Duyên lành với nhà kiến tạo bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ
Bà ngoại, 86 tuổi móm mém nói về "thằng cháu": "Từ nhỏ đến giờ, tính nó vậy. Ai cần thì nó giúp hết mình. Xong việc, rồi đi, không cần đến một lời cảm ơn". Với bà, anh mãi là "thằng cháu ngoại ngày nào", dù bước ra thế giới bên ngoài, người ta gọi anh là: tiến sĩ.
Bên cạnh ba mẹ và "thế hệ ngành y thứ hai " - cháu gọi anh bằng cậu cũng đang học bác sĩ
2. Gia đình, chỉ gia đình nhỏ của mình... chưa đủ
Nhiều biểu ngữ “Gia đình là tế bào xã hội”, cổ vũ mọi người hướng về “Chăm lo gia đình hạnh phúc”. Sau những giờ làm việc cật lực, ai cũng muốn được quây quần bên mâm cơm nóng của gia đình mến yêu.
Thế mà, có một ông tiến sĩ - bác sĩ thường nhắn tin “khất” các bữa cơm sum họp như thế: “Anh phải đi mổ. Ba mẹ con ăn trước nha”, hay “Anh xin lỗi, có hai ca cấp cứu, anh phải đi ngay”…
Ban đầu còn nhắn tin, sau riết thì quen dần, việc anh về ăn cơm chiều với gia đình đã trở thành “xa xỉ”.
Anh là ai và anh nghĩ gì về gia đình: “Anh là thợ sửa mạch máu não bị hư hỏng” bất kể đó là ai, sang giàu hay nghèo khó. Đứng trước bệnh nhân, trái tim anh ra lệnh: Cứu! Bằng mọi giá cứu sống, trả bệnh nhân về với cuộc đời.
Anh sở hữu đôi bàn tay khéo léo xử lý can thiệp nhiều nhất các ca cấp cứu mạch máu não bằng DSA. Hàng ngàn bệnh nhân đã trở về từ cõi chết nhờ bàn tay và tấm lòng nhân hậu của anh.
Trong công việc, có lẽ anh ít khi phải áy náy, càng không có chữ ân hận. Bởi lúc nào, bất cứ lúc nào, bệnh nhân cần anh cũng hết lòng, cũng tận hiến hết sức lực cho người bệnh.
Nhưng anh thường xuyên cảm thấy có lỗi khi nghĩ về những thiệt thòi của vợ con và những lần anh thất hứa khi bị cuốn vào các ca cấp cứu, “bỏ qua” những buổi sinh hoạt đầm ấm của gia đình…
Sức lực của anh đã để lại nơi phòng mổ nơi có những ca xuất huyết mạch máu não nguy kịch ngàn phần chết chắc…
2. Nhận “đáp trả”
Bạn sẽ làm gì khi được đưa trở lại cuộc đời sau 1 cơn thập tử nhất sinh?
Trả ơn. Dĩ nhiên, ai cũng muốn trả ơn anh.
Không nhiều đâu, chỉ hơn 5.000 ca được anh can thiệp cứu sống kịp thời.
Nhiều bệnh nhân sau khi trở về từ cõi chết, muốn được cùng anh làm điều gì đó thật ý nghĩa cho cộng đồng, cho cuộc đời. Anh có ngay danh sách dài những “những bệnh nhân nghèo, không tiền đóng viện phí”.
Tuyệt đối không nhận cho riêng mình, anh chỉ là cầu nối để “nước từ chỗ cao
chảy xuống thấp, cho tình yêu thương lan tỏa, cho người cạn túi
vẫn có cơ hội được cứu sống”.
Anh được báo giới “tặng danh hiệu” Người “ăn xin” cho bệnh nhân tài nhất.
3. Thích “nhân bản” bác sĩ
Không chỉ truyền đạt trên giảng đường đại học Y Dược TPHCM, anh còn đi gom từng học trò lại, để “nhân bản”.
Phương châm của anh “Một mình sẽ không đi xa được”.
Nếu người ta thường giấu nghề, chừa lại chút gì đó cho mình “khác biệt” thì anh
ngược lại: Muốn nhân bản càng nhiều càng tốt. Anh hồ hởi, kêu gọi, mời các
chuyên gia cấp cứu đột quỵ khắp năm châu đến Việt Nam truyền dạy.
Phòng đào tạo chuyển giao là nơi anh đặt nhiều tâm huyết nhất. Hệ thống máy móc và cáp của bệnh viện đảm bảo cho các ca khó, bệnh nhân được kết nối hội chẩn với các chuyên gia giàu kinh nghiệm khắp thế giới.
Anh muốn bệnh viện trở thành trung tâm đào tạo quốc tế, để trong những năm tới Việt Nam sẽ có hàng ngàn bác sĩ giỏi cấp cứu đột quỵ. Càng nhiều bác sĩ biết kỹ năng xử lý cấp cứu đúng bài bản càng tốt.
Anh khát khao đến ngày mỗi bác sĩ khoa cấp cứu của các tuyến quận, huyện đều thông thuộc kỹ năng và xử lý đúng tình huống để “Không còn những người ra đi tức tưởi, oan uổng do cấp cứu sai, mất đi cơ hội quay lại cuộc sống”.
Mắt anh sáng rực khi nói về những quy trình cấp cứu đột quỵ được chuẩn hóa ở các nước phát triển, đến những chiếc xe là phòng cấp cứu thu nhỏ, đến nước Áo, mỗi người dân đều biết được khu vực nhà mình, nếu đột quỵ phải đi đâu.
Bệnh viện chưa đưa vào hoạt động, nhưng cảm tấm lòng của anh, một mạnh thường quân đã xuất tiền mua tặng 1 xe cấp cứu đạt chuẩn cấp cứu đột quỵ quốc tế, trị giá 1 tỷ đồng.
Vốn tính rạch ròi, anh lên kế hoạch “miễn phí” cho tất cả các ca bệnh cần vận chuyển bằng xe này, chỉ tính phí bảo trì và tiền đổ xăng.
4. Con người của hành động
Cuối tuần, rời phòng mổ anh lại dành thời gian cho công trình bệnh viện đang xây dựng
Nếu ai biết được, giá đất nơi đang xây dựng bệnh viện còn “cao hơn vàng”. Mấp mé 40 - 50 triệu/m2. Vậy mà anh xin 4.000m2, ngọt ơ.
Ôm theo hồ sơ thành lập bệnh viện đột quỵ đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long, anh đặt lịch xin gặp lãnh đạo tỉnh Cần Thơ. Chỉ thế thôi, "cung - cầu" gặp nhau. Một bên "khoái cứu người", một bên đang "khát người cứu dân". Thế là giao luôn 4.000m2 đất.
Có đất, có vốn đầu tư, khởi công rẹc rẹc. Thi công rốt ráo. Nhanh nhưng không hề ẩu.
Bệnh viện đổ đến sàn thứ nhất là anh nghĩ ngay đến hệ thống cano cấp cứu, xuyên qua các tuyến rạch chằng chịt ở Cần Thơ đưa bệnh nhân đến kịp thời.
Trải qua nhiều chuyến công tác học hỏi ở khắp các bệnh
viện trên thế giới, anh hiểu sâu sắc, từng bước đi từng giây phút trong cấp cứu
đột quỵ là sinh tử. Anh tham gia thiết kế bản vẽ bệnh viện đảm bảo: Bước ngắn nhất từ phòng bác sĩ đến giường bệnh.
Hiểu tâm lý căng thẳng của bệnh nhân, anh cho thiết kế sáng và thoáng, thông gió trên từng ngóc ngách của bệnh viện. Anh tối ưu hóa công năng sử dụng trên từng cm2 nền. Hạn chế tiêu hao điện năng, tiết kiệm điện mà bệnh viện vẫn “dư dả” ánh sáng và gió mát tự nhiên.
Vô trùng - khu vực chống nhiễm khuẩn là phần anh chú tâm nhiều nhất. Đón từng hướng gió, chuẩn bị từng hệ thống áp suất không khí, lót sàn bằng chất liệu epoxy (không có đường ron, kháng khuẩn, dễ lau chùi). Hệ thống tủ đựng quần của nhân viên y tế cũng thiết kế hai mặt cách biệt, mặt bước vào để trang phục cá nhân và cửa tủ bên trong phòng dành cho trang phục vô trùng khi bước vào phòng mổ.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nhiễm khuẩn, bệnh viện có hẳn hai hệ thống thang máy khác biệt. Thang máy dành riêng cho bệnh phẩm và một hệ thống thang máy khác dành để vận chuyển dụng cụ đã tiệt trùng.
Trang phục khi nằm viện, khám chữa bệnh cũng được hấp, tẩy trùng, đóng gói kỹ. Cầm bộ quần áo phẳng phiu thơm thơ sẽ xóa bỏ cho người bệnh cảm giác “ớn ớn khi mặc đồ bệnh viện”.
Có thể nói, mỗi cuối tuần, sự xuất hiện của anh ở công trình thi công Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ làm không khí sôi động hẳn lên. Quần xắn ống thấp ống cao, bước đi thoăn thoắt, đến thẳng những vị trí cần kiểm tra. Quyết liệt, dứt khoát, không khoan nhượng, anh nhắc điều chỉnh từng chi tiết chưa hợp lý về độ cao họng thoát nước thải, cái bản lề cửa phòng DSA cánh bên phải mở kéo vào trong để tiện dụng khi đưa bệnh nhân vào bằng băng ca...
Không có các khoản bồi dưỡng, thù lao, chỉ có tinh thần quyết liệt: “Anh em ta có thể chết đi theo thời gian nhưng bệnh viện phải tồn tại ít nhất 100 năm nữa”.
Công trình của anh, có sự chắc chắn trong từng viên gạch, từng mẻ xi măng cứng ngắc, từng công năng trong hệ thống dây chờ của các mạng lưới internet, khí cấp cứu, monitor tổng…
Cầm những búi dây chờ dày cộm, anh giải thích rõ ràng công dụng của từng sợi.
Anh nói chắc: “Tính trước, hạn chế đến mức thấp nhất việc đập phá, sửa chữa sau này”.
5. Xông vào mọi mặt trận
Bước chân vững chãi của anh lùng sục từ nhà kho của Osaka để mua canô tái sử dụng làm canô cấp cứu, rồi anh tìm ra cả nơi bán máy tính second hand, hàng nội địa của Nhật về cho các nhân viên văn phòng “rẻ, mà bền khỏi nói”.
Tâm của anh sáng như tấm gương, anh sống tự nhiên: Cái gì rẻ nhất, tốt nhất là anh gom về cho bệnh viện. Phương châm: Tiền chi ra ít nhất mà chất lượng tốt nhất.
Có ai ngờ ông tiến sĩ y khoa lại có lúc kéo cả một xưởng cơ khí về nhà. Anh cùng các kỹ sư cơ khí mày mò các mẫu giường, ghế của bệnh viện nước ngoài, rồi đi lùng mua inox loại tốt nhất… chế ra những chiếc giường inox hiện đại sáng choang mà giá thành chỉ bằng 1/3 thị trường.
Giữa bộn bề của khái niệm rất hot trong xây dựng cơ bản “chiết khấu, huê hồng” nhưng trên con đường anh đi, không hề lưu dấu của 2 từ này.
Không có “phần trăm chiết khấu, thối lại”… các nhà sản xuất tự nguyện giảm giá tối đa, vì “nhìn vào mắt ông ấy tôi thấy hừng hực ngọn lửa của sự tử tế, của một bác sĩ khát khao cứu người”, vị tham tán người Đức đã phát biểu như thế trong buổi lễ ký kết tài trợ của Siemens cho Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. Anh đã thương lượng mua được những cái máy chỉ với 100 tỷ thay cho giá bán chính thức toàn cầu là 130 tỷ đồng.
Ở cạnh anh, đồng hành với anh, người ta bỗng quên đi lợi ích cá nhân, quên hết những toan tính nhỏ nhoi đời thường.
6. Tiếp tục đồng hành cùng AloBacsi
Đồng hành với Hội Can thiệp thần kinh do anh làm chủ tịch từ những năm trước (Hai lễ ký kết quan trọng giữa các bên: Công ty Việt Cường - Siemens Healthineers và AloBacsi.vn - SIS Việt Nam), cho đến nay, mọi hợp tác giữa AloBacsi với anh, với Hội đều là hợp tác phi lợi nhuận.
AloBacsi vinh dự được anh tiếp tục chọn đồng hành trong vai trò truyền thông Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. “Hợp tác không thời hạn, cùng vì cộng đồng nhé”, anh cười với ánh mắt rất hiền.
Phi lợi nhuận - đó là điều khoản ghi rõ ở “dự toán chi phí”.
Theo thống kê, hằng năm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đến 10.000 bệnh nhân đột quỵ. Có đến 97% các bệnh nhân khi đến được TPHCM đều đã muộn.
Việc ra đời bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là điểm cấp cứu đột quỵ hết sức ý nghĩa cho 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sẽ không còn những chuyến xe cấp cứu lao vun vút đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại TP.HCM.
Đồng hành cùng anh trong hành trình vô cùng ý nghĩa này, AloBacsi chúng tôi coi đây là một phần quan trọng trong sứ mệnh kết nối giữa người bệnh - chuyên gia, chung sức vì miền Tây thân yêu.
Hồng Tâm
5 trong nhiều bài báo viết về anh Báo Tiền Phong: Người hồi sinh bệnh nhân chờ chết Báo Nhân dân: Hết mình sống với đam mê Người lao động: Cứu sống ca bệnh đột quỵ thập tử nhất sinh trên bàn mổ Kênh sức khỏe AloBacsi: TS.BS Trần Chí Cường: Người “ăn xin” cho bệnh nhân tài nhất Kênh truyền hình: https://www.youtube.com/watch?v=lJ5L-BzRb18 Bác sĩ Trần Chí Cường - 'vị cứu tinh' của những bệnh nhân tai biến - đột quỵ. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình