Hotline 24/7
08983-08983

Em bị đau vú bên phải nhưng siêu âm không có bất thường, nguyên nhân vì sao?

Câu hỏi

Chào BS, Cháu năm nay 23 tuổi. Cách đây 1 tuần, cháu phát hiện mình đau vú phía bên phải khi ngồi tì gối chân vào ngực. Vì lo lắng nên cháu đi siêu âm và BS kết luận không có gì bất thường (không có u, cục) nhưng mãi đến giờ vú phải cháu vẫn còn đau nhức. Cùng thời điểm đó cháu có bị dị ứng do bụi, tay và ngực phải nổi mẩn ngứa. BS cho cháu hỏi vú đau như vậy có phải bị ảnh hưởng do ngồi tỳ chân vào ngực hay bị dị ứng không ạ? Cháu đã khỏi dị ứng và không tỳ chân vào ngực nữa nhưng đến nay vú vẫn còn đau. Tại sao lại đau lâu như vậy ạ (cháu đã hành kinh xong được 2 tuần rồi ạ)? Mong AloBacsi trả lời những thắc mắc giúp cháu, cháu cám ơn nhiều ạ!

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Đau vú. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Đau vú. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Đau vú là triệu chứng khá thường gặp, nhất là ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Đau thường theo chu kỳ kinh. Đau nhiều trước khi có kinh khoảng một, hai tuần. Bớt đau dần cho đến khi thấy kinh. Thường đau cả hai vú mặc dù một bên vú có thể đau nhiều hơn. Vùng đau hay gặp là vùng trên ngoài của vú (phía nách). Cảm giác đau mơ hồ, nhưng nhức, có thể lan ra nách và xuống cánh tay cùng bên.

Cường độ đau thay đổi, có thể đau nhiều hơn khi mặc áo, khi ngủ. Nguyên nhân được cho là do rối loạn về nội tiết tố, hành động tì chân vào ngực hoặc do chính việc mặc áo ngực quá chật cũng có khả năng gây tổn thương mô mềm tại vú và gây đau. Một số thực phẩm có thể gây đau vú nếu dùng nhiều như cà phê, trà, cacao, nước ngọt có gas, sôcôla… hoặc một số loại thuốc như thuốc ngừa thai, trị mụn, lợi tiểu… em nên hạn chế sử dụng.

Trường hợp của em đau vú không phải do nguyên nhân nguy hiểm nếu siêu âm không có u, bề mặt da không sưng nóng đỏ thì không cần quá lo lắng. Nếu em cảm thấy khó chịu do đau, em có thể dùng paracetamol để giảm đau. Trường hợp đau kéo dài trên 2 chu kỳ kinh thì nên đi khám em nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Đau vú là tình trạng đau, bị mềm hay cảm giác khó chịu ở vú và vùng dưới cánh tay. Nhiều phụ nữ bị đau vú thường vô cùng lo lắng và bất an. Thực chất đau vú không phải là một dấu hiệu của ung thư vú và cũng không gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Đau ngực cũng không lây lan và di truyền qua các thế hệ trong gia đình.

Thông thường đau vú được chia làm hai loại: đau vú theo chu kỳ và đau vú không theo chu kỳ. Cả hai loại này đều rất khác nhau cả về nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và phương pháp điều trị.

Đau vú là một chứng rất thường gặp ở phụ nữ ở mọi độ tuổi, sắc tộc và điều kiện sống khác nhau. Những phụ nữ có kinh nguyệt thường mắc phải đau vú theo chu kỳ, trong khi những phụ nữ đã tới tuổi mãn kinh có thể mắc phải đau vú không theo chu kỳ.

Để kiểm soát tốt tình trạng đau ngực, bạn cần:

- Mặc áo ngực vừa vặn
- Mặc áo ngực thể thao trong khi tập luyện thể thao, đặc biệt khi ngực của bạn nhạy cảm
- Thử dùng các liệu pháp thư giãn
- Cẩn thận khi sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê toa, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB). Hãy hỏi bác sĩ bạn nên uống bao nhiêu, vì sử dụng các loại thuốc trên trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh gan và các tác dụng phụ khác.
- Ghi chú tình trạng bệnh của chính mình để xác nhận xem tình trạng đau vú mà bạn mắc phải là đau vú theo chu kỳ hay không theo chu kỳ
- Ăn theo chế độ ăn ít chất béo và sử dụng các loại dầu thực vật trong chế biến thức ăn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X