Hotline 24/7
08983-08983

Gửi hơi ấm lên vùng cao Sơn La: Xốn xang bữa ăn chỉ toàn cơm nhão với nước lã, trẻ em co ro trong giá rét

Hành trình thiện nguyện đến xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La của AloBacsi cùng Daisy vào ngày 19/11/2023 đong đầy cảm xúc. Thật trân quý tấm lòng của y bác sĩ, mạnh thường quân hướng về cộng đồng, luôn đáp lại khi AloBacsi mở lời. Thật xốn xang khi chứng kiến cảnh trẻ em, bà con ở vùng cao Sơn La chống chọi với cái rét “cắt da, cắt thịt” chỉ bằng bộ quần áo mỏng tang, cùng bữa ăn đạm bạc toàn cơm nhão và nước lã.  

Những bữa cơm trắng chan nước lã

Dường như mẫu số chung giữa người kinh và đồng bào dân tộc thiểu số chính là muối. Nếu như đa phần đều xem đây là gia vị thì với bà con ở xã Hồng Ngài, muối lại được trân trọng như món đồ quý giá. Lùng sục vào bếp của mỗi gian nhà đều lạnh tanh với nồi cơm nguội, một ít muối. Sang trọng lắm mới có lọ măng ngâm muối và một ít rau rừng.

5 năm bám bản, dạy học tại Trường Mầm non xã Hồng Ngài, cô Đinh Hồng Lưu quen thuộc với hình ảnh mái nhà dựng tạm, trống hơu trống hoắc, những bữa cơm trắng chan nước lã nhưng vẫn ngon lành với đám trẻ. “Hôm nào đến nhà cũng bắt gặp các em đang hứng nước chan cơm, 4-5 em quây quần lại ăn với nhau xì xụp ngon lành. Thi thoảng mới thêm măng ớt, rất hiếm bữa ăn có thịt cá” - cô Lưu kể.  

Hồng Ngài là một xã thuộc vùng 3, đặc biệt khó khăn của Sơn La, với hơn 95% người đồng bào dân tộc thiểu số. Những bản làng ở đây nằm cách xa nhau, sinh sống trong túp lều lụp xụp dựng bằng tre nứa và lợp lá cây rừng. Cái nghèo bủa vây khiến cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Thu nhập chủ yếu dựa vào đám ngô, sắn, quanh năm chỉ biết đến hai mùa no đói.

Điều kiện kinh tế khó khăn để lại nhiều hạn chế. Người lớn, tiếng phổ thông chỉ biết bập bõm. Trong khi trẻ em ngại giao tiếp. Những mái tóc lơ thơ hoe vàng vì cháy nắng. Những bộ quần áo lấm lem bùn đất vì không ai chăm bẵm. Những gương mặt thò lò mũi xanh vì không một viên thuốc, bệnh mãi không hết. Những đôi má hây hây vì sương gió vùng cao, da nứt nẻ chằng chịt, tái xanh vì thiếu chất và vì những cơn gió lạnh quét qua lớp quần áo mỏng tang, cũn cỡn so với tuổi. Những đôi chân trần không dép, bàn tay trẻ chai sần vì băng rừng, vượt núi, thay cha mẹ quán xuyến việc nhà. 

Ở Hồng Ngài, trong khi người lớn bận nương rẫy, kiếm kế sinh nhau thì những đứa trẻ thay nhau trở thành trụ cột của gia đình. Bé Giàng Thị Chi (12 tuổi) một nách chăm 4 đứa em nhỏ, vừa cơm nước, vừa nuôi bò - chăn dê. Mỗi ngày, đôi chân của hai chị em Chi phải vượt qua vài quả đồi từ sáng sớm tinh mơ để kịp giờ đến trường. Dù học lớp 6, nhưng em nặng vỏn vẹn có 27kg. Em gái Chi, học lớp 4 cũng chỉ suýt soát 20kg.

