫn khác nhau. Ví dụ như hướng dẫn luyện tập, chơi môn thể thao có lợi đối với hội chứng ruột kích thích, hướng dẫn sử dụng thuốc tùy vào thể lâm sàng của người bệnh theo từng phác đồ cụ thể. Đồng thời giải thích, hướng dẫn cho người bệnh chế độ ăn giúp giảm tần suất khởi phát hội chứng ruột kích thích.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình