Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt trẻ tự kỷ và chậm nói

Rối loạn phổ tự kỷ đang ngày càng phổ biến và việc thực hiện các biện pháp can thiệp điều trị là rất quan trọng với trẻ tự kỷ. BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM sẽ giúp quý phụ huynh hiểu rõ về tầm quan trọng của việc can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ cũng như điều trị trẻ tự kỷ như thế nào để cải thiện tốt nhất.

Trẻ tự kỷ bị ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp

Hội chứng tự kỷ là gì và được phân loại ra sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tự kỷ còn được gọi là phổ tự kỷ. Người ta không muốn gọi đây là một bệnh hay hội chứng nên gọi là phổ. Từ “phổ” diễn tả mức độ rộng, có trẻ nhìn không biết được nhưng cũng có trẻ rất dễ nhận biết, có trẻ dễ dàng điều chỉnh và có trẻ khó khăn hơn.

Người tự kỷ có khả năng hạn hẹp trong giao tiếp, diễn tả bằng lời, ánh mắt, cử chỉ.

Trẻ nào có nguy cơ mắc tự kỷ cao hơn?

Phổ tự kỷ thường khởi phát ở trẻ trong độ tuổi, giai đoạn nào? Trẻ nào có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn những trẻ khác?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phổ tự kỷ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thông thường ở 18 tháng mới có thể đánh giá rõ ràng. Một số trường hợp ban đầu chỉ là nghi ngờ, phải đi khám mới biết được. Có những bé 3, 4 tuổi người nhà mới nhận ra có khả năng bị tự kỷ.

Hiện nay chưa tìm ra được nguyên nhân tự kỷ, có thể do yếu tố gia đình hoặc yếu tố gen. Phổ tự kỷ là nhóm rối loạn gần như không thể chữa khỏi, chỉ điều chỉnh làm sao cho tốt nhất ở đứa trẻ có phổ tự kỷ.

Trẻ tự kỷ không thích nhìn vào mắt khi giao tiếp

Đâu là những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị phổ tự kỷ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với một đứa bé phổ tự kỷ, bé rất hạn chế giao tiếp, không muốn giao tiếp với người đối diện. Ánh mắt của trẻ không thể nhìn thẳng trực tiếp vào người đối diện.

Thứ hai, trẻ không diễn đạt được suy nghĩ của mình nên thường biểu hiện khó tiếp xúc, chậm nói, hay quấy khóc.

Khi có những dấu hiệu này, nên cho trẻ đi khám. Các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng rối loạn tự kỷ ở mức độ nào thông qua các dấu hiệu và bảng kiểm.

Cần có đánh giá tổng quát để chẩn đoán trẻ tự kỷ

Phổ tự kỷ có nhiều biểu hiện khác nhau về cảm xúc, ngôn ngữ, hành vi,... Vậy đâu là dấu hiệu điển hình của hội chứng này mà các bậc phụ huynh nên chú ý?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nhìn chung, khi thấy trẻ đến một độ tuổi nhất định mà không giao tiếp, diễn đạt bình thường thì nên đưa đi khám ngay. Có rất nhiều yếu tố để đánh giá chứ không thể dựa vào một dấu hiệu.

Nhiều người hay nói trẻ chạy nhón gót là bị tự kỷ, nhưng không phải vậy. Hoặc khi trẻ nói chuyện không diễn đạt trôi chảy nhưng vẫn có thể nhìn vào mắt người đối diện thì chưa chắc bị tự kỷ, nguyên nhân có thể là do thiếu vốn từ. Trẻ có thể chậm nói do ít tiếp xúc với người khác chưa chắc là tự kỷ.

Không thể dựa vào một yếu tố mà đánh giá đứa trẻ bị tự kỷ, cần phải đi khám và đánh giá tổng quát.

Trẻ chậm nói có phải là tự kỷ không?

Nhiều người cho rằng trẻ chậm nói là dấu hiệu rất lớn cảnh báo phổ tự kỷ. Xin hỏi BS, chậm nói trong trường hợp nào là bình thường và trong trường hợp nào là dấu hiệu của phổ tự kỷ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nguyên tắc của tự kỷ là khó giao tiếp và chính do khó giao tiếp khiến cho trẻ không nói được, khổng thể diễn đạt bằng lời. Đó là lý do trẻ tự kỷ chậm nói.

Nếu trẻ có thể hiểu được lời người lớn, có thể nhìn vào mắt người đối diện thì không phải tự kỷ mà do nhiều nguyên nhân khác. Chỉ với một yếu tố chậm nói không thể quyết định được trẻ tự kỷ hay không.

Chẩn đoán bệnh tự kỷ ở trẻ em

Có những phương pháp nào để chẩn đoán trẻ tự kỷ? Làm thế nào để không bỏ lỡ cơ hội chẩn đoán, can thiệp sớm cho trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, để biết đứa trẻ có tự kỷ hay không cần phải có bảng kiểm, trong đó đánh giá nhiều yếu tố: giao tiếp, gia đình,... Muốn xác định tự kỷ không chỉ dựa vào 1, 2 yếu tố mà phải là nhiều yếu tố cộng lại, đánh giá theo thang điểm và xem cách trẻ sinh hoạt.

