Hotline 24/7
08983-08983

Hội chứng ống cổ tay và cách điều trị

Bệnh hội chứng ống cổ tay (OCT) rất phổ biến, có thể mắc phải ở mọi người, mọi giới và mọi lứa tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ nhiều gấp 3 lần mam giới.

Tuổi thường gặp từ 45-60 tuổi. 10% trường hợp mắc phải dưới tuổi 30.

Với hội chứng này, tuổi càng lớn càng dễ mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai (do ảnh hưởng của hormon thai kỳ lên bao gân).

Triệu chứng

Khi dây thần kinh giữa chạy trong ống cổ tay bị chèn ép sẽ gây ra các triệu chứng : Đau, tê bàn tay ảnh hưởng ngón cái, trỏ, giữa và nữa ngón đeo nhẫn. Tình trạng tê tay thường xuất hiện nhiều vào ban đêm có thể do tư thế ngủ đè một bên người hoặc tư thế gập cổ tay, tê nhiều làm người bệnh phải giật mình tỉnh dậy.

Trường hợp ở mức độ trung bình, người bệnh bị tê tay khi cầm nắm, thả lỏng duỗi bàn tay thì hết tê.

Những người dễ mắc hội chứng OCT là những người béo phì, bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai, những người sử dụng tay nhiều, công việc nặng nề như thợ sửa chữa máy, sửa xe… cũng hay gặp hội chứng này.

Ngoài ra, những công việc nhẹ nhàng nhưng sử dụng tay nhiều, lặp đi lặp lại như đánh máy, sử dụng chuột vi tính, chạy xe máy, cầm vô lăng xe 4 bánh... Cũng gây áp lực chèn ép dây thần kinh giữa và vùng OCT.

Nếu ở mức độ nặng, chèn ép thần kinh lâu dài không được xử lý, người bệnh sẽ bị tê bàn tay liên tục kể cả không cầm nắm. Thậm chí, có thể xảy ra tình trạng cầm nắm đồ vật yếu, đánh rơi đồ vật, nhìn thấy bắp thịt ở gò cái bị teo ( liệt cơ vùng mô cái).

Nguyên nhân

Hầu hết các trường hợp hội chứng OCT không rõ nguyên nhân. Hội chứng này có thể kết hợp với bất kỳ lý do nào gây đè ép lên dây thần kinh giữa ở ống cổ tay.

Bên cạnh đó, các bệnh lý có thể dẫn tới hội chứng này có thể liệt kê tới đó là: Bệnh béo phì, viêm khớp, tiểu đường, đường huyết cao, chấn thương…
Chẩn đoán bệnh

Phương tiện cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh khá chính xác là đo điện cơ EMG giúp xác định vị trí thần kinh bị chèn ép là ở cổ hay ở khuỷu tay... Đồng thời xác định được mức độ thần kinh bị tổn thương ở mức độ nào (nhẹ, trung bình hay nặng cần phẫu thuật).

Điều trị

Phòng ngừa:

- Giữ vệ sinh lao động đối với bàn tay, tránh tư thế cầm nắm thường xuyên, tránh động tác lập đi lập lại gập duỗi cổ tay, không dùng chuột vi tính lâu, dùng miếng lót cổ tay silicon khi dùng bàn phím đánh máy...

- Có thể uống Omega 3 làm tan mỡ, uống Vitamine 3B giúp lưu thông thần kinh tốt.

- Tập thể dục thư giãn cổ tay theo cách chống bàn tay lên mặt phẳng bàn, tập gập căng cổ tay giữ vài giây. Có thể tranh thủ tập giữa các giờ làm việc.

- Điều trị các bệnh lý có thể gây hẹp OCT: Gãy xương vùng cổ tay, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân...

Điều trị không dùng thuốc (ở mức độ nhẹ)

- Mang nẹp cổ tay khi làm việc và khi ngủ vào ban đêm.

- Ngâm tay nước muối ấm, xoa , mát xa vùng cổ tay và các ngón tay.

- Đến trung tâm vật lý trị liệu: Tập nhúng sáp nóng, sóng siêu âm vùng cổ tay, xung điện trị liệu...

Điều trị dùng thuốc

- Nên đến khám tại các cơ sở có chuyên khoa thần kinh hoặc chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật bàn tay.

- Dùng thuốc : kháng viêm Non- steroids, Vitamine B, Calcium...

- Tiêm Cortisone tại chỗ chèn ép thần kinh.

Phẩu thuật giải ép thần kinh giữa vùng OCT

Trong trường hợp điều trị nội khoa không cải thiện hoặc đã có dấu hiệu teo cơ mô cái, kết quả đo EMG ở mức độ nặng. Thường sau phẫu thuật người sẽ bớt và hết tê tay, tuỳ mức độ thần kinh bị tổn thương thời gian hồi phục sẽ từ 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm.

Khả năng tái phát sau mổ ít xảy ra, trong những trường hợp do bệnh nghề nghiệp có khả năng tái phát lại nếu người bệnh không tuân thủ đúng điều trị.

Sau mổ, người bệnh nên có liệu trình tập vật lý trị liệu để giúp vết thương mau lành sẹo, tránh dính sẹo, đau sẹo và kích thích thần kinh mau phục hồi, giảm teo cơ.

Theo BS Nguyễn Xuân Anh - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X