Để thoát khỏi cái nghèo, nhiều gia đình trẻ chấp nhận, làm thuê, làm mướn dưới xuôi. Thu nhập khá hơn đôi chút, nhưng đành xa con trẻ, đám nhỏ cứ thế lớn lên như cỏ dại bên cạnh ông bà, nhà có gì ăn nấy. Như trường hợp của ông Sùng A Dinh (56 tuổi) là ông nội, ông ngoại của 10 đứa trẻ. 7 người con đi làm xa, đám trẻ nương tựa vào ông bà, lẽo đẽo đi khắp cùng rừng cuối núi kiếm củ nâu, củ mài thay cơm. Thế nên, cái bụng của đám trẻ cũng chưa bao giờ có nổi một bữa no, cái thân chưa một ngày biết mặc ấm.

Những hoàn cảnh như bé Chi, ông Dinh rất phổ biến tại Hồng Ngài. Để nuôi giấc mơ con chữ, nhiều em phải đi bộ đến 20-30km và đều là đường rừng. Các thầy cô ở đây cũng gian nan không kém, vượt hàng chục km đường đèo dốc cheo leo giữa một bên là vách núi dựng đúng, một bên là vực sâu hun hút mới có thể đến trường điểm trường.

Là người mẹ có con bị thalassemia, cô La Thúy - giáo viên Trường Mầm non xã Hồng Ngài càng thấu hiểu và yêu thương hoàn cảnh của những đứa trẻ phải trưởng thành sớm. Vì vậy, không chỉ làm công tác giáo dục, cô còn dành thời gian chăm sóc cho các em nhỏ, bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi thì mua gạo - mắm - muối, khi thì mớ rau - miếng thịt.

“Bố mẹ các em đều bận nương rẫy, có khi ngủ lại trên đó để hôm sau làm sớm, vì vậy nhà chị có các em, đứa lớn chăm đứa nhỏ, rồi lại dắt díu nhau đến trường. Sáng đến trường với các bụng lép kẹp, chiều về lại cơm trắng với rau rừng hoặc giã muối ớt ăn cùng. Hôm nào các em không đi học, các cô lại vào nhà động viên, khó quá thầy cô lại vận động hết nguồn này đến nguồn khác để các em được đến trường” - cô La Thúy kể.

Các cô giáo trẻ tâm sự, các học sinh nơi đây quanh năm chỉ quen cầm dao, cầm cuốc, bàn tay chai sần, thô ráp, nay cầm bút thấy gượng gạo, cố gắng uốn nắn theo từng nét chữ. Cô Hồng Lưu kể thêm: “Công tác vùng cao khổ nhất là lúc trời mưa, đường trơn trượt. Chỉ lỡ tay cũng sẽ lao ngay xuống vực”.

Dù thế, những thầy cô giáo vẫn từng ngày thắp sáng ước mơ cho trẻ vùng cao, bởi hình ảnh các em nhỏ vật lộn với cuộc sống khó khăn in hằn trong tâm trí. “Khi đến lớp học giúp trẻ dần hiểu rõ được tầm quan trọng của việc học chữ. Lớn hơn sẽ dễ dàng tiếp thu các thông tin cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình. Ở đây có những em sinh năm 2004, 2005, 2007 đã làm cha mẹ. Vì vậy, thầy, cô giáo luôn trăn trở làm sao giúp học sinh đến trường kiếm con chữ, nâng cao kiến thức các em mới thoát nghèo, thoát khổ” - Tương lai mà các thầy cô ở xã Hồng Ngài hướng đến trở thành hy vọng để miệt mài bám trò - gieo chữ.

Lần đầu tiên được khám bệnh, có những đứa trẻ “bé như cây kẹo” vì thiếu đói

Trung úy Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sơn La nhìn nhận, đây là lần đầu tiên xã Hồng Ngài đón đoàn y bác sĩ về thăm khám cho bà con, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với y tế, các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm, nên vô cùng trân quý.

Hồng Ngài chưa phải là điểm đến xa nhất của AloBacsi trên hành trình khám bệnh, phát thuốc nhưng lại là trạm dừng chân để lại nhiều trăn trở nhất. Nhiều gia đình cố gắng sinh con trai để nối dõi dù rằng nhà đã có đến 4-5 con. Hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết khiến đời sống càng lâm vào cảnh chật vật, vất vả, sức khỏe suy giảm.

