Hotline 24/7
08983-08983

Gãy xương đòn điều trị thế nào? Bao lâu thì lành?

Gãy xương đòn (xương quai xanh) là một chấn thương thường gặp do tai nạn giao thông, tập luyện thể thao, tai nạn sinh hoạt. Gãy xương đòn có thể điều trị bằng phương pháp bảo tồn là mang đai số 8 hoặc phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít, đinh nội tủy.

I. Xương đòn là xương gì? Gãy xương đòn nguy hiểm thế nào?

Xương đòn (xương quai xanh) nối giữa xương ức và xương bả vai. Bạn có thể nhìn, sờ thấy xương này ngay vị trí cổ áo.

Gãy xương đòn thường gãy kín mà ít xảy ra biến chứng.

Tuy nhiên, với những tai nạn trầm trọng, biến chứng có thể xảy ra khi gãy xương kèm theo những tổn thương khác. Chẳng hạn: tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh, tổn thương màng phổi,… Hoặc những mảnh xương đòn gãy phức tạp, đâm vào bó thần kinh dưới xương đòn, đâm vào đỉnh của màng phổi dẫn đến tràn khí màng phổi.

II. Nguyên nhân gãy xương đòn

Xương đòn có thể gãy do tai nạn giao thông, tập luyện thể thao, tai nạn sinh hoạt. Đa số bệnh nhân gãy xương đòn bên trái. Có thể lý giải là do số người thuận tay bên phải nhiều hơn bên trái, và bên không thuận có xu hướng yếu hơn bên thuận.

Một số ít trường hợp trẻ sơ sinh bị gãy xương đòn trong quá trình sinh thường, và người mẹ có khung chậu hẹp.

III. Triệu chứng của gãy xương đòn

Đau dữ dội tại vùng cổ - vai, vai xệ xuống, không nâng đỡ được cánh tay. Đau tăng khi cử động cánh tay. Sưng nề tại vị trí xương đòn bị gãy. Vùng gãy xương có thể bầm tím hoặc không.

IV. Gãy xương đòn nên điều trị bảo tồn hay phẫu thuật?

Gãy xương đòn dễ lành vì xương đòn có màng xương dày và vị trí phía trên của lồng ngực là vùng cung cấp máu dồi dào. Khi điều trị gãy xương đòn có 2 phương pháp chính: điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.

1. Điều trị bảo tồn bằng đai số 8

Đa số trường hợp gãy xương đòn được điều trị bảo tồn. Trước đây, bệnh nhân sẽ được bó bột nhằm điều chỉnh vai ngửa ra, cố định lại xương đòn. Ngày nay, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp bảo tồn nhẹ nhàng hơn là mang đai số 8 bằng vải thun.

Đối với bệnh nhân cao tuổi, xương đã bị loãng khiến cho phẫu thuật kết hợp xương không đạt hiệu quả thì sẽ điều trị bảo tồn.

Điều trị bảo tồn cũng được áp dụng khi bệnh nhân không chấp nhận cuộc mổ đau đớn hoặc sẹo mổ, không muốn nằm viện…


Mang đai bằng vải thun số 8 - Ảnh AlobacsiMang đai bằng vải thun số 8 - Ảnh Alobacsi

Nhược điểm:

Khi điều trị bảo tồn không tốt có khả năng xương đòn sẽ không thể lành lại và can xương không mọc được. Hoặc trong quá trình bảo tồn bị tì đè, dẫn đến phần xương gãy nhô cao, gây ra tình trạng loét da, đâm thủng ra ngoài.

Việc lành xương của điều trị bảo tồn thường không đạt được hình dạng tuyệt đối như phương pháp phẫu thuật nên có những can lệch, xù lên làm cho vai ngắn lại, khiến xương đòn bị nhô lên, gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân.

2. Điều trị phẫu thuật kết hợp xương

Khi có biến chứng như tổn thương thần kinh, tổn thương mạch máu, tổn thương thủng màng phổi sẽ được chỉ định làm phẫu thuật. Bên cạnh đó, trường hợp gãy hở cần cắt lọc vết thương, kết hợp xương lại sẽ được chỉ định mổ.

Những trường hợp gãy kín đang được điều trị bảo tồn nếu xuất hiện mảnh gãy thứ ba có nguy cơ chọc thủng da hoặc màng phổi cũng sẽ được chỉ định mổ.

Ngoài ra chỉ định mổ được mở rộng hơn do nhu cầu thẩm mỹ của người bệnh. Do đặc thù xương đòn nằm ngay dưới da, khi điều trị bảo tồn có thể xảy ra can xương lệch, tạo nên một cục u trồi lên, gây mất thẩm mỹ. Nếu lo ngại điều này thì bệnh nhân có thể yêu cầu mổ để xương lành đẹp.

Dụng cụ kết hợp xương đòn là đinh nội tủy có răng vặn và nẹp vít. Với tình trạng xương gãy phức tạp, bác sĩ thường lựa chọn nẹp vít.

Để lựa chọn phương pháp đóng đinh nội tủy hay nẹp vít cho bệnh nhân cần dựa vào nhiều yếu tố. Trong lòng tủy xương có một cái ống, nếu lòng tủy bệnh nhân nhỏ mà đường gãy không bị gãy thành nhiều mảnh thì nên lựa chọn phương pháp đóng đinh. Phương pháp này có nhược điểm dễ bị lộ phần đinh khi đinh vừa đóng, chưa chắc vào xương. Tuy nhiên, ưu điểm là khi đóng đinh, đường mổ sẽ nhỏ, đơn giản. Đối với nẹp vít, đường mổ dài hơn nhưng phần nắn chỉnh sẽ tuyệt đối, vững chắc hơn, tuy nhiên sẽ có một cục gồ lên dưới da.


Bờ vai có vết mổ xương đòn sau phẫu thuật đặt nẹp kết hợp xương - Ảnh: AlobacsiBờ vai có vết mổ xương đòn sau phẫu thuật đặt nẹp kết hợp xương - Ảnh: Alobacsi

alobacsi Nẹp xương đòn trên phim XquangNẹp xương đòn trên phim Xquang - Ảnh Alobacsi

Nhược điểm:

Phương pháp này sẽ để lại vết sẹo mổ mảnh và dài, chi phí phẫu thuật cao hơn điều trị bảo tồn. Xương lành yếu hơn, vết thương chậm lành hơn so với điều trị bảo tồn. Và bệnh nhân phải thực hiện cuộc mổ thứ hai sau đó vài năm để lấy dụng cụ y tế ra ngoài. Vì vậy, bệnh nhân cần cân nhắc 2 phương pháp trên.

V. Chăm sóc sau gãy xương đòn

1. Tái khám đúng hẹn sau gãy xương đòn

Đối với điều trị bảo tồn, bệnh nhân cần hạn chế tháo đai số 8 và đến bệnh viện thăm khám thường xuyên. Thường sau 1 tuần, bệnh nhân nên đến bệnh viện để bác sĩ chụp phim Xquang kiểm tra lại xem có đạt kết quả không, có nguy cơ xương đâm qua da không, nếu có khả năng gây ra các biến chứng sẽ được chỉ định mổ.

Đối với điều trị phẫu thuật kết hợp xương, bệnh nhân cần tái khám sau 1 tháng để chụp phim Xquang kiểm tra lại. Nếu không có vấn đề gì thì không cần tái khám nữa. Hầu hết các trường hợp phẫu thuật xương lành tốt thì chỉ cần tái khám 1 lần.

2. Ăn uống, dinh dưỡng sau gãy xương đòn

Người bệnh gãy xương cần bổ sung thêm thực phẩm giàu vi chất canxi, magiê, kẽm, phốt pho, axit folic, vitamin B6, vitamin B12…

Trong toa thuốc kê về cho bệnh nhân gãy xương thường bao gồm viên canxi nên bệnh nhân không cần phải ăn thật nhiều thực phẩm giàu canxi giúp mau lành xương. Tức là bạn có thể ăn nhiều các món này hơn trước khi gãy xương nhưng không bắt buộc ăn liên tục với lượng nhiều các thực phẩm giàu canxi mà bỏ quên các thực phẩm khác. Chế độ ăn uống gồm những thực phẩm đa dạng và cân bằng, nhiều màu sắc (màu tự nhiên của thực phẩm) sẽ giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần có.

Những ngày đầu sau gãy xương, người bệnh rất đau, ngay cả cử động ăn nhai cũng gây đau. Do đó, những ngày đầu bệnh nhân nên ăn những món nấu mềm, ít phải nhai như cháo, súp. Khoảng 3 ngày sau sẽ đỡ đau dần, việc ăn uống trở lại bình thường.

Người bị gãy xương cần kiêng rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga và những thực phẩm mà bản thân đã bị dị ứng (nếu có).

3. Sinh hoạt sau gãy xương đòn

  • Những ngày đầu sau gãy xương, việc ngồi dậy hay nằm xuống của bệnh nhân rất khó khăn, cần người dìu, đỡ. Sau khoảng nửa tuần cho tới 1 tuần, bệnh nhân tự nằm và ngồi dậy được.
  • Mặc áo cài nút sẽ thuận tiện hơn áo chui đầu.
  • Trong thời gian chờ lành xương, bệnh nhân nên kiêng xách vật nặng vì xương đòn là phần nối giữa toàn bộ thân người và tay, khi xách vật nặng sẽ kéo phần vai xuống, dễ di lệch chỗ gãy hơn.
  • Gãy xương đòn ít để lại di chứng nên không bắt buộc phải tập vật lý trị liệu. Chủ yếu bệnh nhân nên vận động khớp vai, tránh bị cứng khớp vai do lâu ngày không cử động.
  • Gãy xương đòn cũng không cần kiêng quan hệ tình dục, miễn là các động tác không làm ảnh hưởng đến vết thương.

VI. Gãy xương đòn bao lâu sẽ lành?

Trong điều trị bảo tồn, xương sẽ có can xương sau 4-8 tuần. Bệnh nhân khi điều trị bảo tồn sẽ được mang đai trong suốt thời gian này.

Với người phẫu thuật nẹp vít do không cần đeo đai số 8 nên có xu hướng cử động nhiều và sớm hơn, bệnh nhân cần tránh điều này, lưu ý là không được xách nặng. Trong quá trình phẫu thuật, can xương cũng bị ảnh hưởng do quá trình bóc tách xương, vì vậy, can xương hình thành chậm hơn phương pháp bảo tồn.

Bệnh nhân phẫu thuật thường mong muốn chạy xe máy rất sớm vì nẹp ở trong xương không gây vướng víu. Tuy nhiên, động tác đi xe máy hoặc lao động sớm sẽ không tốt, bởi vì khi bắt nẹp vít vào phần xương gãy, khi xương chưa lành, cử động của bệnh nhân có thể làm lỏng và tuột vít ra, làm cuộc mổ thất bại.

Vì vậy, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên vận động trễ hơn, sau phẫu thuật từ 2-3 tháng khi có dấu hiệu của can xương. Thời điểm này bệnh nhân có thể tự chạy xe máy trở lại.

VII. Khi nào cần tháo nẹp xương đòn?

Về nguyên tắc, khi xương lành thì có thể lấy dụng cụ nẹp xương ra được. Tuy nhiên, khi lành xương trong trường hợp đặt nẹp vít, bệnh nhân nên để yên nẹp trong vòng 1-1.5 năm vì đây là sự lành xương trực tiếp nên xương cũng sẽ yếu hơn lành xương gián tiếp.

Đối với trường hợp đóng đinh nội tủy, nếu có biến chứng như đinh đâm thủng da sẽ được chỉ định phẫu thuật tháo đinh.

Đối với bệnh nhân lớn tuổi, có những bệnh nội khoa kèm theo gây bất lợi cho cuộc phẫu thuật thì bác sĩ sẽ tư vấn để luôn dụng cụ kết hợp xương trong người, không cần thực hiện tiếp cuộc mổ lần 2.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X