Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ “giải mã” những lo lắng thường gặp của mẹ bầu
Mời mẹ bầu đón xem phần tư vấn của TS.BS Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ về các vấn đề: Ăn đủ chất có nhất thiết phải bổ sung viên đa sinh tố? Sữa bầu khó uống, có nên dùng sữa tươi thay thế? Tiêm vắc xin gây độc cho mẹ và thai nhi?...
Trong buổi hội thảo “Để con hơn tôi” do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức với sự đồng hành của Cộng đồng bầu, TS.BS Lê Quang Thanh đã dành nhiều thời gian để giải đáp các khúc mắc của mẹ bầu.
AloBacsi xin trích đăng phần tư vấn của TS Quang Thanh để mẹ bầu tham khảo, chuẩn bị tốt nhất trong hành trình đón con yêu:
Trước khi công tác trên cương vị Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TS.BS Lê Quang Thanh đã trải qua 20 năm công tác tại cơ sở y tế này, đảm nhận vị trí chuyên môn tại rất nhiều khoa lâm sàng trọng điểm như Khoa Sanh, Sản bệnh, khoa Phụ và các khoa quan trọng trong công tác kỹ thuật và chẩn đoán.
1. Thưa bác sĩ, để trẻ em thời nay cao lớn và khỏe mạnh hơn trẻ em thời trước, bác sĩ có lời khuyên gì ạ?
Trước đây, giới khoa học cũng như trong quan niệm của nhiều người Việt đều cho rằng di truyền là yếu tố quyết định thể chất và trí não của trẻ, bao gồm cả chiều cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay đã chứng minh, di truyền chỉ chiếm 20% trong sự tăng trưởng và phát triển của con người. 80% còn lại là Epigenetics - yếu tố thượng di truyền, hiểu nôm na là yếu tố môi trường.
Tôi lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu. Trường hợp 2 em bé đều gốc Việt, nhưng một em sinh ra và lớn lên ở Việt Nam sẽ khác biệt về ngoại hình chẳng hạn như chiều cao, phong cách… với một em bé tại Mỹ (hay một quốc gia khác ở châu Âu).
Tương tự, điều đó cũng xảy ra với em bé gốc Mỹ nhưng được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam thì ngoại hình sẽ gần giống với người Việt, chỉ khác một số yếu tố di truyền như màu da, màu mắt… Điều đó cho thấy, môi trường là yếu tố quyết định đến 80% sự phát triển, tăng trưởng của trẻ, trong đó có chiều cao.
Trong môi trường, có rất nhiều yếu tố chúng ta không thể can thiệp được, ví dụ như nhiệt độ, khí hậu, độ ẩm. Nhưng song song đó có những yếu tố thuộc về môi trường có thể can thiệp được từ rất sớm, điển hình nhất và dễ nhất là dinh dưỡng.
Đó là lý do vì sao chúng ta có khái niệm 1.000 ngày đầu đời. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy trong 1.000 ngày vàng (từ khi thụ thai đến khi trẻ được 2 tuổi), trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai.
Vì thế, nếu các chị em được chuẩn bị tốt trước khi mang thai, chăm sóc đầy đủ trong giai đoạn thai kỳ và đầu tư đúng - đủ cho con ở giai đoạn 2 năm đầu đời sẽ là tiền đề con trở thành một người trưởng thành cao lớn, phát triển toàn diện về trí não.
Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, thế hệ các em bé sinh sau sẽ càng phát triển hơn chúng ta là vì điều kiện về y tế càng ngày càng tốt hơn để chăm sóc toàn diện cho sự phát triển của trẻ.