Sau khi xác định tự kỷ, người ta còn phải đánh giá mức độ: mức độ nhẹ, nặng, rất nặng; mức độ can thiệp đơn giản, mức độ phải có lớp chuyên biệt... để biết trẻ đang ở mức độ nào. Nhìn chung, phải đến khi trẻ 18 tháng mới xác định được tự kỷ, trước đó chỉ có thể nghi ngờ.

Phụ huynh nên chú ý đến những điểm bất thường về giao tiếp bằng ngôn ngữ và ánh mắt, khả năng diễn đạt, chậm nói,... để đưa trẻ đi khám. Không phải trẻ nào có những dấu hiệu này cũng đều là tự kỷ, chỉ có đi khám mới đánh giá được.

Trẻ tự kỷ cần quá trình can thiệp và điều trị lâu dài

Trẻ bị phổ tự kỷ có điều trị được không và có thể phòng ngừa phổ tự kỷ được không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Rối loạn phổ tự kỷ không chữa hết được, không thể biến một đứa trẻ tự kỷ thành một đứa trẻ không tự kỷ. Rối loạn phổ tự kỷ có những bài tập riêng để cải thiện tương tác của trẻ. Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu tự kỷ nên đưa trẻ đến bác sĩ để đánh giá và xác định mức độ tự kỷ: Có thể can thiệp nhẹ nhàng bằng các lớp học rồi hòa nhập trở lại không, yếu tố gia đình như thế nào,... để giúp trẻ hòa nhập tốt hơn.

Phụ huynh cũng nên xác định trong trường hợp mức độ tự kỷ rất nặng, trẻ phải có bài tập riêng. Trẻ muốn nói được, muốn diễn đạt được cũng phải mất vài năm.. Gia đình có trẻ tự kỷ nên tham vấn bác sĩ tâm lý để xác định mức độ và có phương pháp can thiệp phù hợp. Điều trị phổ tự kỷ trong thời gian ngắn là điều không thể, giúp trẻ có thể hòa nhập xã hội tốt nhất có thể.

Trẻ tự kỷ có đi học được không?

Trẻ tự kỷ có thể đi học và phát triển toàn diện được không? Khi trẻ tự kỷ lớn lên có thể đi làm như người bình thường được không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này còn phụ thuộc vào phổ của trẻ, mức độ tự kỷ như thế nào. Trẻ tự kỷ mức độ rất nặng không thể đặt quá nhiều hy vọng. Nếu may mắn, mức độ tự kỷ không quá nặng hay có những thiên hướng đặc biệt về thể thao, âm nhạc, hội họa,... phụ huynh có thể tìm hiểu để giải quyết.

Phụ huynh không nên kỳ vọng trẻ tự kỷ có thể trở thành thiên tài hay phát triển như một đứa trẻ bình thường. Việc can thiệp chỉ là làm hết sức, đến đâu hay đến đó chứ không thể đảm bảo tương lai.

Trẻ tự kỷ cần được can thiệp sớm và suốt đời

Điều gì xảy ra khi trẻ phổ tự kỷ không được phát hiện và điều trị sớm?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không được phát hiện và điều trị sớm khiến việc giao tiếp của trẻ càng khó khăn hơn, chậm nói và khó kiểm soát được hành động của trẻ.

Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị cho trẻ phổ tự kỷ? Việc điều trị có phải sẽ kéo dài suốt đời không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh: Không phải điều trị mà là can thiệp và việc can thiệp này gần như là suốt đời để trẻ có thể giao tiếp bằng mắt, bằng lời nói, bằng tay chân và để người nhà hiểu được trẻ. Những trường hợp nặng có thể phải can thiệp suốt đời, những trường hợp nhẹ thì cần làm theo các bài tập suốt đời.

Tự kỷ không phải là bệnh lý tâm thần

Trẻ tự kỷ có nguy cơ bị tâm thần phân liệt hay các bệnh lý tâm thần khác về sau không?

BS Trương Hữu Khanh: Tự kỷ khác xa so với các bệnh lý tâm thần. Tự kỷ thuộc nhóm rối loạn phổ rộng. Quan trọng nhất là đưa trẻ đi khám và làm hết sức để can thiệp chứ đừng trì hoãn khi trẻ bị tự kỷ.

Cha mẹ nên làm gì khi con bị tự kỷ?

Lời khuyên của BS cho những phụ huynh có con bị phổ tự kỷ là gì?

BS Trương Hữu Khanh: Khi một đứa bé có rối loạn gì đó về giao tiếp, chậm nói, dáng đi, giấc ngủ,... thì hãy khoan kết luận đứa bé bị tự kỷ. Cần phải tổng hợp nhiều yếu tố để đánh giá trẻ có tự kỷ hay không.

Sau khi đi khám và xác định tự kỷ, tiếp theo cần xác định mức độ. Các mức độ khác nhau có các bài can thiệp khác nhau. Việc gia đình cùng tham gia vào can thiệp là rất quan trọng, nhiều cha mẹ phải bỏ cả công ăn việc làm để theo con chữa bệnh.

Phụ huynh cố gắng dạy con tự chăm sóc được bản thân, hòa nhập xã hội càng nhiều càng tốt. Cha mẹ có thể tìm kiếm khả năng, thiên hướng đặc biệt của trẻ tự kỷ: thể thao, hội họa, âm nhạc,... để giúp trẻ hòa nhập dễ hơn. Đồng thời nên tạo môi trường sống an toàn và chất lượng cho trẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X