Chưa kể, phần lớn người dân khi bị bệnh đều không đến trạm y tế khám chữa bệnh mà chấp nhận chịu đựng hoặc nhờ thầy mo đến cúng. Cúng không khỏi, khi bệnh nặng mới đưa người đến bệnh viện, mà bản ở xa, đường xá đi lại gập ghềnh đồi núi, đôi khi lại thành quá muộn.

Những bữa ăn thiếu chất kéo dài để lại nhiều hệ luỵ cho trẻ. Trong 850 em nhỏ được thăm khám tại Hồng Ngài, nhiều trường hợp suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thuý - Chủ nhiệm bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Chiều cao, cân nặng nhiều trẻ không đạt chuẩn, da xanh xao, thiếu sắt, thiếu vitamin C, D. Thậm chí có trẻ 9 tuổi mà cân nặng chỉ bằng đứa trẻ 2 tuổi. Hơn nữa, do khí hậu hanh khô, thời tiết vùng cao nên trẻ em ở Hồng Ngài còn gặp rất nhiều vấn đề về da như nứt nẻ, viêm da cơ địa, thậm chí có trường hợp còn bị viêm tấy lan tỏa”. Chuyên gia cho rằng, điều này một phần bắt nguồn từ điều kiện kinh tế, trẻ không được chăm sóc đúng cách, ăn mặc phong phanh dẫn đến mắc bệnh dai dẳng.

Đồng quan điểm, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng nhận định, tỷ lệ suy dinh dưỡng tại vùng cao như Hồng Ngài vẫn chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù qua một khám bệnh chưa được thống kê đầy đủ, song đáng ngại nhất là suy dinh dưỡng thấp còi. Đây là tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài gây ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc toàn diện của trẻ.

So với những vùng cao khác, vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ tại đây còn rất nhiều vấn đề nên được lưu ý. Dù rằng các bà mẹ đều có ý thức nuôi con bằng sữa mẹ nhưng lại chưa quan tâm đến việc làm thế nào để cho con bú đúng cách, đủ no, dẫn đến không tận dụng tốt nguồn sữa mẹ, điều này ảnh hưởng lớn đến các em bé ngay từ giai đoạn đầu đời, tác động lâu dài đến tầm vóc về lâu dài” - Chuyên gia Dinh dưỡng của đoàn bày tỏ quan điểm.

Ngoài vấn đề dinh dưỡng, trẻ em ở đây còn gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác như viêm mũi họng, amidan mủ, táo bón, gù vẹo cột sống. Trong khi đó, trẻ lớn chủ yếu gặp vấn đề về răng miệng, sâu răng, bệnh ghẻ do vệ sinh chưa đúng cách. Cá biệt còn ghi nhận một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tim bẩm sinh khi nghe tim phổi, dù em không có triệu chứng đặc hiệu. Với những trường hợp này, đoàn y bác sĩ hướng dẫn các phụ huynh và thầy cô, địa phương đưa trẻ đến bệnh viện tuyến trên để được thăm khám đầy đủ.

Bên cạnh khám tại điểm trường, BS Dương Minh Tuấn còn vào tận bản để thăm khám cho những hoàn cảnh khó khăn khi đi lại. Chuyên gia chia sẻ: “Ở đây, nhiều gia đình không có điều kiện, các bé đều ở rất sâu và xa. Vì vậy, việc tẩy giun và uống vitamin A không thường xuyên, phụ huynh cũng ít có thời gian dành cho con hoặc bị dị tật câm điếc bẩm sinh - không đủ nhận thức để chăm sóc nên trẻ đa phần vui chơi dưới đất bẩn dẫn đến nguy cơ mắc rất nhiều bệnh”.