Di truyền chỉ chiếm 20% trong sự tăng trưởng và phát triển của con người. 80% còn lại liên quan đến yếu tố môi trường
2. Công tác chăm sóc sức khỏe thai kỳ hiện nay có gì khác so với 10 năm trước thưa TS.BS Lê Quang Thanh?
So với 10 năm trước đây, công tác chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ mang thai đã có nhiều thay đổi. Trong đó, rõ nhất và đột phá nhất liên quan đến xét nghiệm, đặc biệt là sinh học phân tử. Chẳng hạn như với xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn, chỉ cần lấy máu người mẹ làm xét nghiệm sẽ biết được về di truyền, gen của con mà không cần lấy máu của em bé. Đó là một trong những minh họa cho việc phát triển nhanh của khoa học, làm thay đổi bản chất của việc chăm sóc thai kỳ rất nhiều.
Trước đây, khi khoa học chưa phát triển nên việc chăm sóc thai kỳ chỉ tập trung vào các yếu tố cơ bản nhất, làm sao để sinh an toàn. Nhưng giờ chúng ta đã tiến xa hơn một bước, qua các xét nghiệm giúp tiên đoán trước những “sự cố” có thể xảy ra với đứa trẻ từ khi còn trong bào thai.
Hiện nay, mục tiêu của quốc gia là nâng cao chất lượng dân số, làm sao để các em bé chào đời khỏe mạnh. Do đó, những chương trình sàng lọc phát hiện sớm dị tật ra đời, kịp thời phát hiện sớm những “lỗi” có thể sửa chữa để tránh những di chứng về sau, đạt đến mục tiêu các em bé sinh ra đều khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh NIPT phân tích DNA trong máu của mẹ bầu
3. Bà mẹ ngày nay sinh con có những hỗ trợ gì so với các mẹ trước cách đây 5 năm và tỷ lệ tử vong bà mẹ hiện nay tăng hay giảm so với trước đây ạ?
Tỷ lệ bà mẹ tử vong, đặc biệt liên quan trực tiếp đến biến chứng sản khoa giảm ngoạn mục so với 5-10 năm trước đây. Trong khi 10 năm trước con số này là 200/100.000 người, nghĩa là trong 100.000 bà mẹ sinh có đến 200 người tử vong thì hiện nay con số này giảm còn rất thấp, chỉ khoảng 19 người.
Vì trong những năm gần đây, việc chăm sóc bà mẹ trong quá trình mang thai, sinh đẻ đã tiến bộ hơn nhiều. Tập trung tối đa các phương tiện để cuộc sinh diễn ra an toàn, tốt nhất cho cả mẹ và bé.
Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng để đạt mức độ hoàn hảo, hướng đến các bà mẹ không còn phải lo lắng tới tính mạng, sức khỏe của mình khi sinh đẻ thì đó là thử thách lớn. Chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa, kể cả sự phối hợp giữa các ngành y tế và với cộng đồng thì mới có kết quả tốt nhất.
4. Thưa TS.BS Lê Quang Thanh, trong trường hợp ăn uống đủ chất thì có cần thiết phải bổ sung thêm các viên đa sinh tố?
Nếu chúng ta đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, phù hợp, đầy đủ chất thì không nhất thiết phải bổ sung thêm viên đa sinh tố, nếu những vi chất đó không mang tính quyết định. Tại sao lại nói “quyết định”? Bởi có những vi chất sẽ đủ khi được bổ sung qua đường ăn uống hàng ngày, nhưng ngược lại sẽ có những chất dù ăn uống đa dạng đi chăng nữa vẫn không đủ, ví dụ như acid folic.
Thậm chí, các chuyên gia còn khuyến khích nên bổ sung acid folic trước khi mang thai. Người ta chỉ ra rằng, nếu bà mẹ được bổ sung acid folic 1 năm trước khi mang thai thì khả năng trẻ sinh ra bị khiếm khuyết dị tật ống thần kinh sẽ rất thấp. Thậm chí, nếu cộng đồng cung cấp đủ lượng acid folic cho bản thân thì có thể giảm đến 50% dị tật bẩm sinh liên quan đến ống thần kinh.
