Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viện Thống Nhất kỷ niệm 59 năm ngày Quốc tế Điều dưỡng

Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) đã đưa ra Thông điệp hành động nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng 2024 là: “Điều dưỡng chúng ta, tương lai của chúng ta. Hiệu quả kinh tế của chăm sóc điều dưỡng - Our Nurses, Our Future. Economic power of Care”. Thông điệp này nhằm giải quyết những thách thức về sức khỏe toàn cầu và cải thiện sức khỏe cho tất cả mọi người dân trên thế giới.

Nhằm hưởng ứng hoạt động này, ngày 10/5, tại hội trường Bệnh viện Thống Nhất đã diễn ra lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5/1965 - 12/5/2024) với gần 400 điều dưỡng, kỹ thuật viên bệnh viện tham dự.

Phát biểu tại chương trình PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: “Điều dưỡng là những người thường xuyên trực tiếp, tiếp xúc với người bệnh, là người luôn luôn thấu hiểu, sẻ chia và chăm sóc bệnh nhân với tấm lòng vị tha, giàu lòng nhân ái. Những bàn tay ấm áp, những ánh mắt gần gũi, những lời nói nhẹ nhàng và sự ân cần, kiên nhẫn của các điều dưỡng đã giúp người bệnh có thêm động lực, niềm tin. Sự hợp tác tích cực của các nhân viên điều dưỡng đã giúp đội ngũ bác sĩ chữa bệnh hiệu quả hơn, mang lại nhiều niềm vui và sức khỏe tốt hơn cho người bệnh”.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất

Tại Bệnh viện Thống Nhất hiện nay có 595 điều dưỡng, 76 kỹ thuật viên, trung bình 2,1 điều dưỡng/bác sĩ. Mặc dù là lực lượng đông nhất của bệnh viện, đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân  nhưng theo cơ cấu vị trí việc làm, số lượng điều dưỡng còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu điều trị. Điều này đồng nghĩa với việc các điều dưỡng phải vất vả hơn trong công việc của mình.

Với đại đa số điều dưỡng là nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ, họ gặp khó khăn hơn khi phải cân bằng giữa công việc và gia đình. Bên cạnh đó, thu nhập của nghề điều dưỡng còn ở mức thấp.

Chính vì vậy mà mục tiêu trong thời gian tới của Bệnh viện Thống Nhất đối với ngành điều dưỡng là ngoài việc tuyển dụng còn nâng cao đào tạo về chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và thay đổi thái độ ứng xử, giao tiếp với bệnh nhân.

Trong khuôn khổ của lễ kỷ niệm còn diễn ra buổi tọa đàm với những giải đáp tận tình và hấp dẫn của ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, TS.ĐD Lý Thị Phương Hoa - Trưởng khoa Điều dưỡng Trường Đại học Văn Lang về các thắc mắc của ngành điều dưỡng. Thông qua đó giúp điều dưỡng/kỹ thuật viên nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Buổi tòa đàm diễn ra sôi nổi với rất nhiều câu hỏi từ các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện

Chia sẻ về giải pháp nâng cao vai trò của ngành điều dưỡng Việt Nam, ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết, đầu tiên phải thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của ngành điều dưỡng, người điều dưỡng trong xã hội và trong hệ thống y tế. Phải đánh giá đúng mức giá trị của dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp, đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao sự an toàn của người bệnh.

“Không một hệ thống y nào được gọi là có chất lượng và an toàn nếu như dịch vụ chăm sóc của điều dưỡng không đảm bảo an toàn” - ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam nhấn mạnh.

 ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam

Thứ hai, một người làm nhiều công việc thì bắt buộc phải làm nhanh, từ đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng và có nguy cơ xảy ra rủi ro. Vì vậy, phải nhanh chóng tăng số lượng điều dưỡng. Nếu không, các dịch vụ chăm sóc cho người bệnh sẽ không đáp ứng được yêu cầu và dịch vụ không kịp thời có thể tạo nên bức xúc cho người dân.

Thứ ba, điều dưỡng hiện nay, trở thành ngành khoa học, một nghề nên người điều dưỡng phải được đào tạo ở trình độ cao hơn. Việt Nam hiện nay đã đào tạo được điều dưỡng ở bậc thạc sĩ nhưng số lượng đào tạo sau đại học còn rất ít so với các nước trong khu vực. Vì vậy, phải đào tạo một lực lượng điều dưỡng chuyên nghiệp để có thể truyền thụ và đào tạo cho các thế hệ điều dưỡng trẻ hơn.

Bên cạnh đó, buổi lễ còn diễn ra hoạt động khen thưởng các cá nhân, tập thể đạt giải trong hội thi Điều dưỡng viên giỏi - Kỹ thuật viên giỏi năm 2024 và khoa đạt kết quả cao trong công tác kiểm tra, giám sát và chăm sóc người bệnh. Với các hoạt động thiết thực này, chương trình đã mang lại nhiều năng lượng cho những người làm công tác điều dưỡng, cũng như những người trực tiếp chăm sóc người bệnh.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, ThS.ĐD.CK2 Nguyễn Thị Tiến - Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất và TS.ĐD Lý Thị Phương Hoa - Trưởng khoa Điều dưỡng Trường Đại học Văn Lang chụp ảnh lưu niệm cùng các nhân viên y tế

Hiện nay trên toàn thế giới ước tính có khoảng 29 triệu điều dưỡng và 2,2 triệu nữ hộ sinh, trung bình có 38,6 điều dưỡng/10.000 dân. Các quốc gia có HDI (chỉ số phát triển con người) rất cao có tỷ lệ điều dưỡng/dân số cao nhất là 95/10.000, trong khi các quốc gia có HDI thấp có tỷ lệ điều dưỡng/dân số thấp nhất là 7/10.000. Hầu hết điều dưỡng trên thế giới là nữ (chiếm 76,91%) ở độ tuổi 35 - 44 tuổi.

Tại Việt Nam con số này vào khoảng 14.5/10.000 dân, số điều dưỡng trên một bác sĩ ở nước ta cũng rất thấp với tỷ lệ 1 bác sĩ chưa đến 2 điều dưỡng. Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3 - 4 điều dưỡng, Nhật Bản đến 9 -10 điều dưỡng.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X