Hotline 24/7
08983-08983

Ho, sốt, đau họng có phải do COVID-19?

Hiện nay, số ca bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt là COVID-19 đang gia tăng tại một số quốc gia. Vậy ở Việt Nam, tình trạng COVID-19 đang diễn ra như thế nào? BS Trương Hữu Khanh sẽ giải đáp cho bạn đọc trong bài viết dưới đây.

1. Dịch COVID-19 tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào?

Nhiều nước tăng số mắc, nhập viện do COVID-19, dịch tại Việt Nam hiện nay ra sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: COVID-19 hiện tại là bệnh truyền nhiễm nhóm B, giống cảm cúm theo mùa, vì vậy không nên làm xét nghiệm.

Đối với một số nước vẫn còn yêu cầu xét nghiệm. Giả sử xét nghiệm RSV hay Adenovirus hết tất cả những người viêm hô hấp thì tỷ lệ sẽ cao hơn COVID-19.

2. Vì sao số ca mắc COVID-19 tại một số quốc gia có sự gia tăng?

Dường như cứ cách một đợt chúng ta lại nghe thông tin về việc gia tăng số ca mắc COVID-19. Xin hỏi BS, nguyên nhân do đâu mà thời điểm này số ca lại có sự gia tăng tại một số quốc gia ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đây là hiện tượng bình thường, do đang vào mùa nên có nhiều ca bệnh. Tuy nhiên, đây không phải là gánh nặng nên không cần chú ý quá nhiều.

3. Vì sao chưa thể chấm dứt dịch bệnh COVID-19?

Thực tế đã có những thời điểm COVID-19 có dấu hiệu chững lại trên toàn cầu, nhưng vì sao chúng ta chưa thể chấm dứt dịch bệnh này, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sau Omicron, lâu lâu chúng ta lại nghe nhắc đến dịch COVID-19, tuy nhiên cuối cùng vẫn kết luận đây là bệnh cảm cúm. Đã là bệnh cảm cúm sẽ không bao giờ dứt được bệnh, vì đây là virus người, đến mùa sẽ xuất hiện.

Đây là hiện tượng bình thường, người dân nên tập quen với vấn đề này. Và đợt bệnh hiện tại khoảng 1 - 2 tháng sẽ hết.

4. Mắc COVID-19 vào thời điểm này có đáng lo?

Gần đây, nhiều người có cảm giác đau - ngứa họng, rêm người như thời mắc COVID-19. Thực tế, nếu thực sự mắc COVID-19 tại thời điểm này có đáng lo, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tất cả các bệnh hô hấp đều đáng lo với những đối tượng đặc biệt như người lớn tuổi, người có bệnh nền. Với đợt bệnh này, khi làm xét nghiệm, cúm nhiều hơn các loại virus khác, sau đó đến RSV, Adenovirus,… (không phải COVID-19).

5. Dấu hiệu phân biệt COVID-19 và các bệnh lý đường hô hấp là gì?

Thực tế ghi nhận, các triệu chứng của COVID-19 thời điểm này có khác gì so với trước đây, thưa BS? Những dấu hiệu nào cho thấy đây là COVID-19 chứ không phải là một bệnh lý nào đó của đường hô hấp ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cho đến hiện nay, COVID-19 không có gì đặc biệt, rất giống với cảm thông thường. Vì vậy, không thể dựa vào triệu chứng để xác định COVID-19 hay các bệnh lý đường hô hấp khác.

Nếu mắc COVID-19, nên theo dõi và điều trị, đeo khẩu trang như tất cả các bệnh đường hô hấp khác. Ngoài ra, không cần chú ý nhiều vì COVID-19 đã là bệnh nhóm B.

Xem thêm: Tăng cường đề kháng hệ hô hấp đánh bay dịch bệnh COVID-19

6. Cần làm gì nếu xuất hiện các biểu hiện COVID-19?

Với người khỏe mạnh (không bệnh nền, không lớn tuổi), nếu xuất hiện các biểu hiện COVID-19, cần làm những gì, thưa BS? Theo dõi sức khỏe ra sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Lúc này, sẽ cần quan tâm, theo dõi sức khỏe giống với bệnh cảm. COVID-19 hiện có thể nhẹ và mau hết hơn bệnh cúm.

