Hotline 24/7
08983-08983

Hi hữu: Người nhà bị đột quỵ khi đang thăm nuôi bệnh nhân ở bệnh viện đột quỵ

Ngày 21/9, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho biết đã kịp thời cứu chữa cho một trường hợp khá hi hữu: người nhà bị đột quỵ khi đang thăm nuôi bệnh nhân tại đây. Bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong đã được cấp cứu trong thời gian vàng.

Những ngày giữa tháng 9, ông N.V.T. (47 tuổi, quê ở Cà Mau) đến chăm sóc người thân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ). Buổi chiều hôm đó, ông T. đi bộ sang đường để mua cơm, nào ngờ đang đi giữa đường, ông T. thấy choáng, đi không vững.

Ông T. kể lại một cách rành rọt: “Lúc đó khoảng 4h rưỡi chiều, tôi mới đi qua giữa lộ tự nhiên xây xẩm mặt mày, tính kêu người ta giúp, mà hàm như bị cứng lại nói không được. Chân trái nhấc lên không được, tay trái thì tê, ráng lê chân lên tới vỉa hè, may mắn được anh xe ôm đậu ngoài bệnh viện thấy, nên chở tôi vô cấp cứu liền”.

Từ khi có dấu hiệu của đột quỵ, chưa đầy 10 phút ông T. đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, được nhân viên y tế chăm sóc và đưa đi thực hiện chụp chiếu cần thiết. Từ kết quả MRI trên màn hình máy tính, bác sĩ giải thích với gia đình ông T. rằng ông bị tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong phải, cần tiến hành can thiệp sớm nhằm tránh để lại di chứng, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp. Do khá hiểu biết về bệnh đột quỵ và những nguy cơ nên gia đình đồng ý. Ngay sau đó, ông T. được đưa đến phòng can thiệp, lấy huyết khối động mạch não số hóa xóa nền DSA, giúp tái thông hoàn toàn động mạch bị tắc.

alobacsi BN tắc nghẽn động mạch cảnh trongBệnh nhân N.V.T. bị tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong phải, được can thiệp lấy huyết khối bằng DSA

alobacsi cục máu đông làm tắc động mạch cảnh trongNhững cục máu đông làm tắc động mạch cảnh trong của ông T.

Theo ThS.BS Trần Minh Luận - Đơn vị can thiệp DSA - người trực tiếp điều trị cho ông T.: Kể từ lúc bệnh nhân vào viện đến sau khi tiến hành xử lý can thiệp khoảng 1 giờ, thời gian can thiệp tái thông hoàn toàn chưa đầy 30 phút, chính vì vậy chỉ vài giờ sau khi can thiệp, bệnh nhân đã gần như phục hồi hoàn toàn, không còn yếu liệt tay chân, giọng nói trở lại bình thường.

Trường hợp đột ngột gặp biến cố đột quỵ như ông T. không hiếm vì đột quỵ có thế xảy ra tại mọi thời điểm, nhưng ông rất may mắn vì được cứu chữa kịp thời trong thời gian vàng. Ông T. vui mừng sau can thiệp nhanh chóng hồi phục: “Đúng là trong cái rủi có cái may. Điều không may là bệnh đến đột ngột khi tôi đang nuôi ông sui nằm điều trị tại đây (nong van tim) nhưng may mắn là khi xảy ra bệnh được đưa vô bệnh viện liền, được bác sĩ và y tá làm “rụp rụp” tôi mới khỏe được vầy. Chứ nếu xảy ra ngay lúc tôi trong vuông tôm ở quê, chắc tôi nghĩ mình không nói được luôn chứ nói gì tới đi lại bình thường”.

Cấp cứu trong thời gian vàng giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, không bị di chứng yếu liệt tay chân

BS Luận nhấn mạnh: “Đối với bệnh nhân đột quỵ, thời gian chính là não, khi bệnh nhân có dấu hiệu đầu tiên đến khi được xử lý can thiệp, càng sớm sẽ càng có lợi cho bệnh nhân. Mặc dù thời gian qua số lượng bệnh nhân đến cấp cứu đột quỵ tại bệnh viện S.I.S trong giờ vàng đã có sự gia tăng, tuy nhiên con số này còn khá khiêm tốn.

Một phút trôi qua bệnh nhân đột quỵ sẽ mất đi 2 triệu tế bào thần kinh, chính vì vậy, chúng tôi khuyên rằng khi bà con có một trong những dấu hiệu như đột ngột tê yếu tay chân, nói khó, nói ú ớ không rõ, miệng đột ngột bị méo lệch sang một bên cần được đưa ngay đến cơ sở y tế có cấp cứu can thiệp đột quỵ để được hỗ trợ xử lý kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc”.

Qua đây có thể thấy rằng, để cấp cứu thành công một trường hợp đột quỵ cấp do tắc động mạch lớn, đòi hỏi nhiều yếu tố: ngoài nhận diện một trường hợp đang đột quỵ cấp, sơ cứu ban đầu, chuyển bệnh nhân đến cấp cứu rất nhanh và đúng chuyên khoa; điều kiện cần là bệnh viện có đầy đủ thiết bị chẩn đoán chuyên sâu, nhanh chóng đưa ra kết luận bệnh lý; điều kiện đủ quan trọng nhất là bác sĩ có kinh nghiệm, nhiều chuyên khoa phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng, sẽ góp phần điều trị bệnh nhân tốt nhất có thể.

[DAP]TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cho biết: “Để tiết kiệm thời gian vàng và an toàn hơn cho người bệnh, bệnh viện đã đầu tư thêm 1 máy MRI 3T và 1 hệ thống DSA 2 bình diện hiện đại nhất châu Á hiện nay. Phòng khi có 2 bệnh nhân đột quỵ cấp đến cùng một lúc bệnh viện vẫn có điều kiện cứu chữa hoặc đôi khi không loại trừ được một máy bị hư sẽ làm việc chẩn đoán điều trị bệnh nhân bị chậm trễ, mặc dù chi phí đầu tư là rất lớn.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” vẫn luôn đúng trong mọi xã hội, bởi dù bất cứ xã hội nào thì sức khỏe con người vẫn luôn là quan trọng. Hơn nữa hiện nay việc tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân dẫn đến đột quỵ là có thể thông qua việc thăm khám và chẩn đoán hình ảnh như MRI, siêu âm động mạch cảnh…

Vì vậy, việc cần quan tâm hơn đến sức khỏe là điều cần thiết, đừng để một ngày bệnh tật kéo đến rồi mới hốt hoảng nói giá như!”.[/DAP]

Tin, ảnh: Kim Cương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X