Hơn nữa, rất khó để khẳng định chế độ ăn của mẹ bầu luôn đáp ứng đầy đủ các chất, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thói quen, tập quán ăn uống của mỗi người, có người không ăn được hải sản, lại có mẹ bầu chỉ ăn rau xanh… Tôi còn biết có nhiều bà mẹ lo lắng về vóc dáng nên mặc dù có điều kiện kinh tế tốt nhưng lại rất kiêng khem.
Do đó, theo tôi trong trường hợp các bà mẹ đi khám thai, nếu bác sĩ khuyên nên bổ sung viên đa sinh tố, đa vi chất phù hợp với thai kỳ thì nên tuân thủ hướng dẫn, nhất là những vi chất bắt buộc phải sử dụng như acid folic.
Hiện nay với kỹ thuật công nghệ hiện đại đã có thể làm ra những sản phẩm rất thuật tiện cho người dùng, chúng ta chỉ cần uống 1 viên hoặc sử dụng 1 lọ/ ống là có thể cung cấp đủ hàm lượng cần thiết cho cơ thể.
5. Sữa bầu khó uống, dùng sữa tươi thay thế liệu có đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé?
Nếu bà mẹ mang thai thấy sữa bầu khó uống quá hoặc không thích mùi vị thì có thể dùng sữa tươi, không sao cả. Một trong những hạn chế của người châu Á, nhất là người Việt Nam là rất ít sử dụng các chế phẩm từ sữa. Đó là lý do vì sao chúng ta thiếu canxi.
Trong khi chế độ ăn của chúng ta thường có tinh bột là chính, đạm với đường là phụ trợ, lại ít khi sử dụng các chế phẩm từ sữa thì ở các nước châu Âu bữa ăn của họ thường có thêm sữa, phô mai, yaourt… Đây là tập quán ăn uống dẫn đến một phần nguyên nhân sự phát triển hệ cơ xương khớp của chúng ta kém hơn so với họ. Vì thế, hiện nay ở nước ta chương trình uống sữa học đường đang được tổ chức rộng rãi, đồng thời khuyến khích người dân nên uống sữa nhiều hơn.
Như vậy, nếu chúng ta có điều kiện và không ngại thì mỗi ngày uống 1 ly sữa rất tốt, giúp bổ sung canxi. Riêng sữa bầu, một số người không hợp, vì vậy nếu không uống được các loại sữa này có thể uống sữa tươi, nhưng quan trọng nhất là chế độ ăn cân đối, không nên trông chờ vào sữa. Khi các mẹ bầu đảm bảo đủ đạm, đường, béo và bổ sung các vi chất đầy đủ thì lúc đó dùng thêm chế phẩm sữa nào cũng được, không nhất thiết là sữa bầu.
Nếu sữa bầu khó uống, mẹ có thể thay thế bằng sữa tươi, nhưng quan trọng nhất vẫn là cần chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo đủ các nhóm đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất
6. Thưa bác sĩ, hiện nay có nhiều thông tin trên các hội nhóm cho rằng khi mang thai và cả sau này khi con sinh ra không nên tiêm vắc xin vì trong đó có các thành phần gây độc cho cơ thể. Mong bác sĩ cho lời khuyên ạ!
Tôi xin khẳng định, vắc xin luôn tốt, đây là thành tựu của y học. Vì để được cấp phép lưu hành vắc xin phải trải qua rất nhiều giai đoạn thử nghiệm để chứng minh tính an toàn và hiệu quả.
Không riêng gì nước ta, hiện nay nhiều nơi vẫn có nhóm anti vắc xin, tức là chống lại việc tiêm vắc xin và muốn để cơ thể tự nhiên. Nhưng xin thưa với các bạn, từ xưa đến nay loài người chúng ta vẫn luôn có ước ao làm sao chống lại được tất cả các bệnh tật bằng cách đơn giản nhất chứ không phải đợi đến khi có bệnh rồi mới đi điều trị. Một trong những điều lý tưởng nhất đó là chế tạo ra vắc xin, để chỉ với một giọt hoặc qua các liều tiêm có thể phòng ngừa được bệnh tật.