7. Người có bệnh nền, người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai phải làm gì nếu có biểu hiện của COVID-19?

Với người có bệnh nền, người lớn tuổi, những nhóm người đặc biệt khác như trẻ em, phụ nữ mang thai… nên làm gì khi có các biểu hiện COVID-19?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện tại, chỉ cần lưu ý đến nhóm người có bệnh nền. Khi mắc bệnh hô hấp do bất cứ siêu vi nào cũng cần khám bệnh và theo dõi các triệu chứng. Nếu có khó thở, tức ngực, mệt mỏi nên đến bệnh viện. Không phải mắc COVID-19 mới cần đến bệnh viện.

8. Hiện tại, mắc COVID-19 có cần theo dõi chỉ số SpO2?

Thời gian phục hồi khi mắc COVID-19 hiện nay liệu có rút ngắn hơn thời điểm trước, thưa BS? Hiện giờ, mắc COVID-19 chúng ta có cần theo dõi chỉ số SpO2 như trước đây không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu cơ thể bình thường, không bị mệt thì không cần quan tâm đến SpO2. Nếu có bất thường, gặp các vấn đề về hô hấp thì dù là triệu chứng nào hay do virus nào cũng cần đến SpO2.

Tóm lại, phải xem COVID-19 như tất cả các loại virus khác (cúm, viêm hô hấp trên,…) và có thái độ xử trí tương tự.

9. Biến thể EG.5 có nguy hiểm không, mức độ lây lan ra sao và bản thân mỗi người cần chuẩn bị gì để đối phó?

Thưa BS, biến thể EG.5 đang được ghi nhận tại 89 quốc gia, mặc dù hiện nay biến thể này chưa phát hiện tại TPHCM, song cũng gây ra nhiều lo lắng, khi các dịp lễ hội sắp tới dồn dập.

- EG.5 có nguy hiểm không, mức độ lây lan ra sao và tự bản thân mỗi người cần chuẩn bị gì để đối phó với các biến thể của COVID-19 trong khi dịch bệnh chưa chấm dứt hoàn toàn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thứ nhất, COVID-19 sẽ không chấm dứt hoàn toàn vì đây là virus người. Thứ hai, từ trước đến nay chúng ta đã nghe qua rất nhiều biến thể và cho rằng biến thể đó sẽ nặng hơn, lây lan nhiều hơn, kinh khủng hơn và đợt dịch sẽ quay lại. Tuy nhiên, chúng ta không cần lo lắng và cũng không nên xét nghiệm biến thể. Biến thể không có giá trị trong thực tế, chỉ cần làm để theo dõi cấu trúc.

10. Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trong dịp cuối năm?

Cuối năm, lễ hội cận kề, thông tin về COVID-19 quay trở lại khiến nhiều người e dè trước những kế hoạch du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng - đặc biệt là ra nước ngoài. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không nên cho rằng lễ hội sẽ làm gia tăng dịch bệnh. Chỉ cần chú ý đến dịch bệnh mới, còn dịch bệnh cũ vẫn có khả năng xuất hiện. Không phải khi đi chơi sẽ lây COVID-19 mà cúm hay RSV vẫn có thể lây và đây là những căn bệnh đã có từ lâu.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh là người có trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhi và điều trị các bệnh lý liên quan đến Nhi khoa. Bác sĩ Trương Hữu Khanh là người giàu y đức, có trách nhiệm và thân thiện với bệnh nhân.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực y khoa mà còn là một thầy thuốc ưu tú được nhiều nhà báo biết đến bởi bản tính hiền lành, thân thiện, tốt bụng, luôn tận tâm và nhiệt huyết với nghề. Việc làm thiết thực đối với vị bác sĩ này là mở ra “Phòng mạch 15 ngàn” trong suốt 25 năm qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhi nghèo có cơ hội được khám bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X