Do đó, đoàn y bác sĩ đều kỳ vọng, bà con sẽ có cơ hội tiếp cận với y tế cũng như được phổ cập các kiến thức chăm sóc cơ bản nhiều hơn, để tự chăm sóc bản thân và gia đình. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy bày tỏ: “Hành trình khám bệnh, phát thuốc không chỉ là công tác thiện nguyện mà còn thể hiện sự cảm thông, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Dù rằng chúng tôi vừa làm công tác chuyên môn, vừa giảng dạy nhưng vẫn cảm thấy chưa bao phủ được toàn bộ vùng, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa.

Quyền được chăm sóc sức khỏe trẻ em là như nhau. Vì vậy, một mình ngành y tế là không đủ mà còn cần sự phối hợp của nhiều ban ngành, đoàn thể và mong rằng công tác thiện nguyện của AloBacsi, Daisy, Delap sẽ được nhân rộng hơn nữa. Chúng ta phải tư vấn cho các bậc phụ huynh để các em nhỏ được chăm sóc từ dinh dưỡng đến thể chất, có như vậy mới phát triển toàn diện cả về chiều cao lẫn cân nặng, nuôi dưỡng mầm non, tương lai và hy vọng của đất nước”.

Gửi hơi ấm lên vùng cao

Bên cạnh việc thăm khám, phát thuốc, dịp này tại xã Hồng Ngài, AloBacsi còn phối hợp cùng Công an tỉnh Sơn La đồng hành trong dự án Nuôi em Mộc Châu, trao tặng 500 chiếc áo ấm cho các em nhỏ. Những chiếc áo phao với lớp bông, quần áo dài tay vải nỉ ấm áp, những đôi vớ (tất), khăn quàng len xua đi hơi lạnh vùng cao.

Mùa đông ở Sơn La luôn được cảnh báo ở mức rét đậm, rét hại, nhiệt độ có khi về âm, cộng thêm những cơn mưa phùn thường trực khiến đường đất lúc nào cũng ẩm ướt, se buốt bội phần. Cái lạnh đến cắt da, cắt thịt nhưng các em nhỏ lại oằn mình vượt qua giá rét với đôi chân trần đỏ ửng, với chiếc áo rách, ngắn đến trên rốn. Vì vậy, khi khoác cho các em tấm áo, ai nấy đều thấy lòng mình ấm áp hơn.

Đám trẻ ở Hồng Ngài, dù cuộc sống đầy khó khăn, cơm ăn không đủ no - áo không đủ mặc, nhưng lại rất thảo, sẵn sàng chia sẻ món đồ mà mình có. Nhận được gói kẹo từ đoàn thiện nguyện, các em vây quanh, có bé thì dè sẻn để dành cho em, có trẻ lại chia đều cho cả bạn bè. Nhận được mì gói, các em ăn sống ngay, nhai rôm rốp cười đùa thích thú, vì “hiếm có khi nào được ăn ngon như vậy”. Quả thực, với trẻ em vùng cao Sơn La, bữa cơm đạm bạc nay có thêm một gói mì nóng chan cơm trở thành món ngon của cả gia đình trong những ngày rét buốt.

Từ đầu năm đến nay, AloBacsi thực hiện 9 chuyến thiện nguyện là bấy nhiêu hành trình Acecook đồng hành cùng chương trình

Những gói mì được trao tận tay các em nhỏ ở vùng cao Sơn La. Các em ăn ngon lành.

Rồi hỏi những đôi má ửng hồng xem các em có thích những món quà này không? Em Đinh Văn Lâm (6 tuổi) cười tít mắt nhanh nhẹn: “Con thích lắm, vì áo đẹp và ấm”. Em Lò A Tủa (9 tuổi) thì thỏ thẻ: “Về con sẽ cho em mặc áo chung nữa, còn có cả khăn choàng, tất và bánh, kẹo, nhiều quá ạ”.

Niềm vui trọn vẹn mà các em có được, từ chiếc áo ấm đến những viên kẹo, gói mì đều là nhờ các mạnh thường quân, các nhà tài trợ từ Nam ra Bắc. Mười năm qua, yêu thương - tin tưởng và cả kỳ vọng đã trở thành sợi dây nối dài giúp AloBacsi viết tiếp những hành trình thiện nguyện từ miền xuôi đến vùng cao.

Khi AloBacsi đang sửa soạn cho chuyến khám bệnh cuối cùng của năm 2023, hay tin gió lạnh tràn về, các bạn ở địa phương gửi hình tụi nhỏ đơn sơ trong những chiếc áo ngắn cũn phơi nửa bụng, thấy thương. Vậy là AloBacsi lại xin đứng ra kêu gọi, gom yêu thương mua áo ấm cho em. Chỉ vỏn vẹn 3 ngày, tổng số tiền quyên góp để mua áo ấm đã lên đến 62 triệu đồng.

Cũng như những lần kêu gọi nội bộ trước, tấm lòng thơm thảo đều từ bác sĩ, bạn bè, thân hữu của AloBacsi. Đó là vợ chồng BS Trần Chí Cường, BS Phan Trịnh Minh Hiếu đóng góp 10 triệu đồng. Đó là BS Trần Ngọc Lưu Phương, BS Nguyễn Thị Anh Phương đóng góp ngay 8 triệu đồng. BS Tôn Dũng từ chối nhận thù lao sau một chương trình talkshow và gửi 100USD để mua áo ấm cho em. BS Bạch Quyên, BS Phạm Trần Văn Hội, BS Võ Thị Kim Oanh, BS Ngọc Bình… thường xuyên có mặt trên các nẻo đường thiện nguyện của AloBacsi cũng chuyển ngay khi hay tin.

Nhiều cô/chú dù thu nhập thấp vẫn ngắt ra một phần trao tặng các em. Đó là cô Muội, cô Ba (TPHCM) đóng góp 4 chiếc áo ấm. Cô Lê Thị Phương - bạn đọc thân thiết - đã ra tận ngân hàng để gửi tiền quyên góp vì không sử dụng các phương thức online.

Ngoài quần áo ấm, AloBacsi cũng đã trao tặng 15,5 triệu đồng tiền mặt cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Công ty Dược phẩm Delap tài trợ toàn bộ cơ số thuốc trên hành trình tại Sơn La. Acecook trao tặng 200 thùng mì, Tập đoàn Điện Quang trao tặng vợt muỗi, ấm điện, đèn pin chuyển trực tiếp đến điểm khám. Sách từ Nhà xuất bản Giáo dục trao tặng trị giá 120 triệu đồng và rất nhiều phần quà khác từ các nhà tài trợ (sữa bột người lớn, trẻ em; kem đánh răng; thuốc nhỏ mắt Osla Baby; vở ô ly; xà phòng Sinh Dược; Dạ Hương; dầu gội, bánh kẹo) cũng được AloBacsi và Daisy chuyển tận tay cho địa phương và trẻ em ở xã Hồng Ngài.

Rời khỏi Sơn La, đoàn thiện nguyện cảm nhận được thật nhiều niềm vui, bởi AloBacsi đã không phụ sự kỳ vọng của bạn đọc, của mạnh thường quân khi tin rằng những món quà đã đến đúng nơi cần đến, trao tận tay từng em nhỏ. Nhưng cũng còn đó thật nhiều trăn trở, phải chi có cách nào đó cho bà con có "cần câu cơm", làm sao để trẻ đừng bỏ dở giấc mơ con chữ vì nạn tảo hôn, làm sao để những đứa trẻ được khoẻ mạnh, xóa được bệnh hiểm nghèo vì hủ tục hôn nhân cận huyết...

Rời Hồng Ngài, AloBacsi cũng chở cả kỳ vọng của Trưởng trạm y tế xã cần sự chung tay giúp đỡ cho 3 em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ. AloBacsi cũng mong mỏi những chuyến thiện nguyện là cầu nối để nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ sẽ viết tiếp nhân duyên gặp gỡ được các bác sĩ, các mạnh thường quân…

Một lần nữa, AloBacsi trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm và bạn đọc gần xa đã đồng hành để đoàn thiện nguyện hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X