Có thể nói, vắc xin là liệu pháp tốt nhất của y tế dự phòng. Việc thay đổi lối sống, tăng cường vận động mục tiêu vẫn chỉ là tăng sức khỏe, sức đề kháng chống lại các loại bệnh tật, nhưng đến một lúc nào đó nếu chúng ta không thể kháng cự lại được thì buộc phải đối diện với nó và những biến chứng nặng nề. COVID-19 là một ví dụ điển hình, cả thế giới hiện nay đang chạy đua với thời gian để có vắc xin sớm nhất, giúp vượt qua dịch bệnh nhanh nhất.
Một trong những giả định được quan tâm nhất đó là những quốc gia có chương trình tiêm chủng mở rộng đối với bệnh lao như Việt Nam thì có tỷ lệ người mắc COVID-19 và tỷ lệ tử vong thấp hơn những quốc gia không triển khai chương trình này. Mặc dù đây chỉ là một giả thuyết nhưng cho chúng ta thấy rằng việc chủng ngừa rất quan trọng, là yếu tố nên cân nhắc và sáng suốt quyết định, nhất là cho con của mình. Do đó, chúng ta nên cẩn trọng trong việc tiếp nhận thông tin.
Đa số phản ứng do tiêm vắc xin thường là nhẹ và thoáng qua, chẳng hạn như đau ở chỗ tiêm và sốt nhẹ. Nhưng lợi ích của nó đem lại lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ, sẽ có rất nhiều ca bệnh và tử vong xuất hiện nếu không có vắc xin.
Còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta biết rằng, chỉ cần có các mũi tiêm này sẽ giúp phòng tránh được bệnh tật. Như việc chúng ta kỳ vọng sẽ chế tạo thành công vắc xin ngừa HIV và điều này cũng sắp thành công rồi. Nếu có liều vắc xin này thì đó sẽ là thành công vĩ đại của nhân loại.
Thực sự, cũng có điều khiến chúng tôi đau đáu. Khi chẳng may xảy ra một ca biến chứng nào đó do vắc xin thì cộng đồng rất e ngại, nhưng nếu không tiêm vắc xin thì có cả ngàn, cả triệu em bé tử vong vì căn bệnh đó thì dường như mọi người lại không chú ý đến.
Như gần đây nhất, bệnh bạch hầu quay trở lại ở Tây Nguyên mặc dù nó đã bị “xóa sổ” trước đó ở nước ta, vì một số cộng đồng người thiểu số không tiêm ngừa nên khi bùng phát có thể lây lan nhanh. Bạch hầu ghê gớm lắm, nó là những màng trắng, có thể gây bít đường thở và tử vong.
Do đó, khi nói đến vắc xin, các ông bố, bà mẹ đừng lo lắng gì cả, nếu hệ thống y tế đã khuyến cáo rằng nên tiêm vắc xin thì chúng ta phải làm theo, thậm chí là bắt buộc, điều này tốt cho bản thân mà cộng đồng.
[DAP]
Một số căn bệnh đã được tiêu diệt và phòng tránh hiệu quả bởi vắc xin: Năm 1967, có 15 triệu người mắc bệnh đậu mùa và 2 triệu người chết. Nhờ chiến dịch vắc xin kéo dài từ thế kỉ 19 đến thế kỉ 20, WHO đã chứng nhận rằng bệnh đậu mùa đã được tiêu diệt hoàn toàn. Tương tự như vậy, từ năm 1964-1965, trước khi có vắc xin Rubella, có 2.100 trẻ sơ sinh chết và 11.250 ca sảy thai, hơn 3.000 đứa trẻ bị mù và hơn 1.800 trẻ thiểu năng. WHO ước tính vắc xin đã ngăn chặn 20,4 triệu cái chết do sởi năm 2010-2016.
[/DAP]
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình